Tránh làm suy giảm vai trò quyết định ngân sách của Quốc hội

Nhất trí việc sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách Nhà nước, song các đại biểu Quốc hội cũng lưu ý, cần tránh làm suy giảm vai trò quyết định ngân sách của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên thảo luận tại Tổ 13

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên thảo luận tại Tổ 13

Tiếp tục Kỳ họp thứ Chín, chiều nay, 17/5, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên thảo luận tại Tổ 13 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Ninh, Đắk Lắk, Lào Cai, Hậu Giang.

Các ĐBQH cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành 3 dự án Luật nêu trên.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên thảo luận tại Tổ 13. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên thảo luận tại Tổ 13. Ảnh: Lâm Hiển

Đánh giá tác độngtoàn diện sâu sắc hơn cácnội dung sửa đổi

Thảo luận, đóng góp ý kiến cụ thể đối với dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), các ĐBQH nhấn mạnh, đây là dự án Luật rất quan trọng, có liên quan đến nhiều hoạt động kinh tế và tác động đến nhiều đạo luật cũng như tác động trực tiếp đến vấn đề quản lý, phân bổ nguồn lực của cả hệ thống chính trị.

Do đó, cần thiết phải đánh giá tác động một cách toàn diện và sâu sắc hơn các nội dung sửa đổi để bảo đảm tính khả thi trong quá trình tổ chức thực hiện và tổ chức quản lý, sử dụng nguồn lực ngân sách hiệu quả.

Các ĐBQH cũng tập trung thảo luận, góp ý kiến cụ thể về các nội dung như: phân chia nguồn thu của ngân sách Trung ương; phân bổ và giao dự toán ngân sách; tạm cấp ngân sách cho các nhiệm vụ chi không thể trì hoãn được trong trường hợp dự toán ngân sách chưa được cấp có thẩm quyền quyết định; quy định thứ tự ưu tiên sử dụng nguồn tăng thu và số dự toán chi còn lại của cấp ngân sách; xem xét tăng mức thưởng cho địa phương đối với số tăng thu thuế xuất nhập khẩu qua biên giới đất liền...

ĐBQH Trần Quốc Tỏ (Bắc Ninh) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Trần Quốc Tỏ (Bắc Ninh) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Lâm Hiển

Chỉ quy định trong Luật về nguyên tắc, các nguồn thu phân chia
Trong đó, về nguồn thu của ngân sách trung ương quy định tại Khoản 2, Điều 35,Ban soạn thảo đang xây dựng theo 2 phương án để xin ý kiến. Các ĐBQH cơ bản nhất trí phương án 2, theo đó, chỉ quy định trong dự thảo Luật về nguyên tắc, các nguồn thu phân chia và giao Chính phủ xây dựng phương án về tỷ lệ phân chia trình Quốc hội xem xét, quyết định, điều chỉnh.

Theo ĐBQH Hà Đức Minh (Lào Cai), phương án 2 có tính linh hoạt cao hơn, cho phép điều chỉnh phân chia nguồn thu phù hợp với biến động thực tiễn về chi – thu ngân sách nhà nước, đồng thời phản ánh các thay đổi về cơ cấu nguồn thu theo xu hướng hiện đại (ví dụ: thuế tiêu thụ toàn cầu, thuế số, thuế tài nguyên mới…).

Đại biểu cũng nhất trí việc giao Chính phủ xây dựng phương án tỷ lệ cụ thể, trình Quốc hội quyết định là cần thiết để nâng cao tính chủ động, thống nhất với đặc điểm điều hành ngân sách từng giai đoạn.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính minh bạch, công bằng và ổn định của hệ thống ngân sách, đại biểu Hà Đức Minh đề nghị lựa chọn Phương án 2 nhưng bổ sung rõ hơn nguyên lý cụ thể nhằm tránh làm suy giảm vai trò quyết định của Quốc hội.

ĐBQH Hà Minh Đức (Lào Cai) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh Lâm Hiển

ĐBQH Hà Minh Đức (Lào Cai) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh Lâm Hiển

Theo đó, đối với nội dung khoản h của phương án 2, đề nghị bổ sung quy định khung tỷ lệ tối đa và tối thiểu phần ngân sách địa phương được hưởng đối với từng khoản thu (ví dụ: thuế thu nhập doanh nghiệp địa phương được hưởng không dưới 20%, thuế bảo vệ môi trường không dưới 20%...).

Quy định Chính phủ phải công khai các tiêu chí, phương pháp và dữ liệu khi xây dựng tỷ lệ hưởng. Đảm bảo việc thực hiện tối thiểu 3 năm đối với mỗi kỳ thi hành phương án phân chia tỷ lệ để địa phương có cơ sở lập kế hoạch tài chính trung hạn.

