Giá vàng, mối quan hệ lãi suất – lạm phát và lời giải cho thị trường

'Vàng vật chất nên được coi là một loại hàng hóa và được điều tiết bởi các loại thuế như các sản phẩm đầu tư khác. Cùng với đó, nhu cầu vàng vật chất tại Việt Nam cần được liên thông với thế giới', ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc điều hành AFA Capital, trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.

Yếu tố nào khiến giá vàng trong nước tăng?

KTSG: Trong những ngày gần đây, giá vàng trong nước đã có lúc vượt 100 triệu đồng/lượng. Đáng lưu ý, giá vàng nhẫn và vàng miếng SJC được niêm yết ở mức tương đương. Ông nhận định như thế nào về những thông tin nêu trên?

- Ông Nguyễn Minh Tuấn: Từ góc nhìn dài hạn gắn với mục tiêu tăng trưởng GDP cao, giá vàng lên tới trên 100 triệu đồng/lượng rõ ràng không phải là một tín hiệu tốt. Từ lâu, vàng là một công cụ trú ẩn, khi nền kinh tế cần được đầu tư, đặc biệt từ khu vực tư nhân, để đạt mức tăng trưởng 8% trong năm 2025, nguồn lực lại bị dồn nhiều vào kênh trú ẩn rõ ràng sẽ tạo ra những điểm bất lợi.

Nhìn vào các phản ánh trên phương tiện truyền thông, cũng như những lần giá vàng tăng cao trước đây, người dân lại xếp hàng, chờ đợi hàng tiếng đồng hồ để mua vào. Thanh khoản trên thị trường thấp dẫn đến thực trạng nhiều người có tiền nhưng mua vàng rất khó. Tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO) vẫn đang chi phối nhiều nhà đầu tư, đây là một vấn đề cần xem xét để tìm cách hóa giải.

Muốn vậy, phải xác định đâu là nguyên nhân chính khiến giá vàng trong nước tăng cao.

KTSG: Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân chính khiến giá vàng trong nước tăng cao?

- Cơ cấu giá vàng trong nước bao gồm: giá vàng thế giới (tính theo ounce) x 1,2056 (hệ số quy đổi từ ounce sang lượng) x tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng + chi phí nhập khẩu và sản xuất. Tính từ ngày 1-1-2025 đến 19-3-2025 là thời điểm giá vàng trong nước đạt mốc 100 triệu đồng/lượng, giá vàng thế giới tăng 14,77%, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng tăng 0,23% và mức chi phí nhập khẩu và sản xuất vàng không thay đổi. Như vậy, mức tăng của giá vàng thế giới và tỷ giá chỉ khiến giá vàng trong nước tăng 15%, trong khi mức tăng thực tế của nó trên thị trường là 17,92%. Nghĩa là, giá vàng đã tăng gần 3% do cung cầu thị trường trong nước và thanh khoản ít.

Giá vàng lên tới trên 100 triệu đồng/lượng rõ ràng không phải là một tín hiệu tốt. Ảnh: LÊ VŨ

Giá vàng lên tới trên 100 triệu đồng/lượng rõ ràng không phải là một tín hiệu tốt. Ảnh: LÊ VŨ

Vậy trong các cấu phần tạo nên giá vàng trong nước, chúng ta có thể kiểm soát được yếu tố nào? Rõ ràng, chúng ta không thể tác động tới giá vàng thế giới. Chi phí nhập khẩu và sản xuất vàng chỉ có thể tác động đến giá vàng trong nước khi Việt Nam quyết định nhập khẩu vàng phục vụ đủ nhu cầu trong nước, nhưng theo chính sách quản lý vàng của Ngân hàng Nhà nước, khả năng này khó có thể xảy ra.

Xét tới yếu tố tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng, mức tăng 0,23% đạt được từ đầu năm 2025 do Việt Nam luôn lưu tâm tới vấn đề ổn định tỷ giá. Trong thời gian tới, sức ép tỷ giá có thể còn giảm thiểu do áp lực từ chỉ số DXY đã thấp đi và thị trường đang kỳ vọng việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất hoặc phát ra các tín hiệu giảm lãi suất.

Tôi cho rằng, chúng ta nên tập trung vào yếu tố không xuất hiện trong công thức tính giá, đó là cung cầu và tâm lý thị trường vàng nội địa. Bước vào năm 2025, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, các nhà điều hành đã phát đi hai tín hiệu, một là tiếp tục giảm lãi suất cho vay (đồng nghĩa lãi suất huy động sẽ giảm), hai là hy sinh một phần lạm phát để tăng trưởng cao.

