Thế giới vĩnh biệt Giáo hoàng Francis

Hàng trăm nghìn người đã tiễn đưa Giáo hoàng Francis.

Ngày 26-4, hàng ngàn tín hữu cùng các nguyên thủ quốc gia đã tề tựu tại Quảng trường Thánh Peter, Vatican, để tiễn biệt Giáo hoàng Francis – người vừa từ trần hôm 21-4, hưởng thọ 88 tuổi.

Theo hãng tin AP, buổi lễ quy tụ nhiều lãnh đạo và cựu lãnh đạo thế giới: Tổng thống Mỹ Donald Trump, cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Keir Starmer, Tổng thống Argentina Javier Milei cùng với nhiều thành viên hoàng gia và các nhân vật quốc tế cấp cao như Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres.

Thánh lễ an táng diễn ra với hình thức giản dị, đúng theo mong muốn mà Giáo hoàng Francis từng bày tỏ từ trước. Ông mong muốn giảm thiểu các nghi lễ long trọng truyền thống tại Vatican, nhấn mạnh rằng vai trò của giáo hoàng nên được nhìn nhận như một linh mục đơn sơ phục vụ cộng đồng, thay vì như một vị quyền lực thế tục. Chủ sự thánh lễ là Hồng y Giovanni Battista Re, niên trưởng Hồng y đoàn, năm nay đã 91 tuổi.

Tang lễ của Giáo hoàng Francis không chỉ là lời tiễn biệt một con người, mà còn là dấu ấn đậm nét cho hành trình cải cách kéo dài 12 năm của ông. Ngay từ những ngày đầu sau khi được bầu làm giáo hoàng năm 2013, Francis đã chọn cho mình cái tên gắn liền với Thánh Francis thành Assisi – vị thánh của người nghèo. Ông khẳng định sứ mạng xây dựng "một Giáo hội nghèo cho người nghèo", nỗ lực đưa Giáo hội Công giáo trở nên gần gũi hơn với những số phận yếu thế trong xã hội.

Tất cả những thông điệp này được cô đọng lại trong sắc lệnh chính thức về cuộc đời ông – một văn bản đã được đặt trong chiếc quan tài gỗ mộc mạc của Giáo hoàng, và niêm phong vào tối ngày 25-4, trước khi tiến hành thánh lễ an táng.

Sau thánh lễ tại Vatican, linh cữu của Giáo hoàng Francis sẽ tiếp tục hành trình cuối cùng về thành phố Rome. Tại đây, những người nghèo, người di cư và tù nhân – những người mà ông luôn dành trọn trái tim yêu thương – sẽ đón chào ông lần cuối. Theo kế hoạch, cố Giáo hoàng sẽ được an táng tại Vương cung Thánh đường Santa Maria Maggiore (Đức Bà Cả) – nơi ông thường lui tới cầu nguyện trong suốt cuộc đời mình.

Giáo hoàng Francis là một nhân vật đặc biệt trong lịch sử Giáo hội Công giáo. Ông không chỉ là vị giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ Latin, mà còn là giáo hoàng đầu tiên thuộc Dòng Tên – một dòng tu nổi tiếng với tinh thần phục vụ, khiêm nhường và đề cao giáo dục. Sự ra đi của ông đánh dấu một thời kỳ quan trọng khép lại, đồng thời mở ra một chương mới cho Giáo hội.

Ngay sau tang lễ, công tác chuẩn bị cho Mật nghị Hồng y – sự kiện quan trọng để bầu chọn giáo hoàng kế nhiệm – cũng sẽ được tiến hành. Dự kiến, Mật nghị sẽ chính thức bắt đầu vào tuần đầu tiên của tháng 5.

Trước quy mô và tầm vóc của buổi lễ, chính quyền Ý đã triển khai lực lượng an ninh hùng hậu, với hơn 2.500 cảnh sát và 1.500 binh lính túc trực, đảm bảo an ninh nghiêm ngặt quanh khu vực Vatican. Truyền thông Ý còn cho biết, một tàu phóng ngư lôi đã được điều động hoạt động ngoài khơi nhằm phòng ngừa các tình huống bất ngờ.

Giữa lòng Quảng trường Thánh Peter ngập tràn ánh nắng, hình ảnh linh cữu mộc mạc của Giáo hoàng Francis, cùng những lời cầu nguyện sâu lắng vang lên từ hàng ngàn con tim, đã khắc ghi một dấu ấn cuối cùng về một vị giáo hoàng của lòng nhân ái và sự khiêm nhường.

Minh Quân

Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/vong-quanh-the-gioi/the-gioi-vinh-biet-giao-hoang-francis-202504271049237142.html
Zalo