Loạt Megastory: Để kinh tế tư nhân vươn mình trong kỷ nguyên mới Kỳ 3: Nhận diện các rào cản, thách thức trong phát triển kinh tế tư nhân

Dù được kỳ vọng là động lực quan trọng của nền kinh tế, khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) ở Đồng Nai cũng như cả nước vẫn đang gặp không ít rào cản về vốn, thủ tục, đất đai, liên kết và đổi mới công nghệ.

KTTN hiện chiếm trên 95% tổng số doanh nghiệp (DN) đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp khoảng 51% GDP. Thế nhưng, đa số DN vẫn "loay hoay trong cái vòng nhỏ", với quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thiếu sức bật để phát triển bền vững.

Hiện nay, KTTN khó tiếp cận vốn là một trong những nút thắt lớn nhất. Nhiều DN nhỏ không đủ tài sản đảm bảo, thiếu phương án kinh doanh rõ ràng nên khó vay vốn ngân hàng. Muốn mở rộng sản xuất nhưng vay vốn không được, còn thủ tục về quy hoạch, đất đai, xây dựng thì phức tạp, mất nhiều thời gian thực hiện.

Nhiều doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ mong muốn tiếp cận các chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi để có nguồn vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Hoạt động kiểm đếm tiền mặt tại một chi nhánh ngân hàng thương mại ở thành phố Biên Hòa. Ảnh: Hoàng Hải

Nhiều doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ mong muốn tiếp cận các chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi để có nguồn vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Hoạt động kiểm đếm tiền mặt tại một chi nhánh ngân hàng thương mại ở thành phố Biên Hòa. Ảnh: Hoàng Hải

Ông Hoàng Đình Tĩnh, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hùng Yến (thành phố Biên Hòa) chia sẻ đã đầu tư 2 nhà xưởng sản xuất, tuy nhiên đại dịch Covid-19 khiến suy giảm kinh tế toàn cầu tác động tiêu cực đến sản xuất của công ty. Cụ thể, nhiều đối tác phải thu hẹp sản xuất, điều đó khiến cho nhu cầu về găng tay bảo hộ giảm sút.

Công ty đã phải tạm ngừng hoạt động một xưởng để tập trung vào xưởng còn lại, chăm chút cho sản phẩm và chăm sóc khách hàng, chờ thời cơ phục hồi. Mặt khác, các xưởng sản xuất hiện cũng rất nhỏ, dù muốn được nâng cấp lên song đơn vị vẫn chưa đủ nguồn lực.

Thực tế, không ít DN than phiền về thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo khi làm hồ sơ xin cấp phép đầu tư hay tiếp cận đất đai. Bên cạnh đó, chi phí không chính thức, một vấn đề tưởng chừng đã giảm nhưng vẫn là gánh nặng âm thầm đối với nhiều DN.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, thực tế sự sáng tạo trong kinh doanh đang bị hạn chế. Hệ thống luật pháp được xây dựng trên nguyên tắc quản lý. Hàng ngàn ngành nghề kinh doanh được quy định có điều kiện đã phần nào hạn chế quyền tự do, tính đổi mới sáng tạo trong kinh doanh của doanh nhân, DN.

Bên cạnh đó, doanh nhân, DN còn phải đối mặt với rào cản về thủ tục hành chính, tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai. Áp lực cạnh tranh lại ngày càng lớn, phức tạp, nhất là trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế. Xu thế yêu cầu về phát triển xanh, bền vững cũng gia tăng chi phí gia nhập thị trường lớn, đặc biệt chi phí gia nhập thị trường xuất khẩu ngày càng cao.

Việc các DN không thể tiếp cận đất đai, không huy động được vốn đủ lớn, hoặc không tiếp cận được công nghệ hiện đại là những yếu tố đang làm giảm khả năng cạnh tranh của các DN tư nhân.

Ông Huỳnh Thanh Vạn, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp Quốc gia phía Nam chia sẻ, khi trực tiếp làm việc với các DN cho thấy chính sách hỗ trợ, khuyến khích vẫn còn dàn trải; nhiều chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống, DN khó tiếp cận.

Đặc biệt, đối với các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì cơ chế chính sách chưa rõ ràng khiến họ có thể gặp rủi ro khi triển khai ý tưởng, dự án của mình. Bên cạnh đó, DN Việt Nam hầu hết có quy mô vừa và nhỏ, khó khăn về nguồn lực, họ rất cần được hỗ trợ về tài chính, đất đai để có thể dành nguồn lực cho đổi mới sáng tạo. Nhiều DN khởi nghiệp sáng tạo do không có đủ nguồn vốn nên đã buộc phải dừng lại, rất lãng phí.