Về điểm thứ nhất, tính tới nửa cuối tháng 3-2025, lãi suất huy động tại bốn ngân hàng thương mại nhà nước ở mức 1,9%/năm cho kỳ hạn 3 tháng; 3,1%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 4,68%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Theo tính toán của chúng tôi, trung bình trong giai đoạn 20 năm, giá vàng tăng khoảng 9%/năm, còn lãi suất tiền gửi tăng khoảng 6-7%. Thông thường, việc gửi tiết kiệm ngân hàng đã không sinh lời bằng việc trú ẩn vào vàng, vậy nên, khi lãi suất có thể vẫn tiếp tục hạ, xu hướng đầu tư vào vàng sẽ tăng, khiến thanh khoản trên thị trường thấp còn cung cầu trên thị trường lại gia tăng.

Về điểm thứ hai, chỉ số tăng giá tiêu dùng tháng 1-2025 tăng trên 4% do yếu tố thời điểm là Tết Nguyên đán, sang tới tháng 2-2025, chỉ số giá tiêu dùng quay về mức 3%. Kể cả với mong muốn tăng trưởng cao, lạm phát kỳ vọng năm 2025 là 3,78%, năm 2026 là 4%. Nỗi lo lạm phát nằm ở tâm lý chứ không phải trên thực tế, dù vậy, cộng với yếu tố lãi suất huy động giảm, người dân có thể lựa chọn rút tiền đi mua vàng.

KTSG: Đã có đề xuất nhập khẩu thêm vàng để hạ nhiệt thị trường, quan điểm của ông như thế nào?

- Từ cuối năm 2023 tới nay, tăng trưởng huy động tiền gửi của Việt Nam gần như nằm ngang trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 là 16%. Thanh khoản trong hệ thống ngân hàng thương mại là một vấn đề cần quan tâm (các ngân hàng thương mại vẫn tích cực huy động vốn trung và dài hạn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp).

Một trong những vấn đề gốc rễ vẫn là mối quan hệ giữa lãi suất huy động tiền gửi và giá vàng, lãi suất thấp thì giá vàng cao. Đây là điểm cần được xem xét và giải quyết.

Nếu lãi suất vẫn neo ở mức thấp và tâm lý lo ngại lạm phát vẫn tồn tại, thanh khoản vàng sẽ hạn chế, tiềm ẩn rủi ro khi giá vàng thay đổi đột ngột. Nếu xảy ra tình huống này, Việt Nam buộc phải nhập khẩu vàng để hạ nhiệt thị trường.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề gốc rễ vẫn là mối quan hệ giữa lãi suất huy động tiền gửi và giá vàng, lãi suất thấp thì giá vàng cao. Đây là điểm cần được xem xét và giải quyết.

Nếu muốn liên thông thị trường vàng trong nước - thế giới...

KTSG: Theo ông, xu hướng giá vàng trong thời gian sắp tới sẽ thế nào? Từ góc độ chuyên gia, ông có những đề xuất gì để quản lý tốt thị trường vàng?

- Theo bộ khung phân tích về giá vàng của Hội đồng vàng thế giới (World Gold Council), giá vàng sẽ bị ảnh hưởng bởi bốn yếu tố chính, gồm: chi phí cơ hội (liên quan tới lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ trong 10 năm, sức mạnh của đô la Mỹ); mức độ mở rộng của nền kinh tế toàn cầu; rủi ro và sự bất định (liên quan tới các rủi ro địa chính trị hoặc rủi ro suy thoái) và nhu cầu mua vàng trên thế giới (trong đó, có nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương, nhu cầu vàng của các quỹ ETF...). Ngoại trừ yếu tố về mức độ mở rộng của nền kinh tế toàn cầu, ba yếu tố còn lại đều đang hỗ trợ cho đà tăng của giá vàng.

Báo cáo của Hội đồng vàng thế giới phát hành đầu tháng 3-2025 có tiêu đề “Cưỡi trên những con sóng bất định”. Các chính sách kinh tế của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến rủi ro thương mại toàn cầu được đánh giá là tăng gấp 3 lần so với nhiệm kỳ đầu của vị tổng thống này. Thị trường thế giới đang dùng vàng như một công cụ ứng phó với sự bất định.

