Triển khai vé điện tử liên thông cho giao thông công cộng: Những khó khăn lớn nhất đã qua

Theo Phó tổng giám đốc NAPAS Nguyễn Hoàng Long, hiện người dân có thể mua một bó rau, cốc cà phê bằng quét mã QR, nên không có lý do gì không thể áp dụng những hình thức thanh toán hiện đại như vậy trên hạ tầng giao thông công cộng.

Ngày 20.5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm “Giải pháp thanh toán thông minh phục vụ giao thông hiện đại”.

Hệ thống vé liên thông sẽ khai trương vào ngày 2.9

Ông Khuất Việt Hùng, Chủ tịch HĐQT Metro Hà Nội, cho biết Hà Nội và TP.HCM đang sử dụng hệ thống thu soát vé tự động, nhưng ở Hà Nội mỗi tuyến lại có hệ thống riêng.

Người sử dụng vé tháng đi rất thuận tiện, ổn định, nhưng nếu mua vé lượt thì phải đến nhà ga rồi đưa tiền cho nhân viên bán vé hoặc mua bằng máy bán vé. Ngoài ra, thẻ vé của hai tuyến chưa liên thông được với nhau. Đây là hai điểm bất tiện.

“Hệ thống thu soát vé tự động của cả hai tuyến này nếu hoạt động đơn tuyến rất tin cậy”, ông Hùng nói và mong có thể liên thông giữa các tuyến đường sắt đô thị, giữa đường sắt đô thị với xe buýt, đồng thời công cụ thanh toán sẽ thông minh hơn, người dân không phải sử dụng tiền mặt để mua.

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm “Giải pháp thanh toán thông minh phục vụ giao thông hiện đại”

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm “Giải pháp thanh toán thông minh phục vụ giao thông hiện đại”

Cũng theo ông Hùng, hiện nay Cục Cảnh sát C06, Bộ Công an là đơn vị chủ lực phối hợp với TP.Hà Nội, TP.HCM, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính thực hiện phương án sử dụng VNeID để mua vé, dự kiến khoảng 15.9 sẽ phải đưa hệ thống này vào hoạt động.

Ông Đỗ Việt Hải, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.Hà Nội, cho hay đến thời điểm hiện nay những vấn đề khúc mắc nhất về kỹ thuật thì ngành xây dựng đã giải quyết được. Trong các tiêu chuẩn kỹ thuật, Hà Nội áp dụng tiêu chuẩn bảo mật cao nhất VCCS (Bộ tiêu chuẩn thẻ chip cho thanh toán nội địa ở Việt Nam).

Trong khung tiêu chuẩn này, đơn vị đã hình dung và dự báo rằng trong tương lai, người dân có thể sử dụng căn cước công dân để đi lại – tương tự như một thẻ ngân hàng, hoặc thẻ mua bán thông thường.

“Tại sao khi đã có căn cước, chúng ta còn phát hành thêm các loại thẻ mới mà không dùng luôn căn cước trong hệ thống vé điện tử? Trong khung kỹ thuật hiện tại, việc tích hợp với căn cước hoặc VNeID là hoàn toàn khả thi”, ông Hải nói.

Ông Hải cho hay dự kiến, hệ thống vé liên thông sẽ chính thức khai trương vào ngày 2.9.2025, không chỉ áp dụng cho các tuyến vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội mà còn có khả năng mở rộng liên kết trên phạm vi toàn quốc. Hệ thống cũng sẽ tích hợp với các thẻ thanh toán quốc tế như Visa…

Theo ông Hải, khó khăn nhất đã vượt qua được, nhưng có 2 khó khăn cần phải khắc phục trong thời gian tới.

Thứ nhất là hình thành thói quen tham gia vận tải hành khách công cộng, đặc biệt ở nhóm người cao tuổi trong việc sử dụng thẻ vé điện tử liên thông. Thứ hai là về câu chuyện tư duy. Ví dụ Hà Nội có khoảng 2.000 xe buýt, trên mỗi xe buýt sẽ có ít nhất 2 người phục vụ để bán vé. Khi triển khai hệ thống vé điện tử đại trà, sẽ có khoảng 4.000 lao động trên các xe buýt không còn đảm nhận nhiệm vụ bán vé. Chính vì vậy, việc sắp xếp lại công việc và chuyển đổi việc làm cho lực lượng này là nhiệm vụ cần phải khắc phục trong thời gian tới.

Ông Đỗ Việt Hải, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.Hà Nội

Ông Đỗ Việt Hải, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.Hà Nội

Công nghệ không còn là rào cản

Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), cho hay đã có những bước chuẩn bị từ thời điểm thí điểm những năm 2020 - 2021 đến việc triển khai thanh toán thẻ nội địa cho tuyến đường sắt đô thị TP.HCM (Tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên).

