Trend 26+ góp phần tôn vinh văn hóa kiến trúc bản địa
Trend 26+ mở rộng vai trò từ một ấn phẩm chuyên môn sang cầu nối đối thoại sáng tạo giữa Việt Nam và quốc tế, góp phần tôn vinh văn hóa kiến trúc bản địa và bản sắc Việt trong dòng chảy xu hướng chung toàn cầu.
Trong bối cảnh thế giới không ngừng biến động bởi công nghệ, môi trường, văn hóa và hành vi tiêu dùng, việc cập nhật và định hình xu hướng đã trở thành yếu tố sống còn của các ngành công nghiệp sáng tạo. Với tinh thần đó, TREND 26+ – ấn phẩm xu hướng đầu tiên trong lĩnh vực kiến trúc – nội thất tại Việt Nam đã chính thức ra mắt, đánh dấu một bước tiến quan trọng của ngành trong việc hội nhập và khẳng định bản sắc.
Sáng 23/052025, buổi Gặp gỡ báo chí - Giới thiệu Xu hướng nội thất kiến trúc Trend 26+ đã được tổ chức tại Hà Nội.

Các chuyên gia đầu ngành chia sẻ thông tin tại sự kiện.
Trend 26+ - ấn phẩm tổng hợp và dự báo xu hướng nội thất, kiến trúc thế giới và Việt Nam giai đoạn 2026–2030 được Hội Nội thất Việt Nam cùng ba thương hiệu tiên phong trong lĩnh vực vật liệu và phụ kiện nội thất Viglacera, Gỗ Minh Long và Khóa Huy Hoàng xuất bản. Ấn phẩm có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành kiến trúc nội thất trong nước và quốc tế biên soạn, dưới sự bảo trợ chuyên môn của Hội Nội thất Việt Nam và Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
Không chỉ phản ánh những chuyển động trong nước, Trend 26+ còn khẳng định khát vọng kiến tạo bản sắc Việt và tự tin đặt ra xu hướng riêng. Trend 26+ mở rộng vai trò từ một ấn phẩm chuyên môn sang cầu nối đối thoại sáng tạo giữa Việt Nam và quốc tế, góp phần tôn vinh văn hóa kiến trúc bản địa và bản sắc Việt trong dòng chảy xu hướng chung toàn cầu.
Phát biểu tại sự kiện, KTS Lê Trương, Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam chia sẻ: Xu hướng không phải là thứ tự nhiên sinh ra – nó là kết quả của quá trình quan sát, chọn lọc và kiến tạo có chủ đích. Với thiết kế, xu hướng không chỉ là cái mới – mà phải phản ánh được bản sắc, nhu cầu xã hội và tinh thần của thời đại. Việc hình thành xu hướng thiết kế Việt cần sự kết nối giữa chuyên môn, sáng tạo và bối cảnh văn hóa. Sự ra đời của một dự án như vậy hứa hẹn sẽ trở thành công cụ hỗ trợ hữu hiệu cho các chủ thể trong ngành”.
Cũng tại sự kiện, KTS Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, Trend 26+ dành nhiều nội dung cho lĩnh vực nội thất, đặc biệt là nội thất nhà ở. Nhưng nội thất không đứng riêng – nó chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ kiến trúc. Kiến trúc, với bản chất là nghệ thuật tổ chức không gian sống, luôn là cái khung bao bọc, dẫn dắt cảm xúc, định hình hành vi, và tạo ra bối cảnh sống cho con người.
Trong bối cảnh đó, xu hướng kiến trúc toàn cầu đang có sự dịch chuyển rõ rệt. Việt Nam, tuy đi sau, nhưng đang dần khẳng định vị trí của mình trên bản đồ xu hướng thế giới – với nhiều công trình kiến trúc có tư duy nhân bản, bền vững, và phản ánh rõ chiều sâu văn hóa bản địa.
TREND+ là ấn phẩm phân tích, tổng hợp và dự báo xu hướng trong các lĩnh vực thiết kế, kiến trúc, nội thất, văn hóa và đời sống xã hội. Với chu kỳ xuất bản hai năm một lần, TREND+ được xây dựng dựa trên các nguồn dữ liệu đáng tin cậy từ: Các tổ chức dự báo xu hướng quốc tế như WGSN, RAL; Các triển lãm và hội chợ chuyên ngành hàng đầu thế giới như Salone del Mobile (Ý), Interzum Cologne (Đức), Ligna Hannover, Interzum Quảng Châu...
Phiên bản năm nay mang tên TREND 26+ – một cột mốc đầu tiên của Việt Nam trên bản đồ xu hướng kiến trúc nội thất khu vực và thế giới.
Thông tin từ Ban Tổ chức cho biết, TREND 26+ là kết quả của hành trình 12 tháng thu thập, biên tập và thiết kế, với sự tham gia của 45 chuyên gia hàng đầu, trong đó có 13 chuyên gia quốc tế đến từ 7 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương. Ấn phẩm gồm 552 trang, được xuất bản với số lượng 5.000 bản, giới thiệu 31 xu hướng lớn cho giai đoạn 2026–2030.
TREND 26+ khái quát các xu hướng kiến tạo tương lai thông qua 3 nhóm chủ đề lớn: Bền vững & xanh hóa: Kiến trúc chữa lành, nội thất xanh, kinh tế tuần hoàn, hài hòa với thiên nhiên; Cá nhân hóa & nhân bản: Thiết kế vị nhân sinh, chú trọng trải nghiệm cá nhân, cân bằng đời sống – công việc; Tích hợp công nghệ: Trí tuệ nhân tạo, công nghệ ảo, số hóa không gian sống.
Cùng với đó là những phân tích sâu sắc về sự chuyển dịch trong hành vi tiêu dùng, thay đổi phong cách sống, khủng hoảng bản sắc và nỗ lực phục hồi văn hóa – tất cả đều ảnh hưởng trực tiếp đến cách chúng ta thiết kế, xây dựng và sống trong không gian của mình.