Triển vọng từ nuôi gà Ai Cập

Gà siêu trứng lông trắng là giống gà có nguồn gốc từ Ai Cập được đưa về Việt Nam nhân giống từ lâu. Đây là giống gà cao sản cho trứng nhiều, kháng bệnh tốt, giúp thu hồi vốn nhanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.

Nuôi bán công nghiệp

Gần 1 năm trước, gia đình ông Lê Văn Thảo ở khu phố 3, phường Minh Thành, thị xã Chơn Thành chuyển đổi mô hình nuôi heo sang nuôi gà. Ngoài giống gà thịt thương phẩm Bình Định, ông Thảo đầu tư nuôi thí điểm 400 con gà Ai Cập lông trắng đẻ trứng. Chỉ sau gần 4 tháng nuôi, gà Ai Cập bắt đầu cho trứng. Trung bình mỗi ngày trang trại gà của ông xuất bán ra thị trường khoảng 200 quả trứng, với giá 2.500-2.800 đồng/quả. Thấy hiệu quả kinh tế, thu nhập cao hơn nhiều so với nuôi gà thịt, ông mở rộng lên 2.400 con.

Chuồng gà Ai Cập nhà bà Trà nuôi theo kiểu bán công nghiệp

Chuồng gà Ai Cập nhà bà Trà nuôi theo kiểu bán công nghiệp

Để đàn gà phát triển ổn định, ông Thảo còn tự trang bị thêm kiến thức, kỹ năng chăn nuôi giống gà này. Theo ông Thảo, để lứa gà mới thả nuôi đạt tỷ lệ sống cao, thể trạng tốt, cho sinh sản nhiều thì khâu chọn giống là quan trọng nhất, cần nhập giống ở nơi có uy tín, đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn, nước uống phải đảm bảo sạch sẽ, đủ dinh dưỡng. Đặc biệt, trong quá trình nuôi cần tiêm đầy đủ vắc xin phòng ngừa các bệnh, như: dịch tả, cầu trùng, cúm... Ngoài ra, công tác vệ sinh chuồng trại cũng được ông thực hiện thường xuyên. Nhờ vậy, đàn gà của gia đình phát triển tốt, không nhiễm bệnh.

Ông Lê Văn Thảo, bà Nguyễn Thị Trà, khu phố 3, phường Minh Thành thu nhặt trứng mỗi ngày

Ông Lê Văn Thảo, bà Nguyễn Thị Trà, khu phố 3, phường Minh Thành thu nhặt trứng mỗi ngày

Giống gà Ai Cập có nhiều ưu điểm như năng suất trứng cao, trung bình 1 con cho từ 200-220 quả trứng/năm, nhiều gấp đôi so với gà ta; ngoài ra, thịt dai, thơm ngon như gà ta, hàm lượng dinh dưỡng cao… Giống gà này có thể nuôi thả vườn, nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, chịu được kham khổ, phù hợp với điều kiện, tập quán chăn nuôi ở Bình Phước.

Trang trại gà của gia đình ông Thảo đã trở thành địa chỉ cung cấp trứng tin cậy cho tiểu thương và người dân trên địa bàn phường. Mô hình quy mô không lớn nhưng đã mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người chăn nuôi có thu nhập, thu hồi vốn nhanh. Tuy nhiên để mở rộng thì vẫn cần ổn định đầu ra.

Nuôi trong chuồng lạnh

Gia đình ông Lê Duy Thanh ở thôn 7, xã Long Hưng, huyện Phú Riềng có 10 ha đất trồng điều và cao su. Mấy năm giá điều và cao su xuống thấp, ông trăn trở tìm hướng phát triển mới. Nhận thấy nuôi gà Ai Cập lông trắng siêu trứng rất có tiềm năng trong khi gia đình đang có diện tích đất chưa được khai thác hiệu quả, năm 2023, ông Thanh đầu tư 700 triệu đồng cải tạo đất, xây dựng trại lạnh theo chuỗi khép kín để nuôi 3.200 con gà siêu trứng Ai Cập.

