Triển vọng từ cuộc hòa đàm Nga – Ukraine
Tối 16-5, Moscow và Kiev đã kết thúc cuộc đàm phán tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Phái đoàn Nga - Ukraine tại cuộc hòa đàm ở Istanbul ngày 16-5. Ảnh: AP
Người đứng đầu phái đoàn Nga, trợ lý Tổng thống Vladimir Putin, ông Vladimir Medinsky, cho biết ông hài lòng với kết quả của cuộc đàm phán và Moscow sẵn sàng tiếp tục trao đổi với phía Ukraine. Hai bên đã thống nhất trao đổi 1.000 tù binh chiến tranh mỗi bên. Theo ông Medinsky, Ukraine đã đề xuất tổ chức cuộc gặp trực tiếp giữa nguyên thủ hai nước, và Liên bang Nga đã tiếp nhận đề xuất này để xem xét. Nga và Ukraine sẽ trình bày quan điểm riêng về một thỏa thuận ngừng bắn khả thi, trong đó mỗi bên sẽ nêu rõ các điều kiện chi tiết. Người đứng đầu phái đoàn Nga xác nhận hai bên có kế hoạch tiếp tục đàm phán.
Về phía Ukraine, người đứng đầu phái đoàn, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov, cho biết Kiev chủ yếu thảo luận về việc ngừng bắn. Ông Umerov cũng công bố thỏa thuận trao đổi 1.000 tù binh chiến tranh mỗi bên. Ông Umerov không tiết lộ thêm về kế hoạch tiếp theo của các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, theo tiết lộ của một quan chức cấp cao Ukraine với AFP, có thể sẽ có một vòng đàm phán khác giữa các phái đoàn Nga-Ukraine tại Istanbul, song hiện chưa có kế hoạch nào được đặt ra.
Về cuộc gặp trực tiếp Putin - Zelensky
Theo phát biểu mới nhất của người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thì cuộc đối thoại trực tiếp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky có thể diễn ra, nhưng chỉ khi tiến trình hòa đàm giữa hai phái đoàn đạt được tiến triển thực chất. Ông Peskov nhấn mạnh rằng một vấn đề then chốt với Moscow hiện nay là câu hỏi: ai sẽ được Ukraine ủy quyền để ký các thỏa thuận có thể đạt được trong quá trình đàm phán. Người phát ngôn Điện Kremlin ám chỉ đến thực tế rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông Zelensky đã kết thúc từ năm ngoái. Lãnh đạo Ukraine đã từ chối tổ chức bầu cử mới với lý do đang trong tình trạng thiết quân luật. Nga coi vai trò tổng thống của ông Zelensky là "bất hợp pháp", và nhấn mạnh rằng quyền lực hợp pháp ở Ukraine hiện nay thuộc về Quốc hội. Tuy nhiên, quan điểm này đã bị Kiev bác bỏ. Ông Peskov cũng từ chối bình luận về các thông tin rò rỉ liên quan đến những điều kiện mà Nga được cho là đã đưa ra trong cuộc đàm phán. "Các cuộc thương lượng… phải được tiến hành hoàn toàn kín đáo. Điều này là cần thiết để đảm bảo hiệu quả của quá trình đàm phán", ông nói.
Trước đó, Reuters dẫn nguồn từ quan chức cấp cao Ukraine cho biết tại cuộc đàm phán hòa bình ở Istanbul ngày 16-5, phía Nga đã đặt điều kiện để tiến hành việc ngừng bắn với Kiev. Theo đó, phái đoàn Nga đã yêu cầu Ukraine rút quân khỏi tất cả các khu vực mà Moscow đã tuyên bố chủ quyền. Nguồn tin từ Ukraine của Reuters nói rõ, các nhà đàm phán của Moscow đã yêu cầu quân đội Ukraine rút khỏi các vùng Donetsk, Zaporizhzhia, Kherson, Luhansk ở phía Đông Ukraine và với lệnh ngừng bắn chỉ có hiệu lực sau đó. Hãng Bloomberg cũng đưa tin rằng Nga đã đề xuất một loạt điều kiện, bao gồm việc Ukraine chấp nhận vị thế trung lập, cấm quân đội nước ngoài và vũ khí hạt nhân hiện diện trên lãnh thổ Ukraine, từ bỏ các yêu sách bồi thường chiến tranh, và trên thực tế phải công nhận việc mất các vùng lãnh thổ từng thuộc Ukraine. Theo hãng tin này, Moscow cũng yêu cầu Kiev rút quân khỏi những khu vực đó trước khi có lệnh ngừng bắn, đồng thời mong muốn cộng đồng quốc tế công nhận các khu vực này là lãnh thổ Nga.