Cùng với đó, cần làm rõ hơn về phạm vi, cơ sở của việc phân biệt các khoản thu “do địa phương quản lý” và “do cơ quan trung ương cấp phép” trong các khoản như tiền cấp quyền khai thác tài nguyên, tiền sử dụng đất, thuế bảo vệ môi trường… để tránh chồng lấn và tạo động lực cho địa phương tăng thu hợp pháp.

Với các khoản thu có tác động trực tiếp đến địa phương về môi trường như: tài nguyên, bảo vệ môi trường…, đại biểu Hà Đức Minh đề nghị nên tăng tỷ lệ ngân sách địa phương hưởng, hoặc quy định nghĩa vụ ngân sách trung ương phải tái đầu tư lại cho địa phương khai thác.

Phân chia nguồn thu tiền sử dụng đất nên giữ tỷ lệ Trung ương 20%, địa phương 80%

Cũng góp ý về khoản 2, Điều 35 nguồn thu của ngân sách trung ương, ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cho rằng, để tránh biến động dự toán năm ngân sách 2025 và đảm bảo phù hợp mục tiêu tăng cường phân cấp, phân quyền, tự chủ nguồn lực và tình hình phát triển kinh tế xã hội địa phương thì nên lựa chọn theo phương án 2.

ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh Lâm Hiển

ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh Lâm Hiển

Về tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu tiền sử dụng đất: điểm g, phương án 2, khoản 2, điều 35 dự thảo Luật quy định: g) Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trừ thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý quy định tại điểm h khoản 1 Điều này, các địa phương không nhận bổ sung cân đối, ngân sách trung ương hưởng 30%; ngân sách địa phương hưởng 70%. Các địa phương nhận bổ sung cân đối, ngân sách trung ương hưởng 20%; ngân sách địa phương hưởng 80%”.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Vân lưu ý, nguồn thu tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng rất lớn, là nguồn lực chủ yếu để chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương.

Theo đại biểu, nguồn thu này không liên quan đến việc xác định cân đối ngân sách vì thu tiền sử dụng đất phụ thuộc vào việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, nên có thể tăng mạnh hoặc giảm sâu từng năm.

Những năm thị trường bất động sản nóng, nguồn thu này có thể rất cao; ngược lại, khi thị trường trầm lắng, nguồn thu sụt giảm mạnh. Nguồn thu này không phản ánh năng lực thu ngân sách cơ bản của nền kinh tế như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp).

Mặt khác việc hạch toán số thu tiền sử dụng đất hiện nay bao gồm cả chi phí đầu tư hạ tầng (chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật của dự án đấu giá quyền sử dụng đất).

Do vậy, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị quy định thống nhất mức phân chia ngân sách trung ương hưởng 20%, địa phương hưởng 80% (sau khi trừ chi phí đầu tư hạ tầng dự án).

Điều 19 dự thảo Luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Trong đó, điểm b, Khoản 4, Điều 19 đang đề nghị theo hướng không quy định mức bố trí kinh phí cụ thể cho các lĩnh vực như giáo dục, đào tạo và dạy nghề, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Điểm a, b của Khoản 5, Điều 9 không quy định thẩm quyền của Quốc hội quyết định tổng chi ngân sách trung ương của từng bộ, cơ quan trung ương theo lĩnh vực.

Nên quy định trong luật mức chi cho giáo dục, đào tạo, dạy nghề, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo

ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh Lâm Hiển

ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh Lâm Hiển

ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang) đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính, đề nghị nên giữ nguyên nội dung trên như quy định của Luật hiện hành.

Bởi lẽ, việc quy định trong luật mức chi đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là để đảm bảo nguyên tắc Luật thể chế hóa các quy định tại các nghị quyết của Trung ương về các lĩnh vực này.

Thực tế thời gian qua cho thấy, mức chi cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề có những khó khăn, việc theo dõi, phản ánh tách riêng với khoản chi thường xuyên thì được nhưng chi đầu tư cũng có những khó khăn.

"Việc xác định mức chi này còn là kênh cung cấp thông tin đầy đủ để đánh giá quá trình tổ chức thực hiện các cái chủ trương, định hướng của Đảng cũng như trong thực tế quản lý, quản trị. Phải có được thông tin cụ thể thì vấn đề quản lý, điều hành mới đảm bảo hiệu quả.

Trong quá trình xem xét, đánh giá nếu tổ chức tốt được thì chúng ta cũng xem xét là để tiếp tục thực hiện. Còn nếu có những khó khăn, vướng mắc, tồn tại liên quan đến chính sách thì cũng sẽ căn cứ, cơ sở để đề nghị điều chỉnh", đại biểu Lê Minh Nam cho biết.

Quỳnh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tranh-lam-suy-giam-vai-tro-quyet-dinh-ngan-sach-cua-quoc-hoi-10372761.html
Zalo