Nhật Bản xác lập kỷ lục khách lưu trú, hướng tới 60 triệu du khách quốc tế vào năm 2030
Nhật Bản đang tăng tốc trong hành trình trở thành điểm đến hàng đầu thế giới khi đặt mục tiêu đón 60 triệu lượt khách quốc tế và đạt mức chi tiêu du lịch 15 nghìn tỷ yên vào năm 2030.
Theo số liệu sơ bộ từ Cơ quan Du lịch Nhật Bản, tháng 2/2025 ghi nhận tổng cộng 48,33 triệu lượt khách lưu trú tại các khách sạn, nhà trọ và điểm lưu trú trên toàn quốc, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái và là con số cao nhất từng ghi nhận trong tháng 2 từ trước đến nay.

Nhật Bản xác lập kỷ lục khách lưu trú, hướng tới 60 triệu du khách quốc tế vào năm 2030 - Ảnh: Tokyo Times
Đáng chú ý, lượng khách quốc tế chiếm tới 13,3 triệu lượt, tăng mạnh 15,5%, trong khi lượng khách nội địa giảm nhẹ 3,6%, còn 35,03 triệu lượt.
Những con số mới công bố cho thấy “xứ sở mặt trời mọc” đang đi đúng hướng với lượng khách lưu trú trong tháng 2 vừa qua đạt mức cao kỷ lục.
Sự gia tăng rõ rệt của du khách nước ngoài phản ánh sức hút ngày càng lớn của Nhật Bản trên bản đồ du lịch toàn cầu. Tuy nhiên, làn sóng khách quốc tế cũng gây áp lực lên các đô thị lớn như Tokyo, Osaka, Aichi… nơi thường xuyên đối mặt với tình trạng quá tải, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Nhằm giải bài toán này, chính phủ Nhật Bản đang chủ động điều phối lại dòng chảy du lịch, thúc đẩy du khách khám phá các khu vực nông thôn và địa phương ít người biết tới.
Theo thống kê cụ thể về lượng khách quốc tế lưu trú qua đêm trong tháng 1, ba khu đô thị lớn gồm Tokyo, Osaka và Aichi vẫn chiếm ưu thế với 9,37 triệu lượt, tương đương 61,9%.
Tuy nhiên, các vùng địa phương khác cũng có bước tiến đáng kể với tổng cộng 5,78 triệu lượt khách, chiếm 38,1%. Tỷ lệ này cho thấy khoảng cách giữa các đô thị lớn và vùng địa phương đang từng bước được thu hẹp, phản ánh hiệu quả ban đầu của chính sách phân tán du lịch.
Trong tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm xây dựng một kế hoạch tổng thể mới để hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch đầy tham vọng vào năm 2030.
Kế hoạch này sẽ tập trung vào việc nâng cao trải nghiệm du lịch tại các địa phương, cải thiện hệ thống hạ tầng, giao thông thứ cấp và sân bay; đồng thời áp dụng các biện pháp hiệu quả để kiểm soát tình trạng quá tải du lịch.
Những nỗ lực đồng bộ và chiến lược rõ ràng cho thấy Nhật Bản không chỉ đơn thuần muốn đón nhiều khách hơn, mà còn hướng đến một mô hình phát triển du lịch bền vững, hài hòa với cuộc sống của người dân và giá trị bản địa.