Trao giải Cuộc thi 'Sáng tác mẫu phác thảo tượng đài Bà Triệu chất liệu đồng'

Sau 6 tháng phát động cuộc thi, đến ngày 28/3/2024, Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được 16 mẫu phác thảo của 13 tác giả/nhóm tác giả trên cả nước. Hội đồng nghệ thuật đã họp, xét chọn 10 tác phẩm của 9 tác giả tham gia vào bước 2 và xếp giải.

Các đại biểu tham dự lễ trao giải.

Các đại biểu tham dự lễ trao giải.

Chiều 31/12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức lễ công bố và trao giải cuộc thi “Sáng tác mẫu phác thảo tượng đài Bà Triệu chất liệu đồng”.

Dự lễ trao giải có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, hội đoàn thể cấp tỉnh, lãnh đạo huyện Hậu Lộc, các thành viên Ban Tổ chức cuộc thi; các nhà điêu khắc, kiến trúc sư.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Nguyên Hồng phát biểu tại lễ trao giải.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Nguyên Hồng phát biểu tại lễ trao giải.

Phát biểu tại lễ trao giải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phạm Nguyên Hồng khẳng định: Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân, anh hùng hào kiệt xưa; thể theo nguyện vọng của Nhân dân các dân tộc, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa mong muốn xây dựng tượng đài Bà Triệu tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Bà Triệu, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Cuộc thi “Sáng tác mẫu phác thảo tượng đài Bà Triệu chất liệu đồng” nhằm lựa chọn mẫu phác thảo tượng đài Bà Triệu đạt chất lượng mỹ thuật cao nhất để xây dựng tượng đài.

Cuộc thi phát động từ tháng 9/2023, đến ngày 28/3/2024 Ban Tổ chức nhận được 16 mẫu phác thảo của 13 tác giả/nhóm tác giả trên cả nước.

Ban Tổ chức trao giải cho các tác giả/nhóm tác giả đoạt giải khuyến khích.

Ban Tổ chức trao giải cho các tác giả/nhóm tác giả đoạt giải khuyến khích.

Ban Tổ chức trao giải cho các tác giả đoạt giải nhì.

Ban Tổ chức trao giải cho các tác giả đoạt giải nhì.

Với tinh thần làm việc trách nhiệm, công tâm, khách quan, Hội đồng nghệ thuật đã họp, xét chọn được 10/16 tác phẩm của 9 tác giả tham gia vào bước 2. Các tác phẩm được chọn vào bước 2 đã thể hiện nâng cao và gửi Hội đồng nghệ thuật chấm, xét giải.

Ban Tổ chức trao giải cho tác giả đoạt giải nhất.

Ban Tổ chức trao giải cho tác giả đoạt giải nhất.

Sau kết quả chấm chọn lần 2, căn cứ thể lệ cuộc thi, Ban Tổ chức đã thống nhất chọn 1 giải nhất thuộc về Công ty TNHH truyền thông Đa phương tiện; 2 Giải nhì thuộc tác giả Triệu Minh Lâm và nhóm tác giả Nguyễn Hoàng Linh, Trần Xuân Tý; 3 giải ba thuộc về tác giả Đặng Quốc An, Lâm Quang Nới, Công ty TNHH Bảo tồn và phát triển mỹ thuật Việt Nam; 4 Giải khuyến khích thuộc các tác giả Hồ Văn Chung, Chung Quốc Phong, Đào Xuân Mạnh.

Tại lễ tổng kết, Ban Tổ chức đã trao giải cho các tác giả/nhóm tác giả.

Mẫu phác thảo tượng đài Bà Triệu của tác giả thuộc Công ty TNHH truyền thông Đa phương tiện (phường Láng Hạ, quân Đống Đa, TP. Hà Nội) giành giải nhất.

Tác phẩm đoạt giải nhất.

Để diễn tả hình tượng người nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh - Bà Triệu cưỡi voi xông trận với ý chí quật cường, Nhà điêu khắc NSND Vương Duy Biên - Công ty TNHH ĐTTM Đa Phương Tiện đã sáng tác mẫu phác thảo dựa trên quan niệm: “Voi là bệ tượng, nên việc diễn tả voi theo lối cách điệu, phác mảng đơn giản, đủ khỏe, chắc chắn, là bệ đỡ cho thế đứng của Bà Triệu. Không diễn tả voi và Bà Triệu theo tỷ lệ thật vì như vậy người sẽ quá nhỏ so với voi”.