Chúng ta có thể tham khảo mô hình của Ấn Độ. Quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ 2 thế giới có cách thức quản lý thị trường vàng một cách đồng bộ, chống “vàng hóa” nhưng vẫn liên thông thị trường vàng vật chất trong nước với thị trường vàng thế giới.

Trong khi các điểm nóng địa chính trị vẫn chưa chắc chắn sẽ hạ nhiệt, thâm hụt ngân sách của Mỹ từ tháng 10-2024 đến tháng 2-2025 vẫn ở mức rất cao là 1.147 tỉ đô la Mỹ. Nhà đầu tư chuyển sang tài sản vật chất nhiều hơn, còn các ngân hàng trung ương cũng tăng mua vàng dự trữ, thay vì mua trái phiếu chính phủ Mỹ.

Một yếu tố khác là xu hướng gia tăng nợ công của Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Xu hướng nợ công của các nền kinh tế lớn này thường thuận chiều với xu hướng giá vàng. Các định chế tài chính lớn như Goldman Sachs, JP Morgan hay Kitco đều dự báo giá vàng ở ngưỡng 2.950-3.100 đô la Mỹ/ounce, do nhu cầu từ các ngân hàng trung ương, bất ổn chính trị, chính sách thuế quan và căng thẳng thương mại...

Tóm lại, trong thời gian còn lại của năm 2025, giá vàng thế giới vẫn neo ở mức cao và trực tiếp tác động tới giá vàng trong nước. Để quản lý thị trường vàng, theo tôi, vàng vật chất nên được coi là một loại hàng hóa và được điều tiết bởi các loại thuế như các sản phẩm đầu tư khác.

Cùng với đó, nhu cầu vàng vật chất tại Việt Nam cần được liên thông với thế giới để tránh tình trạng đầu cơ, tích trữ, vốn có thể tác động tiêu cực đến thị trường ngoại tệ tự do và ảnh hưởng tâm lý của người dân.

KTSG: Để lành mạnh hóa thị trường vàng, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của những quốc gia nào? Xin ông phân tích cụ thể.

- Chúng ta có thể tham khảo mô hình của Ấn Độ. Quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ 2 thế giới có cách thức quản lý thị trường vàng một cách đồng bộ, chống “vàng hóa” nhưng vẫn liên thông thị trường vàng vật chất trong nước với thị trường vàng thế giới.

Ấn Độ cho phép nhập khẩu và áp thuế nhập khẩu với vàng, mức thuế được điều chỉnh tăng giảm để điều tiết giá vàng trong nước. Các cá nhân được phép mang vàng vào Ấn Độ nhưng phải đóng thuế. Trên thị trường trong nước, Ấn Độ ban hành quy định bắt buộc kê khai các giao dịch vàng, áp thuế tiêu thụ vàng đối với các cửa hàng kim hoàn.

Ấn Độ cũng cho phép giao dịch vàng tại Sở Giao dịch hàng hóa Ấn Độ, quỹ ETF về vàng, chuyển vàng đầu tư sang vàng tiết kiệm tài chính bằng cách phát hành trái phiếu vàng quốc gia và phát hành đồng tiền vàng quốc gia.

Để chống “vàng hóa”, Ấn Độ cấm công ty tài chính phi ngân hàng cho vay dựa trên tài sản bảo đảm bằng vàng miếng và tiền xu vàng, hạn chế ngân hàng thương mại cho vay dựa trên thế chấp bằng vàng, cấm cho vay mua vàng dưới mọi hình thức...

Việt Nam cũng có thể nghiên cứu mô hình sàn giao dịch vàng vật chất tập trung như Sàn giao dịch vàng Thượng Hải của Trung Quốc. Sàn giao dịch vàng Thượng Hải là pháp nhân độc lập do Nhà nước Trung Quốc đầu tư vốn 100%. Hội đồng quản trị của sàn do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tiến cử và bổ nhiệm. Đây là sàn vàng vật chất giao ngay, vàng miếng đạt tiêu chuẩn quốc tế mới được phép giao dịch. Ngoài các quỹ đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư cá nhân cũng được giao dịch trên sàn vàng nhưng chỉ được phép giao dịch trong giới hạn số dư tài khoản tiền hoặc vàng của họ.

Hoàng Hạnh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/gia-vang-moi-quan-he-lai-suat-lam-phat-va-loi-giai-cho-thi-truong/
Zalo