Bước tiến mới trong ứng dụng công nghệ y học phẫu thuật tạo hình, điều trị bỏng

Trong những năm gần đây, lĩnh vực phẫu thuật tạo hình và điều trị bỏng chứng kiến những bước tiến vượt bậc nhờ ứng dụng công nghệ y học tiên tiến...

Từ ngày 22 - 24/5, tại Bệnh viện Trung ương Huế diễn ra Hội nghị Khoa học Bỏng, Liền vết thương & Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ - Tái tạo toàn quốc lần thứ XV do Hội Bỏng Việt Nam phối hợp tổ chức.

Hội nghị quy tụ hơn 350 đại biểu với 48 chuyên gia trong chủ tọa đoàn và 133 báo cáo viên đến từ các bệnh viện trung ương, trường đại học y khoa lớn, các trung tâm điều trị chuyên sâu trong cả nước cùng các khách mời quốc tế từ Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Philippines.

TS.BS Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế phát biểu tại hội nghị.

TS.BS Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế phát biểu tại hội nghị.

TS.BS Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, trong kỷ nguyên y học hiện đại, điều trị vết thương mạn tính, phẫu thuật tái tạo hay chăm sóc bệnh nhân bỏng không còn là những lĩnh vực riêng biệt mà đang ngày càng giao thoa, phát triển nhờ các tiến bộ vượt bậc trong công nghệ sinh học, vật liệu y sinh và các chiến lược can thiệp đa chuyên ngành.

"Hội nghị là dịp để cập nhật các phương pháp điều trị tiên tiến từ các trung tâm hàng đầu trong và ngoài nước, thúc đẩy liên kết chuyên môn giữa các tuyến, mở rộng hợp tác quốc tế, đóng góp thiết thực vào chiến lược nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất tại tuyến cơ sở và vùng khó khăn", TS.BS Nguyễn Thanh Xuân chia sẻ.

Trao đổi bên lề hội nghị, TS.BS Hồ Mẫn Trường Phú, Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình - Phẫu thuật tạo hình (Bệnh viện Trung ương Huế) cho biết, trong những năm gần đây, lĩnh vực phẫu thuật tạo hình và điều trị bỏng chứng kiến những bước tiến vượt bậc nhờ vào sự ứng dụng rộng rãi của công nghệ y học tiên tiến.

Các bác sĩ bệnh hiện thực hiện ca vi phẫu.

Các bác sĩ bệnh hiện thực hiện ca vi phẫu.

Trước thực trạng các tổn thương phần mềm phức tạp, vết thương mạn tính khó lành và gánh nặng điều trị kéo dài, yêu cầu đổi mới công nghệ không còn là xu hướng mà trở thành nhu cầu cấp thiết trong thực hành lâm sàng.

Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình - Phẫu thuật tạo hình mỗi năm tiếp nhận trung bình khoảng 7.000 ca bỏng và phẫu thuật tạo hình.

TS.BS Hồ Mẫn Trường Phú cho biết, thời gian qua, nhiều công nghệ hiện đại được triển khai đồng bộ nhằm góp phần nâng cao rõ rệt hiệu quả điều trị và rút ngắn thời gian phục hồi cho người bệnh.

Trong đó, nổi bật việc ứng dụng các loại vật liệu sinh học và băng gạc tiên tiến như gạc chứa ion bạc, nano bạc… giúp tạo môi trường tối ưu cho quá trình tái tạo mô, đồng thời có tác dụng chống viêm và kháng khuẩn hiệu quả.

Các liệu pháp tái tạo sinh học hiện đại đang được triển khai như PRF (Platelet-Rich Fibrin), thế hệ mới của PRP với cấu trúc gel giàu fibrin, có khả năng giữ ổn định các yếu tố tăng trưởng tại vị trí tổn thương, tạo điều kiện lý tưởng cho quá trình liền mô.

Ngoài ra, tế bào gốc trung mô (MSCs) từ mô mỡ hoặc tủy xương đang được thử nghiệm lâm sàng trong điều trị các ca bỏng sâu, tổn thương mô phức tạp, đặc biệt là các trường hợp cần tái tạo mạch và mô mềm...

Đáng chú ý, công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI) bắt đầu được thử nghiệm trong phân tích hình ảnh vết thương, lập bản đồ số hóa tổn thương và theo dõi tiến trình hồi phục, tạo tiền đề cho cá thể hóa điều trị.

"Những đổi mới này không chỉ rút ngắn thời gian nằm viện, giảm thiểu biến chứng mà còn mở rộng khả năng bảo tồn chi thể, tái tạo thẩm mỹ và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh", TS.BS Hồ Mẫn Trường Phú chia sẻ.

Hoàng Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/buoc-tien-moi-trong-ung-dung-cong-nghe-y-hoc-phau-thuat-tao-hinh-dieu-tri-bong-169250524160359771.htm
Zalo