Cây mít đặc biệt được người dân vùng biên dựng hàng rào bảo vệ
Theo người dân địa phương, cây mít được trồng từ thế kỷ XX minh chứng sức sống, lịch sử nới biên cướng Tổ quốc. Khoảng 10 năm trước, cây mít bị kẻ xấu đốn hạ để lấy gỗ nên từ đó người dân xây hàng rào để bảo vệ những nhánh cây còn lại.

Nhiều trường học đã tổ chức cho học sinh tới tham quan, tìm hiểu ý nghĩa của Di tích Cây mít tổ
Cây mít hiện đang được người dân bon Bu Prăng 2, xã Quảng Trực (tỉnh Lâm Đồng) chăm sóc, bảo vệ. Ngoài hàng rào xây dựng kiên cố, người dân còn thường xuyên cắt cử nhau trông nom cây mít.
Ông Điểu G’răm (SN 1956) ở bon Bu P’răng 2 cho biết, cây mít được người thân của ông trồng từ khoảng những năm 30 của thế kỷ trước. Thời điểm đó, bon Bu P’răng 2 là địa bàn sinh sống của đồng bào M’nông. Cây mít được trồng tại vùng đất biên giới Quảng Trực bắt nguồn từ tập quán sinh hoạt và đời sống văn hóa hàng ngày của người dân bản địa.
“Ngày xưa chưa có gạo, muối, bà con khắp vùng đi bộ đến đây, rồi vượt suối để qua nước bạn Campuchia mua lương thực, thực phẩm. Ngày ấy người thân của tôi cũng theo chân người lớn đi qua biên giới mua đồ. Nghe ông già, bà già kể lại, thấy người Pháp ăn mít, bỏ lại hạt, ông mới nhặt hạt rồi đưa về Quảng Trực trồng. Tính đến nay, cây mít cũng cả 100 năm tuổi”, ông Điểu G’răm nói.

Người dân địa phương dựng hàng rào để bảo vệ cây mít
Đặc biệt, năm xưa khi còn thiếu thốn, trái mít non giúp người dân địa phương có thêm lương thực. Trong suốt thời gian kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vị trí cây mít hiện nay còn là nơi tập kết, nghỉ ngơi, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ Việt Nam. Đến năm 2012, UBND huyện Tuy Đức đã đầu tư, xây dựng công trình Di tích Cây mít tổ để nơi này khang trang, tôn nghiêm hơn, phục vụ việc giáo dục tư tưởng cho thế hệ trẻ.
“Cây mít không chỉ cứu đói cho người dân mà còn khẳng định chủ quyền tại vùng đất biên giới này. Trong suốt những năm còn làm trưởng bon, khi nào tôi cũng nhắc nhở mọi người, bảo vệ cây mít là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người dân trong bon”, ông lão nói.
Tháng 3/2024, tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh khu vực Đồn Biên phòng Bu P’răng. Cơ quan chức năng đã tiến hành khảo sát diện tích, khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích, trong đó có khu vực cây mít tổ.
Cũng theo ông Điểu G’răm, sau khi được tái lập bon vào năm 2011, người dân bon Bu P’răng 2 đã chọn khu vực cây mít tổ để xây dựng các công trình văn hóa công cộng, đồng thời là nơi diễn ra các sự kiện văn hóa, tín ngưỡng lớn của cộng đồng người M’nông bản địa. Tuy nhiên, điều đáng buồn là hơn 10 năm trước, thân chính của cây mít tổ bị kẻ xấu đốn hạ để lấy gỗ. Sau sự việc, người dân địa phương đã chung sức, xây dựng tường rào để bảo vệ cây mít này.
Ông Điểu G’Răm nói: “Ngày ấy, ai cũng tưởng cây mít không còn sống nữa. May mắn, từ gốc cây cũ, mọc lên 2 nhánh cây, đến nay đã phát triển tốt và tiếp tục cho trái. Dù những trái mít sau này không còn to lớn như xưa, cũng ít người lấy mít về ăn nhưng trong suy nghĩ của người dân chúng tôi, cây mít vẫn còn nguyên giá trị”.
Đối với Di tích Cây mít tổ, phương án khu vực bảo vệ có tổng diện tích khoảng 1.300 m2, bao gồm khu vực I và khu vực II.
Khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích, phải được bảo vệ nguyên hiện trạng về mặt bằng và không gian. Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực I; là khu vực phát huy giá trị di tích để xây dựng các công trình bãi để xe, hoa viên…