Triều Tiên đang làm nhà cung cấp cho Nga từ đạn dược đến tên lửa

Sự can dự của Triều Tiên trong cuộc xung đột Nga-Ukraine một lần nữa thu hút sự chú ý sau khi Tổng thống Ukraine Zelensky cho rằng Moscow đã sử dụng tên lửa Triều Tiên để tiến hành cuộc tấn công lớn vào thủ đô Kiev.

Tiết lộ sốc về tên lửa Nga sử dụng để tấn công Kiev

Trước đó hôm 24/4/2025, Ukraine cáo buộc Nga ồ ạt tập kích tên lửa vào một khu dân cư ở quận Sviatoshynskyi của Kiev, khiến 12 thường dân thiệt mạng và hơn 90 người khác bị thương. Cuộc tấn công này đã làm lộ lỗ hỏng phòng không của Ukraine.

Hiện trường vụ tấn công tên lửa vào Kiev. Ảnh: Bloomberg

Hiện trường vụ tấn công tên lửa vào Kiev. Ảnh: Bloomberg

Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, những tên lửa đạn đạo mà Nga sử dụng trong vụ tấn công được sản xuất tại Triều Tiên và hầu hết các bộ phận của nó đều có nguồn gốc từ Mỹ. Ông nhấn mạnh, ít nhất 116 linh kiện của tên lửa được thu thập từ nhiều quốc gia và phần lớn do các công ty Mỹ sản xuất. Phía Ukraine cũng cho rằng loại tên lửa mà Moscow sử dụng trong cuộc tấn công này là KN-23.

“Theo thông tin sơ bộ, người Nga đã sử dụng một tên lửa đạn đạo được sản xuất tại Bắc Triều Tiên,” Zelensky cho biết. "Các cơ quan đặc biệt của chúng tôi đang xác minh mọi thông tin chi tiết. Nếu thông tin được chứng thực, thì đây sẽ là bằng chứng cho thấy sự nguy hiểm trong mối liên kết giữa Nga và Bình Nhưỡng".

Trong thông báo trên Telegram, ông Zelensky nhấn mạnh, cả Nga và Triều Tiên đều phải có trách nhiệm giải trình trước cộng đồng quốc tế.

"Việc không gây đủ áp lực cho Nga đã giúp họ có cơ hội nhập khẩu tên lửa và các loại vũ khí khác, để sử dụng tại châu Âu. Việc không gây đủ áp lực lên Triều Tiên, cho phép họ sản xuất những tên lửa đạn đạo như vậy", ông nói.

Tổng thống Zelensky cũng cảnh báo xung đột hiện đại nhanh chóng ảnh hưởng đến các mạng lưới quốc tế rộng lớn hơn.

"Bất kỳ cuộc chiến nào cũng có thể nhanh chóng liên quan đến nhiều bên khác nhau. Đó là lý do tại sao việc đảm bảo an ninh, quốc phòng cũng cần phải dựa trên những nỗ lực tập thể", ông Zelensky nói.

Hiện, Ukraine đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường lệnh trừng phạt đối với Nga và các đối tác của nước này đồng thời đẩy nhanh việc cung cấp cho Kiev các hệ thống phòng không của phương Tây.

Cách Triều Tiên trang bị cho Nga từ đạn dược đến tên lửa

Theo giới phân tích, tuyên bố của Tổng thống Zelensky đã cho thấy sự phụ thuộc ngày càng gia tăng của Nga vào binh sỹ và đạn dược của Triều Tiên, quan trọng hơn là tên lửa do Bình Nhưỡng chế tạo. Ngoài số lượng lớn đạn pháo, Triều Tiên còn cung cấp cho Nga các hệ thống tên lửa phóng loạt và pháo tầm xa.

Theo các báo cáo của cơ quan tình báo quân sự Ukraine, tính đến đầu năm nay, Triều Tiên đã cung cấp cho Nga 148 tên lửa đạn đạo KN-23 và KN-24.

Khi Nga lần đầu tiên phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên vào một mục tiêu ở Ukraine ngày 29/12/2023, tên lửa có độ chính xác thấp, với biên độ sai số từ 500 đến 1.500 mét. Kể từ thời điểm đó, các kỹ sư Nga đã cố gắng sửa đổi và hiện đại hóa tên lửa KN-23 và KN-24, khiến nó trở thành loại vũ khí gây ra mối đe dọa lớn hơn nhiều. Tình báo Ukraine cho rằng, các tên lửa đã được kỹ sư Nga tinh chỉnh để có thể tấn công chính xác vào mục tiêu với biên độ sai số chỉ còn vài chục mét, trái ngược với giai đoạn đầu.