Đây chính là hạn chế phổ biến hiện nay của DN nói chung, DN tư nhân nói riêng. Nhiều DN tư nhân hoạt động riêng lẻ, khó tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN nước ngoài hay xuất khẩu. Họ thường bị lép vế về năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất.

Sản xuất giày tại Công ty TNHH giày Tuấn Việt (huyện Nhơn Trạch), doanh nghiệp tư nhân thành công trong sản xuất giày tiêu thụ trong nước, xuất khẩu. Ảnh: Hương Giang

Sản xuất giày tại Công ty TNHH giày Tuấn Việt (huyện Nhơn Trạch), doanh nghiệp tư nhân thành công trong sản xuất giày tiêu thụ trong nước, xuất khẩu. Ảnh: Hương Giang

Ông Nguyễn Tấn Lộc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kết cấu thép GSB (Khu công nghiệp Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu), đánh giá số lượng DN Việt có tên tuổi còn rất hạn chế. Phần nhiều vẫn còn phụ thuộc vào các công ty xây dựng ngoại, nhất là các dự án nhà máy của DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các hiệp hội DN nước ngoài thường có các nhà máy liên kết với nhau để cung ứng dịch vụ cho thành viên của mình, vì vậy, đối với đa số các DN nhỏ, việc tiếp cận rất khó khăn. Bên cạnh đó, các DN trong nước còn cạnh tranh với nhau nên thị phần lại càng khiêm tốn.

Trong khi xu hướng chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, không ít DN Việt vẫn đứng ngoài cuộc. Công nghệ lạc hậu, nhân lực thiếu kỹ năng số, thiếu đầu tư vào nghiên cứu phát triển khiến họ dễ bị bỏ lại phía sau. Việc thực thi chính sách hỗ trợ DN tư nhân thời gian qua đã ban hành, tuy nhiên hiệu quả thực tế vẫn chưa cao.

Doanh nghiệp tư nhân tại Đồng Nai tham quan, tìm hiểu những giải pháp công nghệ tại hội nghị xúc tiến thương mại với các doanh nghiệp Nhật Bản tại Đồng Nai. Ảnh: Vương Thế

Doanh nghiệp tư nhân tại Đồng Nai tham quan, tìm hiểu những giải pháp công nghệ tại hội nghị xúc tiến thương mại với các doanh nghiệp Nhật Bản tại Đồng Nai. Ảnh: Vương Thế

Tính rộng ra, các hợp tác xã (HTX) cũng là một phần của KTTN. Các DN thuộc KTTN (đặc biệt là DN nhỏ và siêu nhỏ) có thể là thành viên của một HTX và sử dụng các dịch vụ của HTX như một công cụ để tăng khả năng cạnh tranh.

Ngược lại, bản thân các HTX cũng có thể thành lập các DN để kinh doanh và nâng cao sức mạnh cho HTX (ví dụ một HTX hoặc liên hiệp HTX có thể thành lập một công ty kiểm toán, hoặc một ngân hàng để hỗ trợ thành viên…). Các HTX cũng có thể ký các hợp đồng liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế khác.

Tuy nhiên, trên thực tế, kinh tế HTX tại Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của nó. Ông Đỗ Phước Dũng, Chủ tịch Liên Minh HTX Đồng Nai đánh giá, đa phần các đơn vị trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, vốn ít, không có tài sản thế chấp vay ngân hàng, công nghệ sản xuất lạc hậu; nội dung hoạt động đơn điệu, chưa thiết thực, khó thu hút và huy động vốn từ thành viên.

Nhiều hợp tác xã, chủ thể OCOP của Đồng Nai mong muốn kết nối tiêu thụ sản phẩm vào các hệ thống bán lẻ hiện đại. Trong ảnh: Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm OCOP tại kệ hàng sản phẩm OCOP ở siêu thị Big C Đồng Nai. Ảnh: Hoàng Hải

Nhiều hợp tác xã, chủ thể OCOP của Đồng Nai mong muốn kết nối tiêu thụ sản phẩm vào các hệ thống bán lẻ hiện đại. Trong ảnh: Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm OCOP tại kệ hàng sản phẩm OCOP ở siêu thị Big C Đồng Nai. Ảnh: Hoàng Hải

Thị trường đầu ra đối với sản phẩm của tổ hợp tác và HTX chưa ổn định. Mối liên kết giữa các HTX với nhau; giữa HTX với các thành phần kinh tế khác còn nhiều hạn chế. Việc xây dựng báo cáo tài chính, phương án sản xuất kinh doanh còn bất cập, hạn chế.

