Trí tuệ nhân tạo dự báo có thể ảnh hưởng đến 40% việc làm toàn cầu
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang mở ra những cơ hội lớn về năng suất và tăng trưởng kinh tế, song cũng kéo theo nguy cơ thay thế hàng loạt việc làm.
Trong báo cáo công bố ngày 4/4, Cơ quan Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc (UNCTAD) cảnh báo AI có thể tác động đến 40% việc làm trên toàn thế giới, trong đó phần lớn rủi ro rơi vào các ngành nghề dễ bị tự động hóa.
Theo báo cáo của UNCTAD, những lợi ích do trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại hiện đang chủ yếu nghiêng về phía các chủ sở hữu tư bản, trong khi người lao động chưa được hưởng lợi một cách tương xứng. Thực trạng này không chỉ góp phần làm gia tăng bất bình đẳng về thu nhập, mà còn làm suy giảm lợi thế cạnh tranh dựa trên chi phí lao động thấp tại các nền kinh tế đang phát triển.

Trí tuệ nhân tạo có thể ảnh hưởng đến 40% việc làm toàn cầu. Ảnh: Xinhua
Nguy cơ AI thay thế việc làm đã được nhiều tổ chức quốc tế cảnh báo. Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đều đưa ra các đánh giá tương tự. Một khảo sát của WEF công bố hồi tháng 1/2025 cho thấy 41% người sử dụng lao động dự kiến cắt giảm nhân sự ở những lĩnh vực có thể được AI thay thế.
Cũng theo UNCTAD, trí tuệ nhân tạo đang tăng trưởng với tốc độ vượt bậc. Giá trị thị trường toàn cầu của AI được dự báo sẽ đạt 4.800 tỷ USD vào năm 2033, tương đương quy mô nền kinh tế Đức. Tuy nhiên, lợi ích từ công nghệ này hiện vẫn tập trung vào một số ít quốc gia và tập đoàn lớn, khiến khoảng cách công nghệ và phát triển ngày càng nới rộng.
Dữ liệu của Liên Hợp Quốc cho thấy 40% tổng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển AI của các tập đoàn toàn cầu đang tập trung vào 100 công ty, phần lớn có trụ sở tại Mỹ và Trung Quốc. Các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Apple, Nvidia và Microsoft, những doanh nghiệp hưởng lợi lớn từ làn sóng AI, hiện có tổng giá trị vốn hóa thị trường tương đương với GDP của toàn bộ lục địa châu Phi.
Không chỉ dừng lại ở bất bình đẳng doanh nghiệp, báo cáo còn nhấn mạnh sự chênh lệch ở cấp độ quốc gia. Có tới 118 quốc gia, chủ yếu thuộc Nam bán cầu, hiện không tham gia các cuộc thảo luận lớn về quản trị AI. UNCTAD cho rằng điều này có thể khiến các nước này tụt hậu nếu không kịp thời định vị vai trò trong hệ sinh thái AI toàn cầu.
Tuy nhiên, UNCTAD cũng nhấn mạnh AI không chỉ mang lại rủi ro, mà còn mở ra tiềm năng to lớn trong việc thúc đẩy đổi mới, tạo ra các ngành nghề mới, nâng cao năng suất lao động và trao quyền cho người lao động. Những lợi ích này có thể được hiện thực hóa nếu đi kèm với các khoản đầu tư phù hợp vào công tác đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động.
Để tránh bị bỏ lại phía sau, các quốc gia đang phát triển cần có tiếng nói trong việc xây dựng các quy định và khung đạo đức về AI. Báo cáo khuyến nghị cộng đồng quốc tế cần thúc đẩy các sáng kiến vì sự phát triển toàn diện, bao gồm: xây dựng cơ sở hạ tầng AI dùng chung, khuyến khích mô hình AI mã nguồn mở, công khai các thuật toán và đẩy mạnh chia sẻ kiến thức, tài nguyên.
Đọc thêm: Trí tuệ nhân tạo mở ra hướng mới trong hỗ trợ trẻ tự kỷ tại Trung Quốc
UNCTAD nhấn mạnh: “AI có thể là chất xúc tác cho tiến bộ, đổi mới và thịnh vượng chung, nhưng điều đó chỉ xảy ra nếu các quốc gia chủ động định hình hướng phát triển của công nghệ này. Đầu tư chiến lược, quản trị toàn diện và hợp tác quốc tế là chìa khóa để AI phục vụ lợi ích của tất cả mọi người, thay vì đào sâu những chia rẽ hiện hữu.”