Trợ giúp pháp lý: 'Điểm tựa' cho người khuyết tật
Là một nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, người khuyết tật thường gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Việc tiếp cận các dịch vụ pháp lý cũng hạn chế. Thấu hiểu được điều này, thời gian qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) thường phối hợp tổ chức các buổi tư vấn pháp luật và truyền thông về trợ giúp pháp lý miễn phí, đưa pháp luật và dịch vụ pháp lý đến gần hơn với người khuyết tật.

Cán bộ Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ người khiếm thị thực hiện yêu cầu tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý.
Một ngày cuối tháng 3 vừa qua, tại trụ sở Ủy ban MTTQ tỉnh, buổi tư vấn pháp luật và truyền thông về trợ giúp pháp lý (TGPL) đã mang đến những tia hy vọng và sự hỗ trợ thiết thực cho cộng đồng người khiếm thị.
Hoạt động này là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm TGPL và Hội Người mù tỉnh, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đến quyền lợi của những người yếu thế trong xã hội.
Không khí của buổi tư vấn cởi mở, thân thiện nhưng nghiêm túc với sự tập trung cao độ của các thành viên có mặt. Hầu hết những người đến tham dự đều bị khiếm thị hoặc hạn chế nhìn thấy ánh sáng nhưng rất chăm chú lắng nghe trợ giúp viên tư vấn pháp luật, cung cấp thông tin về chính sách TGPL của Nhà nước.
Nội dung do cán bộ Trung tâm TGPL phổ biến, giới thiệu là những quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đất đai, thừa kế tài sản, đối tượng được TGPL miễn phí… đều là những thông tin hữu ích và sát với cuộc sống cũng như quyền và lợi ích của mỗi người.
Sau phần phổ biến thông tin chung, nhiều người đã mạnh dạn đặt ra những câu hỏi, thắc mắc về quyền và lợi ích hợp pháp của mình, về những khó khăn mà họ đang phải đối mặt trong cuộc sống. Một số người còn nhờ trợ giúp viên, luật sư tư vấn pháp luật, hướng dẫn thực hiện các bước để giúp họ đòi hỏi quyền lợi chính đáng.
Mỗi câu hỏi, vấn đề đặt ra được các chuyên gia pháp lý của Trung tâm TGPL và luật sư tận tình giải đáp, hướng dẫn, giúp họ hiểu rõ hơn về các thủ tục pháp lý, về quyền mà họ được hưởng.
Những lời tư vấn không chỉ mang tính chuyên môn, mà còn chứa đựng sự cảm thông và chia sẻ, giúp những người khiếm thị cảm thấy được quan tâm, hỗ trợ và tự tin hơn. Không những vậy, để hiểu rõ hơn vấn đề cũng như giúp người khuyết tật trình bày cụ thể thắc mắc, các cán bộ của Trung tâm đã viết lại câu hỏi, thắc mắc theo lời nói của họ.
Trong một buổi sáng, có nhiều trường hợp được tư vấn, giúp đỡ theo cách trực quan, dễ hiểu, đáp ứng đúng nguyện vọng cũng như giải đáp được thắc mắc họ mang trong lòng bấy lâu.

Luật sư phân tích, giải đáp những thắc mắc và tư vấn pháp luật cho người khiếm thị tại buổi tư vấn pháp luật, truyền thông trợ giúp pháp lý.
Trường hợp của ông Đ.B.K ở xã Văn Hán (Đồng Hỷ) muốn được tư vấn, trợ giúp pháp lý để đòi quyền lợi cho con, cháu sau vụ tai nạn giao thông là một ví dụ. Vụ việc của con, cháu ông diễn ra đã lâu, đã được tòa án đưa ra xét xử và phán quyết người gây tai nạn phải bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, người gây tai nạn chỉ thực hiện bồi thường được một phần, số tiền còn lại đến nay chưa chi trả. Vấn đề của ông K. đã được luật sư có mặt tại buổi tư vấn phân tích, tư vấn và hướng dẫn làm các thủ tục, hồ sơ yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự vào cuộc thực thi phán quyết của tòa án theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, luật sư còn chỉ dẫn nơi ông cần đến nộp đơn, thời gian tiếp nhận và giải quyết của các cơ quan và những vấn đề liên quan khác.
Tương tự, một số vụ việc nảy sinh trong cuộc sống hằng này cũng như những băn khoăn, thắc mắc khác về chế độ chính sách, quyền lợi của người khuyết tật (NKT) đều được trợ giúp viên, luật sư có mặt tại hội nghị tư vấn và hướng dẫn đầy đủ các thủ tục cần thiết, giúp họ được bảo vệ tốt hơn, vững tin hơn trong cuộc sống.
Buổi tư vấn pháp luật, truyền thông về TGPL không chỉ cung cấp thông tin pháp luật, mà còn là nơi lan tỏa những thông điệp về sự bình đẳng và công bằng.
Những người khiếm thị đã cảm nhận được sự ấm áp của tình người, sự quan tâm của xã hội. Họ ra về với niềm tin và hy vọng, với hành trang kiến thức pháp luật để bảo vệ quyền lợi của bản thân, gia đình.
Có thể khẳng định, TGPL là một trong những công cụ quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NKT, nhóm đối tượng yếu thế. Với sự nỗ lực của Trung tâm TGPL, các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội và sự chung tay của cộng đồng, NKT sẽ có thêm "điểm tựa" vững chắc để hòa nhập và phát triển cùng xã hội.