Việt Nam hiện có gần 1 triệu DN nhưng ngoài một số đơn vị đã có vị thế trong nước và bước đầu vươn ra thế giới thì nước ta cũng đang rất thiếu những tập đoàn lớn ở quy mô toàn cầu. Số lượng các DN tỷ USD, tỷ phú USD của Việt Nam mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hiện các DN Việt Nam vẫn ở quy mô nhỏ và vừa khi chiếm từ 95-97%.

Sản xuất sản phẩm cơ khí chính xác tại một doanh nghiệp tư nhân ở thành phố Biên Hòa. Ảnh: Vương Thế

Sản xuất sản phẩm cơ khí chính xác tại một doanh nghiệp tư nhân ở thành phố Biên Hòa. Ảnh: Vương Thế

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhìn chung DN Việt Nam giỏi chống chịu trước các cú sốc, nhưng “chậm lớn” bởi nhiều lý do. Các nguồn lực tăng trưởng cần được tháo gỡ để DN tư nhân tiếp cận được, từ đó giúp các DN có thêm động lực, sức mạnh để phát triển, đặc biệt là vốn tín dụng, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các ngành công nghệ, kỹ thuật và tài chính...

Qua trao đổi với nhiều DN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, họ cho rằng môi trường kinh doanh hiện vẫn thiếu “an toàn” về nhiều mặt, DN chủ yếu mong muốn tiến chậm mà chắc, chưa dám dốc sức kinh doanh, đặc biệt là trong giai đoạn kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động như hiện nay. Thực tế, tình trạng DN, cơ sở kinh doanh “mãi không chịu lớn” và không muốn chính thức hóa hoạt động kinh doanh còn diễn ra trong khu vực KTTN, nhất là số đông DN tư nhân siêu nhỏ, DN nhỏ và vừa…

Các DN, cơ sở sản xuất này thường rơi vào tình trạng thiếu niềm tin ở năng lực của bản thân, dễ bị “tổn thương” trước những biến động của thị trường, môi trường kinh doanh, thiếu nguồn lực để phát triển nên chỉ dám làm cầm chừng, “đủ ăn” mà chưa dám “nghĩ lớn”, thiếu đi chiến lược phát triển dài hạn…

Bên cạnh đó, nhiều DN mong muốn Chính phủ, địa phương sẽ cải thiện môi trường kinh doanh minh bạch, đơn giản hồ sơ, thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thì DN mới yên tâm dồn lực đầu tư phát triển mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Một hộ kinh doanh hàng tiêu dùng tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch. Ảnh: Hoàng Hải

Một hộ kinh doanh hàng tiêu dùng tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch. Ảnh: Hoàng Hải

Một điểm nữa là cả nước có gần 5,18 triệu hộ kinh doanh, cung cấp gần 9 triệu việc làm, chiếm 20% tổng việc làm toàn nền kinh tế. Đây là nguồn lực rất lớn để có thể hình thành nên số lượng đông đảo DN trong tương lai. Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề được đặt ra là làm sao có cơ chế khuyến khích hỗ trợ các hộ kinh doanh "chuyển mình" lên DN để có thể đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển.

Ông Nguyễn Văn Hào, chủ Cơ sở mây tre lá Thanh Bình (huyện Thống Nhất) chia sẻ, cơ sở của ông đi lên từ kinh tế hộ gia đình, ban đầu là sản xuất nhỏ lẻ nhưng dần dần mở rộng được sản xuất nhờ sản phẩm chất lượng được khách hàng tin tưởng đặt hàng nhiều hơn. Tuy nhiên, cơ sở vẫn chưa lên DN vì lo lắng về quản lý, hoạt động, thuế…

Điều mà các cơ sở, hộ kinh doanh tại Đồng Nai mong muốn là chính quyền địa phương có cán bộ phụ trách KTTN am hiểu những quy định pháp luật về sản xuất kinh doanh của nhiều ngành nghề để kịp thời hỗ trợ thông tin chính sách, thị trường, thủ tục hành chính cho các cơ sở, hộ kinh doanh.

\Bởi đa số các chủ cơ sở thiếu kiến thức nền về những quy định pháp luật chuyên ngành nên có những quy định không hiểu được cặn kẽ. Các cơ sở kinh doanh cũng rất mong muốn được phát triển, có điều kiện để lên DN song những yếu tố kể trên đang vô tình kìm hãm họ.

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/media/megastory/202505/loat-megastory-de-kinh-te-tu-nhan-vuon-minh-trong-ky-nguyen-moi-ky-3-nhan-dien-cac-rao-can-thach-thuc-trong-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-c380dc3/
Zalo