Trở về với nét đẹp truyền thống
Hôm rồi đi đám giỗ nhà hàng xóm, má mặc bộ áo bà ba phối quần đen lụa rồi hỏi cả nhà có đẹp không khiến ba và chị em chúng tôi ngẩn ra ngắm một hồi. Bộ trang phục đơn giản, vậy mà khi khoác lên mình người phụ nữ lại toát lên vẻ đằm thắm, dịu dàng.
Ảnh: Nguyễn Nam
Má tôi nói dạo gần đây, các bà, các chị, các cô trong xóm “khoái” trở về lối sống giản dị ngày cũ. Những chiếc áo bà ba đủ màu sắc mặc kèm quần đen ống rộng một thời tưởng chừng bị quên lãng thì hiện tại đã quay lại và được nhiều người lựa chọn. Thế là một người mặc đẹp, nhiều người mặc theo.
Dù không xuất hiện thường ngày nhưng chọn mặc áo bà ba vào những dịp đám tiệc quan trọng hoặc xuất hiện trước đám đông cho thấy sức sống bền bỉ của loại trang phục truyền thống, gắn bó với phụ nữ miệt sông nước Tây Nam Bộ.
Tôi vẫn nhớ thuở mình còn nhỏ, trang phục thường nhật của bà nội và má là những bộ bà ba quen thuộc. Má tôi kể hồi mới cưới, má được bà nội cho một áo bà ba đen may bằng vải so lông vịt và một quần Lãnh Mỹ A. Thời ấy, đó là bộ quần áo mơ ước của những người phụ nữ xứ Cửu Long quanh năm một nắng hai sương trên đồng ruộng.
Rồi thời thiếu thốn qua đi, người ta có nhiều sự lựa chọn hơn. Những chiếc áo bà ba bằng loại vải tốt hơn ra đời, giá cả vừa phải nên dễ mua, nhiều người đều có thể sắm cho mình đôi ba bộ. Những tiệm may khéo nhất làng xã trở nên hút khách. Bởi một chiếc áo ưng ý phải tôn lên vóc dáng nền nã của người con gái miền Tây, những chiếc nút bóp đơm thật đều tay, thẳng thớm và không làm hở phần ngực. Cái đẹp nhất của chiếc áo bà ba là dù xẻ tà nhưng vẫn kín đáo, nhã nhặn vô cùng.
Có lẽ thời gian là thước đo để mỗi người nhận ra trang phục truyền thống đặc trưng vùng, miền được tiền nhân sáng tạo là có tính vững bền. Đó là giá trị của sự đơn giản. Còn như má tôi bảo, quần áo tân thời nay mốt thì mai đã lỗi mốt, người ta chạy theo mãi đến bao giờ?.../.