“Chúng tôi đã hoàn thành việc triển khai thanh toán số. Hiện nay, mọi người đều thấy là có thể mua một mớ rau ngoài chợ bằng quét mã QR, có thể trả cốc cà phê bằng việc dùng điện thoại để quét. Như vậy không có lý do gì trong thời gian tới chúng ta không thể áp dụng những hình thức thanh toán hiện đại và nhanh chóng như vậy trên hạ tầng giao thông công cộng”, ông Long nêu.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS)

Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS)

Đại diện NAPAS cũng nhấn mạnh những gì khó khăn nhất đã vượt qua rồi, như tiêu chuẩn, chính sách, cơ chế, giờ chỉ việc thực hiện thôi.

“Có sự quyết tâm, chúng ta sẽ làm được, sự liên thông và "tính mở" rất cao. Chúng ta có thể nhìn thấy và có những bước thí điểm, triển khai đã thành công ở các địa phương. Thực ra thời gian chuẩn bị thì lâu nhưng làm rất nhanh. Việc kết nối thực sự giữa NAPAS và thanh toán tự động trong metro TP.HCM chỉ triển khai trong 20 ngày bởi những thứ như tiêu chuẩn kỹ thuật đều đã chuẩn bị kỹ càng rồi, chỉ cần thống nhất là cả hệ thống chạy "rầm rập"”, ông Long nhấn mạnh.

Ông Fukuda Chihiro, Phó trưởng đại diện JICA tại Việt Nam cũng đồng tình rằng về mặt chính sách, công nghệ đã không còn là rào cản nữa.

"Khi chúng ta mở rộng mạng lưới của mình, số chủ thể tham gia vào sẽ ngày càng đông và nhiều hơn. Khi chúng ta sử dụng các hệ thống chung, nền tảng chung thì cần có sự điều phối, phối hợp giữa các cơ quan, doanh nghiệp liên quan. Như vậy sự phối hợp giữa Chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức tín dụng rất quan trọng", ông nói.

Theo ông Fukuda Chihiro, Chính phủ cần triển khai hệ thống có khả năng tích hợp không chỉ đường sắt mà chung cho bãi đỗ xe hay các cửa hàng. Như vậy ngay từ đầu Chính phủ cần có phương hướng xây dựng hệ thống có khả năng vận hành liên thông và xây dựng bộ quy chuẩn thống nhất.

Ngoài ra, hệ thống thu tiền vé tự động (AFC) xử lý dữ liệu cá nhân của hành khách nên điều bắt buộc là phải có biện pháp an ninh đủ mạnh để phòng chống hành vi lừa đảo và bảo vệ thông tin cá nhân. Chính phủ cần ban hành các văn bản pháp luật và quy định để thực hiện điều này.

Một vấn đề nữa là để triển khai hệ thống AFC sẽ cần một khoản chi phí ban đầu. Vì vậy không nên giao phó hoàn toàn cho các doanh nghiệp quản lý, vận hành mà Nhà nước cần hỗ trợ về mặt tài chính và chính sách để đảm bảo hiệu quả, thúc đẩy phổ biến hệ thống AFC này.

Ông Fukuda Chihiro cũng khuyến cáo, để có thể phổ biến được hệ thống này thì cần phải kết nối với các phương tiện giao thông công cộng khác.

Ông Khuất Việt Hùng, Chủ tịch HĐQT Metro Hà Nội

Ông Khuất Việt Hùng, Chủ tịch HĐQT Metro Hà Nội

Ông Khuất Việt Hùng cũng khuyến nghị, khi thiết kế một hệ thống liên thông thì cần xác định rõ trong hệ thống ấy vai trò, chức năng của doanh nghiệp. Vai trò nào là của cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề thanh toán bù trừ, trong quản lý dữ liệu và xây dựng nên hệ thống thể chế chính sách? Các doanh nghiệp có trách nhiệm quản trị cơ sở hệ thống vé của mình như thế nào để đảm bảo?

“Ví dụ như trong hệ thống chung thì hoạt động thông suốt nhưng từng hệ thống riêng của doanh nghiệp không bị nhiễu sang nhau? Bởi trong trường hợp không cẩn thận, hệ thống chung xuất hiện sự cố thì có khi chúng tôi lại không dùng được”, ông Hùng nói.

Hệ thống này thu thập dữ liệu và dữ liệu là một nguồn tài nguyên. Nguồn tài nguyên thiên nhiên càng ngày càng kiệt dần, nhưng nguồn tài nguyên số thì ngày càng được bồi đắp, tích lũy và lớn dần lên. Chúng ta phải định hướng rằng sẽ sử dụng nguồn tài nguyên số đó như thế nào trong tương lai. Nó không chỉ phục vụ cho giao thông vận tải hành khách công cộng mà còn phục vụ cho các lĩnh vực hoạt động kinh tế xã hội khác. Đấy mới là điều quan trọng mà chúng ta cần có định hướng trong thời gian tới.

Ông Đỗ Việt Hải, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.Hà Nội.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/trien-khai-ve-dien-tu-lien-thong-cho-giao-thong-cong-cong-nhung-kho-khan-lon-nhat-da-qua-232799.html
Zalo