Trợ lực nâng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động thì việc thúc đẩy liên kết và khai thác các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ là chìa khóa để các doanh nghiệp (DN) góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trợ lực để nâng cạnh tranh
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) nếu các DN xây dựng được tham gia sâu trong các dự án đầu tư công thì có nhiều cơ hội hơn. Như với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng mức đầu tư là hơn 67 tỷ USD, dự kiến cuối 2026 sẽ khởi công, với 1.541km đường sắt, 21 tỉnh thành có nhà ga, riêng phần xây dựng chiếm khoảng 40 tỷ USD.

Cần nhiều trợ lực chính sách để doanh nghiệp nâng sức cạnh tranh. Ảnh: Quang Vinh
"Với 1.541km đường sắt tốc độ cao có tổng mức đầu tư 67 tỷ USD, nếu chia ra khoảng 20 gói thầu thì mỗi gói thầu khoảng 2 tỷ USD, tương đương hơn 50.000 tỷ đồng. Đây là cơ hội lớn song cũng là thách thức không hề nhỏ" - ông Hiệp nhấn mạnh. Bởi theo vị này, để có thể nhận thầu, các DN phải đảm bảo yếu tố năng lực tài chính.
Ông Hiệp đề nghị Chính phủ có giải pháp phân chia các gói thầu để DN Việt có thể làm được. Bản thân các DN sẽ tổ chức cơ chế tổ hợp các nhà thầu tức 5,6 nhà thầu có một nhà thầu chủ trì, còn lại sẽ liên kết với nhau.
"Chúng tôi kiến nghị giao hết phần xây dựng cho các DN nội, thậm chí chỉ định thầu. Thay vì các DN nội làm nhà thầu phụ cho nước ngoài" – ông Hiệp kiến nghị.
Bên cạnh cơ chế, vị này cũng cho rằng cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Nhiều thủ tục hiện nay vẫn cần đến 5-6 con dấu khiến DN tốn kém thời gian, chi phí.
Ở góc nhìn quốc tế, ông Andrew Yeh – Giám đốc điều hành Slasify thông tin: Nhiều công ty Việt Nam, từ các startup công nghệ năng động đến những DN sản xuất và bán lẻ đang hướng tầm nhìn đến các thị trường quốc tế. Tuy nhiên, mở rộng toàn cầu mang đến những thách thức, đặc biệt trong việc quản trị nguồn nhân lực (HR) toàn cầu, bao gồm tuyển dụng nhân sự chất lượng cao, khác biệt văn hóa và yêu cầu tuân thủ, đồng thời phải kiểm soát chi phí và duy trì sự linh hoạt…
Ông Andrew Yeh đề xuất: DN Việt cần hiện đại hóa quản trị nhân sự bằng công nghệ, khi đó sẽ giúp mở rộng toàn cầu dễ dàng hơn, linh hoạt hơn, đặc biệt trong quản lý nguồn nhân lực xuyên biên giới.
Hội nhập có trách nhiệm và chủ động
Vấn đề lớn nhất là cộng đồng DN Việt Nam nói chung là cần tự nỗ lực, nâng cao năng lực, đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất, hướng tới quản trị tinh gọn... Song cũng rất cần sự trợ lực từ cơ chế, chính sách đồng hành để các DN có được môi trường kinh doanh thông thoáng. Có được những thông tin kịp thời, minh bạch để tận dụng với những cơ hội xuất khẩu và không bỏ qua được thị phần trong nước đầy tiềm năng.
Ông Trịnh Minh Anh – Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế nêu quan điểm: Các FTA đã giúp Việt Nam đứng trong top 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Tuy vậy, tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA mới đạt khoảng 37%, do thiếu thông tin, khó đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường, lao động.
Theo ông Trịnh Minh Anh, DN cần chủ động học tập, cập nhật, tận dụng tốt Cổng thông tin FTA của Bộ Công thương. Đồng thời, liên kết chuỗi cung ứng nội khối để tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm phụ thuộc và tăng khả năng thụ hưởng ưu đãi thuế.
“DN cần nghiên cứu kỹ các quy định về thuế quan, quy tắc xuất xứ (C/O), tiêu chuẩn kỹ thuật, và các cam kết phi thương mại (lao động, môi trường, phát triển bền vững) trong từng FTA (như CPTPP, EVFTA, UKVFTA); tham dự các hội thảo, khóa học do Bộ Công thương, VCCI hoặc hiệp hội ngành hàng tổ chức để nắm bắt thông tin và cách thức tận dụng ưu đãi; cập nhật thông tin cảnh báo sớm về các vụ việc phòng vệ thương mại từ Bộ Công thương…” - vị chuyên gia khuyến cáo, đồng thời cho rằng, cần tối ưu hóa quy tắc xuất xứ (C/O), đảm bảo sản phẩm đáp ứng quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan như: tỷ lệ nội địa hóa hoặc xuất xứ thuần túy theo quy định của từng FTA; liên kết với nhà cung cấp trong nước hoặc khu vực FTA để tăng tỷ lệ nguyên liệu nội khối, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu ngoài khu vực.
Cùng với đó, nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua cải thiện chất lượng sản phẩm: Đầu tư vào công nghệ, đổi mới mẫu mã và đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường FTA (như tiêu chuẩn xanh của thị trường EU)…
Trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, bà Trương Thị Chí Bình – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết: Ngành này ít chịu ảnh hưởng từ thuế đối ứng của Hoa Kỳ, nhưng cần Chính phủ hỗ trợ tạo thị trường cho DN đầu chuỗi Việt. Đồng thời, bà Bình cũng khuyến khích các startup tập trung vào kỹ sư lành nghề để nâng số lượng và năng lực DN ngành công nghiệp hỗ trợ.