Dư luận và phản ứng
Theo Reuters, lãnh đạo các nước đồng minh với Ukraine gồm: Anh, Pháp, Đức và Ba Lan đã nhất trí với Tổng thống Zelensky rằng lập trường của Nga trong các cuộc đàm phán hòa bình là "không thể chấp nhận được" và đã cùng tham vấn với Tổng thống Mỹ Donald Trump. "Rõ ràng là lập trường của Nga không thể chấp nhận được và đây không phải là lần đầu tiên", ông Starmer nhấn mạnh. "Và do đó, sau cuộc gặp với Tổng thống Zelensky và cuộc thảo luận với Tổng thống Trump, hiện chúng tôi đang liên kết chặt chẽ và phối hợp trong các phản ứng của mình và sẽ tiếp tục làm như vậy", Thủ tướng Anh cho biết. Quan điểm của Thủ tướng Anh cũng gần như tương đồng với những phát biểu liên quan của Tổng thống Pháp Macron, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, nhất là việc gây sức ép với Nga.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỹ Hakan Fidan cho biết rằng các quan chức Ukraine và Nga đã có cuộc đàm phán trực tiếp mới nhất tại Istanbul và đã nhất trí về nguyên tắc sẽ gặp lại nhau để đàm phán nhằm đạt được lệnh ngừng bắn. Ông cho biết hai bên sẽ chia sẻ các nội dung bằng văn bản về các điều kiện của mình về quan điểm cho một lệnh ngừng bắn.
Theo tờ Politico ngày 16-5, Hồng y Pietro Parolin - Quốc vụ khanh Tòa thánh và là nhà ngoại giao cao cấp của Vatican - cho biết Giáo hoàng Leo XIV bày tỏ mong muốn Vatican trở thành địa điểm tổ chức cuộc gặp trực tiếp giữa đại diện hai bên trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết Washington sẽ xem xét lộ trình ngừng bắn được Moscow và Kiev trình bày, đồng thời kỳ vọng đạt được các kết quả cụ thể. Mỹ không muốn các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine kéo dài vô thời hạn, "Chúng tôi không muốn tham gia vào một quá trình chỉ toàn những cuộc đàm phán bất tận. Phải có tiến triển, phải có bước đi cụ thể", Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.
Ông Rubio cho biết Mỹ sẽ xem xét các đề xuất ngừng bắn từ cả Nga và Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ cũng xác nhận rằng Washington sẵn sàng áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga nếu không đạt được thỏa thuận. Theo Nhà Trắng, ông Rubio đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 17-5, nhắc lại lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Donald Trump về một lệnh ngừng bắn ngay lập tức. Moscow đã bác bỏ yêu cầu về một lệnh ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày, khẳng định rằng các cuộc đàm phán phải giải quyết những "nguyên nhân gốc rễ" của cuộc xung đột, bao gồm cả mong muốn gia nhập NATO của Ukraine - một động thái mà Nga coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của mình.
Tổng thống Nga Putin đã khẳng định rằng một thỏa thuận đình chiến lâu dài sẽ đòi hỏi Ukraine ngừng huy động quân sự, chấm dứt tiếp nhận vũ khí từ nước ngoài và rút quân khỏi lãnh thổ Nga. Ông Putin cũng cảnh báo rằng Kiev có thể sẽ lợi dụng một lệnh ngừng bắn tạm thời để tái trang bị và tái tổ chức lực lượng.