Người Mạ 'dệt' ước mơ đưa thổ cẩm xuất ngoại
Thổ cẩm không chỉ được sử dụng trong đời sống hàng ngày, đồng bào Mạ, phường Đông Gia Nghĩa (Lâm Đồng) đang nỗ lực đưa nét đẹp văn hóa này đến với thị trường quốc tế.

Du khách nước ngoài thích thú trải nghiệm dệt thổ cẩm tại tổ hợp tác của chị Bình
Hơn 40 tuổi, chị H’Bình bon N’Jiêng, phường Đông Gia Nghĩa, đã có gần 30 năm gắn bó với khung cửi. Mỗi động tác của người phụ nữ này thoăn thoắt, khéo kéo, cho ra đời những hoa văn mang đặc trưng của văn hóa đồng bào Mạ.
Chị H’ Bình cho biết, trong nếp nghĩ và phong tục, con gái Mạ, ai cũng phải biết dệt. Ngay từ khi chưa lập gia đình, chị Bình đã được mẹ - nghệ nhân H’Bạch - dạy nghề. Sau này, khi có gia đình riêng, chị cũng truyền cho con tình yêu với sợi chỉ, khung cửi của đồng bào. “Với đồng bào Mạ, phụ nữ, con gái phải biết dệt vải. Ngày còn trẻ, dệt thổ cẩm để làm lễ vật cho việc hỏi chồng. Lập gia đình rồi thì dệt vải để may đồ, làm chăn đắp cho con cái, vợ chồng. Thổ cẩm trở thành đồ dùng không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của đồng bào tôi”, chị H’Bình cho hay.
Năm 2018, chị H’Bình đã cùng 7 phụ nữ trong bon thành lập Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Đắk Nia. Với vai trò đầu tàu, chị H’ Bình cho rằng phải giới thiệu, quảng bá để sản phẩm thổ cẩm của dân tộc mình có thể vươn xa.
Sau đó, chị Bình chủ động tìm đối tác mua hàng, tích cực tham gia các lễ hội truyền thống và mày mò tìm kiếm thị trường trên mạng xã hội. Nhờ đó, hiện sản phẩm thổ cẩm của chị H’Bình đã được nhiều đối tác tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Gia Lai đặt hàng. Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Đắk Nia tạo việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho khoảng 20 phụ nữ địa phương.
“Trung bình, một tuần mỗi người có thể dệt được một tấm thổ cẩm kích thước 50x150 cm, với giá bán 1,5 - 3 triệu đồng. Thổ cẩm dệt ra đến đâu đều được đặt mua tới đó, những thợ dệt thổ cẩm như chúng tôi chọn đây làm hướng phát triển kinh tế lâu dài”, chị H’Bình thông tin về tình hình kinh doanh của tổ hợp tác.
Bà H’Dột, bon Bu Sóp, là thành viên lớn tuổi nhất của Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Đắk Nia. Từ khi tham gia vào tổ hợp tác dệt thổ cẩm, cuộc sống gia đình bà ấm no hơn trước. Bản thân bà cũng có công việc phù hợp với tuổi tác, sức khỏe và đam mê.
Theo bà H’Dột, để đáp ứng nhu cầu thị trường, các thành viên trong tổ hợp tác đã học và dệt thành thục thổ cẩm của đồng bào M’nông, Ê đê, K’Ho và S’tiêng. Chính sự đa dạng này đã giúp hợp tác xã duy trì và phát triển trong nhiều năm qua. “Mỗi dân tộc đều sử dụng màu sắc, hoa văn chủ đạo trong thổ cẩm nhưng về cơ bản, kỹ thuật là giống nhau. Nhờ biết dệt nhiều loại thổ cẩm mà việc bán hàng của chúng tôi cũng dễ dàng hơn. Trung bình mỗi tháng tôi có thu nhập khoảng 6 - 8 triệu đồng”, bà H’Dột chia sẻ.
Cuộc sống của người Mạ ở phía Tây Lâm Đồng đã gắn liền những tấm thổ cẩm. Thổ cẩm vừa mang tính văn hóa, giải trí, vừa mang yếu tố tâm linh, truyền thống.
Là Tổ trưởng Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Đắk Nia, chị H’Bình tự hào khi những hoa văn của dân tộc, những màu sắc tự nhiên của núi rừng đã vượt khỏi phạm vi bon làng, được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn. Đặc biệt, hơn một năm qua, thổ cẩm của tổ hợp tác đã được một doanh nghiệp đặt hàng, xuất bán sang Nhật Bản. Chính điều này đã giúp chị H’Bình và nhiều phụ nữ khác có thêm niềm tin vào nghề truyền thống của đồng bào Mạ.