KN-23 được phát triển dựa trên tên lửa Iskander-M của Nga - loại vũ khí có tầm bắn khoảng 500 km và đầu đạn khoảng 700 kg. Tuy nhiên, phiên bản của Triều Tiên được trang bị đầu đạn mạnh hơn - lên đến một tấn, theo cơ quan tình báo Ukraine. Mặc dù loại tên lửa này tạo ra sức tàn phá lớn, nhưng quân đội Ukraine có thể tiến hành các cuộc đánh chặn bằng cách sử dụng hệ thống Patriot do Mỹ cung cấp để bảo vệ thủ đô.

Một cuộc điều tra chung của Reuters và Trung tâm nguồn mở - tổ chức nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Anh cũng cho biết, hàng triệu quả đạn pháo của Triều Tiên đã được đưa ra tiền tuyến bằng đường biển và bằng tàu hỏa.

Cuộc điều tra đã theo dõi 64 chuyến hàng của đội tàu chở hàng đặc biệt của Nga trong hơn 20 tháng qua. Ước tính, đội tàu này đã vận chuyển gần 16.000 container và hàng triệu viên đạn pháo để Nga sử dụng chống lại Ukraine. Hoạt động chở hàng gần đây nhất được ghi nhận là vào ngày 17/3, báo cáo cho biết.

Nhiều nhà quan sát phương Tây lưu ý, họ có thể hình dung một bức tranh rõ ràng hơn về vai trò của Triều Tiên trong cuộc xung đột dựa trên hình ảnh vệ tinh, video trên mạng xã hội, các báo cáo quân sự và thông tin do các cơ quan tình báo ở Ukraine và Hàn Quốc công bố.

Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, cả Nga và Triều Tiên đều khẳng định hai bên không tiến hành bất kỳ hoạt động chuyển giao vũ khí nào vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Tác động đáng kể đến chiến trường

Theo giới phân tích, vũ khí và đạn dược của Triều Tiên đã có tác động đáng kể đến khả năng tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt của Điện Kremlin, bắt đầu vào tháng 2/2022. Một chuyên gia trong quân đội Ukraine cho rằng Bình Nhưỡng cung cấp tới 70% số lượng đạn dược mà các đơn vị pháo binh Nga sử dụng. Nhiều chuyên gia cho rằng, Triều Tiên đã cung cấp cho Nga các loại đạn dược cũ hoặc dư thừa, và cả những loại vũ khí mới.

Tianran Xu - chuyên gia về công nghệ quân sự tại Mạng lưới hạt nhân mở đánh giá: “Những vũ khí mới do Triều Tiên chuyển giao giúp tăng cường khả năng tấn công của Nga và giúp Bình Nhưỡng có thể đánh giá hiệu suất của chúng trên chiến trường”.

Trang mạng 38 độ Bắc của Mỹ chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên suy đoán xung đột Nga-Ukraine càng kéo dài thì khả năng Triều Tiên sẽ đưa nhiều vũ khí tinh vi hơn ra chiến trường càng cao, trong đó có tên lửa chống tăng có điều khiển, tên lửa đất đối không, tên lửa đạn đạo tầm trung và máy bay không người lái.

"Nếu xung đột kéo dài, nhiều khả năng Triều Tiên sẽ tăng cường cung cấp vũ khí cho Nga. Hiệu suất chiến đấu của chúng sẽ mang đến cho Bình Nhưỡng cơ hội quý giá để đánh giá và cải tiến các hệ thống vũ khí trong nước” ông Tianran Xu lưu ý.

“Để đổi lại viện trợ vũ khí sát thương của Bình Nhưỡng, Nga có thể đáp lại bằng cách cung cấp công nghệ quân sự quan trọng – giúp tăng cường hơn nữa khả năng tấn công và phòng thủ của Triều Tiên”

Ông Hugh Griffiths – cựu điều phối viên của nhóm chuyên gia Liên Hợp Quốc giám sát các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên cho rằng: “Sự đóng góp của Triều Tiên có ý nghĩa chiến lược quan trọng với Nga. Nếu không có sự ủng hộ từ Bình Nhưỡng, Moscow sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ chiến dịch quân sự”.

Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp) Theo The Guardian, Kiev Independent

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/trieu-tien-dang-lam-nha-cung-cap-cho-nga-tu-dan-duoc-den-ten-lua-post1195036.vov
Zalo