Trao quyền công nhận, bổ nhiệm chức danh GS, PGS cho cơ sở GD ĐH: Không nên nóng vội

Các chuyên gia cho rằng, cần tính đến việc trao quyền công nhận, bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư...

Lễ trao quyết định và bổ nhiệm chức danh GS, PGS năm 2023 của Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh minh họa: NTCC

Lễ trao quyết định và bổ nhiệm chức danh GS, PGS năm 2023 của Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh minh họa: NTCC

Tự chủ đại học ngày càng phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Từ đây, các chuyên gia cho rằng, cần tính đến việc trao quyền công nhận, bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) cho cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu (gọi chung là cơ sở đào tạo).

Cần cơ chế đột phá

Tại Tọa đàm “Pháp luật về xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS và đề xuất cơ chế thí điểm cho ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh”, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc cho hay, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng về một số chính sách vượt trội để đạt được mục tiêu trở thành đại học trong nhóm hàng đầu châu Á; trong đó có đề xuất cho phép thực hiện thí điểm bổ nhiệm chức danh GS, PGS và trợ lý GS. Việc thí điểm này gắn liền với các chính sách thu hút, bồi dưỡng và phát triển nhân tài.

“Nếu không có cơ chế đột phá, rất khó tuyển dụng được nhà khoa học trẻ, nhà khoa học đầu ngành về công tác”, PGS.TS Vũ Hải Quân nêu thực trạng; đồng thời cho biết, Trung Quốc đã giao quyền bổ nhiệm GS, PGS cho 8 trường đại học tốp đầu, tập trung ở Bắc Kinh, Thượng Hải.

Cũng tại tọa đàm, TS Thái Thị Tuyết Dung - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thanh tra - Pháp chế (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) trao đổi, các quy định pháp luật về xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS tại Việt Nam còn nhiều vướng mắc. Quy trình xét công nhận thông qua 3 hội đồng khá phức tạp, với nhiều yêu cầu về thủ tục hành chính. Với cách làm như hiện nay khiến các cơ sở đào tạo ở thế bị động trong chiến lược phát triển chương trình đào tạo và nghiên cứu mới.

Thực tế, có ngành chưa có trong danh mục của hội đồng ngành (như ngành Khoa học - Công nghệ vật liệu). Một số ngành truyền thống có nguy cơ không còn GS đầu ngành. Nêu thực trạng, TS Thái Thị Tuyết Dung kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định cơ chế thí điểm đặc thù cho ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở giáo dục đại học trong việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo và chức danh khoa học.

Về hội đồng xét công nhận, TS Thái Thị Tuyết Dung đề xuất, nên có 1 hội đồng để xét duyệt là Hội đồng GS cấp ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Hội đồng đảm bảo cải cách thủ tục hành chính và chuyên môn hóa, đảm bảo công khai, minh bạch; coi đây là yêu cầu quan trọng nhất. Chủ tịch Hội đồng GS cấp ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh sẽ ký quyết định công nhận và cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cho các ứng viên. Trường đại học thành viên hoặc các đơn vị trực thuộc sẽ triển khai việc bổ nhiệm.

 Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Thí điểm trước khi nhân rộng

Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, việc công nhận chức danh GS, PGS do Hội đồng Giáo sư Nhà nước đảm nhiệm. Cơ sở đào tạo thực hiện bổ nhiệm chức danh này theo nhu cầu vị trí công việc của từng đơn vị. PGS.TS Đậu Xuân Cảnh - thành viên Hội đồng GS cơ sở Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam cho hay, quy trình xét công nhận chức danh GS, PGS được thực hiện bài bản, công khai, uy tín.