Ông Lê Duy Thanh (người đầu tiên) giới thiệu với khách tham quan trại gà lạnh của gia đình

Ông Lê Duy Thanh (người đầu tiên) giới thiệu với khách tham quan trại gà lạnh của gia đình

Theo đó, ông Thanh đầu tư xây dựng khu vực chăn nuôi rộng 300m2, ngay từ cửa ra, vào trại đều có hệ thống tiêu độc, khử trùng. Không gian chuồng nuôi thoáng mát, rộng rãi, lắp đặt hệ thống nước uống tự động, khu chuồng nuôi có gắn máy làm mát. Cùng với đó, ông mua than sinh học, bố trí đệm lót ở nền chuồng để xử lý chất thải chăn nuôi. Ông Thanh cho biết, việc sử dụng đệm lót sinh học giúp giảm hơn 70% công lao động, chi phí rửa chuồng trại. Bên cạnh đó, còn góp phần giảm triệt để mùi hôi từ phân gà, giảm tối đa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Mô hình chăn nuôi gà của gia đình ông Thanh được đầu tư kỹ lưỡng, tiêm phòng định kỳ

Mô hình chăn nuôi gà của gia đình ông Thanh được đầu tư kỹ lưỡng, tiêm phòng định kỳ

Sau hơn 4 tháng nuôi gà bắt đầu cho trứng, mỗi ngày gia đình ông Thanh thu 3.000 quả trứng, trừ chi phí thu về hơn 2 triệu đồng/ngày. Ngoài ra, ông còn thu hơn 6 triệu đồng/tháng từ tiền bán phân gà. Như vậy chưa đầy 1 năm ông đã thu hồi vốn đầu tư.

Trại gà lạnh nhà ông Thanh cho rất nhiều trứng

Trại gà lạnh nhà ông Thanh cho rất nhiều trứng

Nuôi gà trong chuồng lạnh cần đảm bảo nhiệt độ từ 24-30OC, phải bổ sung men tiêu hóa, vắc xin phòng bệnh trong suốt quá trình chăn nuôi. Khi nuôi trong chuồng lạnh, tỷ lệ gà đẻ trứng đạt 95%, sau 15 tháng thay đàn mới thì bán gà thịt. “Nuôi gà trong chuồng lạnh cần vốn đầu tư ban đầu lớn. Tuy nhiên, nếu tính toán chi tiết và có kế hoạch dài hạn, chi phí nuôi thấp hơn nhiều so với mô hình nuôi chuồng hở” - ông Thanh cho hay.

Hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi gà Ai Cập đẻ trứng trong chuồng lạnh đã được khẳng định, vướng mắc lớn nhất chính là cần nhiều vốn đầu tư. Nhưng xét về lâu dài thì đây là hướng đầu tư đảm bảo lợi nhuận tốt. Hơn nữa, hoạt động chăn nuôi ngày càng bài bản, các yêu cầu về kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường ngày càng khắt khe hơn nên hướng đi này rất đáng động viên, khuyến khích.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Hưng, huyện Phú Riềng PHẠM VĂN CỘNG

Nuôi gà trong chuồng lạnh của hộ ông Thanh là mô hình có kỹ thuật tiên tiến, hiệu quả cao, được thực hiện đầu tiên trên địa bàn xã Long Hưng. Trang trại gà của gia đình ông đã trở thành địa chỉ cung cấp trứng tin cậy cho tiểu thương và người dân trên địa bàn.

Thành công từ mô hình nuôi gà Ai Cập đẻ trứng đang mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp địa phương. Qua đó, góp phần hình thành nền nông nghiệp Bình Phước có giá trị cao, phát triển bền vững.

Hiền Lương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/166115/trien-vong-tu-nuoi-ga-ai-cap
Zalo