Nhà điêu khắc đã thiết kế nhân vật Bà Triệu đứng trên voi với tư thế chân trước chân sau, một tay chống hông, một tay vung gươm oai phong, kết hợp cùng tà áo tung bay làm tăng thêm khí phách lẫm liệt của vị anh hùng anh tộc. Qua đó thể hiện tư thế hiên ngang, thể hiện khí phách oai hùng của Bà Triệu.

Bệ tượng (voi) thiết kế khỏe, đơn giản và gợi vừa đủ những trang trí xung quanh. Màu sắc phần voi (bệ tượng) đậm hơn phần nhân vật Bà Triệu. Vòi voi uốn cong lên, lấy đà vươn về phía trước, 4 chân choãi mạnh, rõ tư thế đang lao đi, tạo cảm giác động hơn, hài hòa với tư thế tay vung gươm của Bà Triệu.

Mẫu phác thảo Bà Triệu của tác giả Triệu Minh Lâm (Ban Chuyên đề, Truyền hình Công an Nhân dân) đoạt giải nhì

Tác phẩm của Tiến sĩ, họa sĩ, đạo diễn Triệu Minh Lâm, Ban chuyên đề Truyền hình Công an Nhân dân.

Lấy cảm hứng từ 4 câu thơ: “Áo choàng cưỡi đứng trên voi/Tay cầm đốc kiếm, lụa vàng tung bay/Trên tay phất thẳng ngọn cờ/Voi thần lao tới đánh tan quân thù”, tác giả Triệu Minh Lâm đã xây dựng hình tượng nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh trong một trận đánh xuất thần với tư thế tạo hình chân trước, chân sau tạo thế đứng đinh tấn vững chắc, tay trái phất ngọn cờ, tay phải cầm đốc kiếm vung lên trời tạo nên thế linh của sự xuất thần. Kết hợp với dải lụa tung bay về phía sau hòa quyện vào làn gió của lá cờ khởi nghĩa trong tư thế lộng gió của voi trắng một ngà xung trận. Cùng với các họa tiết hoa văn của tạo hình, qua đó thể hiện tinh thần chiến đấu kiên cường của nữ tướng anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh.

Mẫu phác thảo của nhóm tác giả Nguyễn Hoàng Linh và Trần Xuân Tý (Phố Vệ Yên 1, phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa) đạt giải nhì

Đại diện nhóm tác giả Nguyễn Hoàng Linh và Trần Xuân Tý với chứng nhận Giải nhì.

Dựa trên những tư liệu lịch sử về Bà Triệu và cuộc khởi nghĩa Bà Triệu, nhóm tác giả đã xây dựng mẫu phác thảo “Tượng đài Bà Triệu chất liệu đồng” nhằm biểu đạt hình tượng nữ Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh tài sắc vẹn toàn, anh hùng bất khuất, gương sáng ngàn đời.

Tượng đài Bà Triệu chất liệu đồng bao gồm hai phần: Phần bệ nâng đỡ tượng đài và phần thân tượng đài. Phần bệ tượng đài bằng chất liệu đá xanh Thanh Hóa và phần thân tượng đài bằng chất liệu đồng vàng.

Tổng thể tượng đài có chiều hướng vươn về phía trước và vút lên cao, gọn gàng và vững chãi, biểu đạt ý chí anh hùng bất khuất và kiên định của Bà Triệu, đại diện ý chí của người Việt Nam trước cường quyền áp bức của giặc ngoại xâm. Phần bệ tượng vuông vắn, có tạo hình sóng nước biểu đạt ý nghĩa câu nói bất khuất của Bà Triệu “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ...”.

Phần thân tượng đài bao gồm hai hình khối lớn gắn kết với nhau: Hình tượng voi chiến và hình tượng Bà Triệu. Hình tượng voi chiến (voi một ngà) hòa quyện hình tượng mây biểu đạt ý nghĩa vượt mây Ngàn Nưa quyết chiến quân thù.

Hình tượng Bà Triệu đứng thẳng trên lưng voi, tư thế vươn về phía trước, đầu ngẩng cao, tay phải cầm kiếm lệnh đưa lên cao, tay trái hơi đưa về sau để hỗ trợ tư thế tiến lên, biểu đạt ý nghĩa anh hùng, bất khuất, kiên định, không lùi bước trước quân thù. Bà Triệu không mang giáp phục, chỉ có giáp hộ tâm như một đóa hoa trước ngực, áo bào của bà bay về phía sau quyện với ghế bành trên lưng voi, càng làm nổi bật tư thế vươn về phía trước.

Thùy Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/trao-giai-cuoc-thi-sang-tac-mau-phac-thao-tuong-dai-ba-trieu-chat-lieu-dong-235487.htm
Zalo