Tuy nhiên, so với thế giới, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh nhận thấy có phần lạc hậu. Đã đến lúc để các cơ sở đào tạo tự chủ, tự chịu trách nhiệm thực hiện công nhận, bổ nhiệm chức danh GS, PGS. Tất nhiên, tự chủ không có nghĩa là tùy tiện, muốn làm gì thì làm, mà cần có sự kiểm soát, với các tiêu chí, tiêu chuẩn và quy chế rõ ràng, tường minh. Trước mắt, không nên nóng vội mà cần thực hiện thí điểm, sau đó đánh giá, rút kinh nghiệm rồi mới nhân rộng.

Theo PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, ở nhiều nước trên thế giới, GS, PGS là một trong những vị trí làm việc. GS hay PGS thuộc quyền quyết định tuyển dụng giữa trường ĐH, viện nghiên cứu với nhà khoa học. Nói cách khác, đó là quyết định giữa nhà tuyển dụng với cá nhân. Song, ở Việt Nam, GS, PGS không phải là vị trí công việc, mà được xem như học hàm, là sự công nhận của Nhà nước đối với nhà khoa học. GS, PGS là ở cấp quốc gia.

Sau khi nhận bằng tiến sĩ của một trường ĐH tại Hà Lan, GS.TS Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) trở về nước làm việc. Nghiên cứu của GS khi đó được trường nước bạn đánh giá cao nên vẫn giữ mối quan hệ đồng hành; khi có nghiên cứu sinh, trường bạn đề xuất ông cùng hướng dẫn.

Luật của Hà Lan yêu cầu, để hướng dẫn được nghiên cứu sinh thì phải là GS. “Trường ĐH của Hà Lan đã bổ nhiệm tôi làm GS từ những năm 2014, nhưng ở Việt Nam đến năm 2019 mới được công nhận, bổ nhiệm chức danh GS”, GS.TS Chử Đức Trình chia sẻ và nhận thấy sự khác nhau trong việc công nhận chức danh GS, PGS ở Việt Nam và nước ngoài.

Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) khẳng định, ở Hà Lan, các trường ĐH bổ nhiệm vị trí GS, không phải là chức danh suốt đời như ở Việt Nam và chỉ là GS của trường đó, không phải GS của đất nước Hà Lan. Nghĩa là, có khi ở trường này là GS nhưng chuyển sang trường khác có thể chỉ là PGS.

Đây là chuyện bình thường tại các trường ĐH ở Hà Lan. Nước này cũng có quy định, sau vài năm làm GS ở các cơ sở đào tạo, họ sẽ có hội đồng ở cấp quốc gia xét và công nhận. Nếu đạt được tiêu chuẩn của hội đồng này thì ứng viên sẽ trở thành GS suốt đời, GS ở tầm quốc gia. Với quy định hiện hành, ở Việt Nam có thể tạm coi là GS, PGS suốt đời.

Từ thực tiễn, GS.TS Chử Đức Trình cho rằng, không nên cứng nhắc thực hiện theo mô hình hiện nay của Việt Nam hay áp dụng 100% mô hình của nước ngoài. Trước mắt, không nên giao tự chủ cho các trường trong việc công nhận chức danh GS, PGS, mà phải thử nghiệm, thí điểm để đánh giá. Muốn vậy, cần có chính sách thử nghiệm rõ ràng, minh bạch; tránh tình trạng thử nghiệm xong đến khi quay lại công nhận chức danh GS, PGS ở cấp quốc gia lại gặp vướng mắc.

PGS.TS Đậu Xuân Cảnh nhìn nhận, theo góc độ nghề nghiệp, GS, PGS là các chức danh nghề nghiệp trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học cũng như bao chức danh nghề nghiệp khác. Việc trao quyền cho các cơ sở đào tạo bổ nhiệm các chức danh GS, PGS nhằm phát triển nguồn nhân lực khoa học chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của giáo dục đại học; đồng thời thúc đẩy quá trình tự chủ đại học, hội nhập thế giới.

Hải Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trao-quyen-cong-nhan-bo-nhiem-chuc-danh-gs-pgs-cho-co-so-gd-dh-khong-nen-nong-voi-post702325.html
Zalo