Triển vọng thương mại toàn cầu – Bài 1: Vai trò của nước Mỹ
Bài bình luận trên tờ Financial Times nhận định Mỹ không còn giữ vai trò chi phối trong thương mại toàn cầu như trước đây.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Ảnh: THX/TTXVN
Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Scott Bessent đang nỗ lực bảo vệ chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump, đồng thời thúc đẩy các thỏa thuận thương mại trên toàn cầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường tài chính biến động, việc thuyết phục các đối tác về tính khả thi của các thỏa thuận này gặp nhiều thách thức. Mục tiêu của chính sách thuế quan vẫn chưa rõ ràng, và các nhà phân tích cho rằng chiến lược này khó đạt được kết quả như kỳ vọng.
Trong nhiều thập kỷ, Mỹ dựa vào dòng vốn, công nghệ tiên tiến và thị trường tiêu dùng rộng lớn để định hình hệ thống thương mại toàn cầu. Cựu Tổng thống Barack Obama từng gọi Mỹ là “quốc gia không thể thiếu”. Nhưng trong lĩnh vực thương mại và công nghệ, vai trò này đang suy giảm.
Sau Thế chiến thứ hai, Kế hoạch Marshall đã giúp Mỹ xây dựng một nền kinh tế chính trị Đại Tây Dương ở Tây Âu, cung cấp viện trợ tài chính, công nghệ và quyền tiếp cận thị trường tiêu dùng đang phát triển. Hiện nay, những lợi thế này không còn. Ngân sách viện trợ của Mỹ giảm mạnh so với Trung Quốc và cái gọi là Bộ Hiệu quả Chính phủ đã đóng lại những dấu tích viện trợ cuối cùng của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ.
Việc không theo kịp đầu tư trong công nghệ xanh, như năng lượng Mặt trời và xe điện, đã khiến Mỹ tụt hậu. Theo tập đoàn Rhodium, thị phần xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc về pin và module năng lượng Mặt trời đạt 53,5% năm 2023, tăng từ 35,5% của một thập kỷ trước, vượt xa Mỹ trong lĩnh vực pin lithium và xe điện.
Liệu thị trường nội địa Mỹ có đủ sức làm đòn bẩy? Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), năm 2019, thị phần nhập khẩu hàng hóa toàn cầu của Mỹ là 15,4%, với nhu cầu cuối đạt 17,5%, cao hơn 9,7% của Trung Quốc và 11,3% của Liên minh châu Âu (EU). Mặc dù vậy, sức hấp dẫn của thị trường Mỹ đã giảm.
Mỹ từng sử dụng quyền tiếp cận thị trường để đàm phán các hiệp định như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) năm 2016. Nhưng Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ đầu đã rút Mỹ khỏi TPP và các nước còn lại hình thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà không có Mỹ, loại bỏ các điều khoản sở hữu trí tuệ do Mỹ đề xuất.
Chính quyền của Tổng thống Biden đã cố gắng khôi phục ảnh hưởng qua Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF), nhưng các tiêu chuẩn lao động và quy định của Mỹ không đi kèm quyền tiếp cận thị trường, làm giảm sức hấp dẫn. Chiến lược của ông Trump hiện nay là dựa trên mức thuế quan cao để đạt được nhượng bộ thương mại. Nhưng hiệu quả của chiến lược này phụ thuộc vào sự ổn định của thị trường tài chính và khả năng duy trì thuế thấp sau thỏa thuận, cả hai đều chưa chắc chắn.
Bài viết cho rằng trong bối cảnh các đối thủ như Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng, Mỹ cần điều chỉnh chiến lược, tập trung vào đổi mới công nghệ và hợp tác quốc tế, để thích nghi với một thế giới thương mại đa cực đang hình thành.