Trang trọng và ấm áp tình nghệ sĩ tại lễ tưởng niệm NSND Diệp Lang
Trong những ngày qua sân khấu TP HCM và giới nghệ sĩ sân khấu cải lương đã thương tiếc sự ra đi của NSND Diệp Lang.
Sáng 20-3, Hội Sân khấu TP HCM và Nhà hát Trần Hữu Trang phối hợp tổ chức Lễ tưởng niệm NSND Diệp Lang thật trang trọng và ấm áp tình nghệ sĩ. Tham dự lễ tưởng niệm có ông Lâm Hữu Đức, Trưởng Phòng Văn nghệ Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM; NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP HCM; đông đảo nghệ sĩ sân khấu cải lương, kịch nói, điện ảnh.
NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM đã đọc điếu văn tưởng nhớ công lao to lớn của NSND Diệp Lang đối với sự nghiệp văn học nghệ thuật của TP HCM và cả nước.
NSND Diệp Lang, tên thật Dương Công Thuấn, sinh ngày 4-3-1941, tại làng Bình Tiên, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (nay là Tân Bình, Châu Thành, Đồng Tháp). Cơn đau tim đã lấy đi hơi thở của ông lúc 6 giờ ngày 11-3 (theo giờ địa phương tại San Diego – tiểu bang California - Mỹ), thọ 83 tuổi.
NSND Kim Cương kể rằng từ năm lên 6 tuổi, cha của NSND Diệp Lang là nhạc công của đoàn hát Phước Cương là thân sinh của bà, nên bà có nhiều kỷ niệm khó quên với ông. "Cách đây không lâu khi tôi gọi điện thoại thăm anh, anh đã khóc vì quá xúc động. Anh em chúng tôi nói với nhau nhiều chuyện nghề, chuyện đời, và câu cuối cùng ông nói với tôi là…nhớ sân khấu quá chị ơi!. Tôi biết anh ấy đã sống xa quê nhà, xa sân khấu nên luôn cảm thấy ấm lòng khi có đồng nghiệp thăm hỏi, điều này giúp anh ấy quên đi nỗi nhớ nghề da diết" - NSND Kim Cương chia sẻ.
NSND Lệ Thủy tâm sự, năm 2007, khi Sân khấu Vàng do NSND Minh Vương và bà sáng lập, NSND Diệp Lang đã đạo diễn vở "Tình mẫu tử" của soạn giả NSND Viễn Châu, mang về doanh thu cao cho sân khấu này, góp phần rất lớn trong mục đích xây dựng nhà tình thương trao tặng đồng bào nghèo qua mỗi suất diễn tại rạp Hưng Đạo.
Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ tưởng niệm, các nghệ sĩ đã không dùng những lời hoa mỹ để vinh danh những thành tựu NSND Diệp Lang đã tạo dựng trong sự nghiệp, mà với họ ông là một người thầy, người thân đã luôn gần gũi, đóng góp ý kiến và có những đóng góp thiết thực cho công tác Hội Sân khấu TP HCM.
"Về nghệ thuật diễn xuất, ông không diễn mà luôn sống với nhân vật, góp phần viết nên trang sử thật đẹp cho nghệ thuật cải lương theo trường phái diễn chân thật. Chính vì thế khi trúng cử vào Ban chấp hành hội, ông là điểm tựa vững vàng để hội tổ chức những đợt tuyển chọn tài năng trẻ, đầu tư nguồn nhân lực mới qua các cuộc thi mà nổi bật là Giải thưởng HCV Trần Hữu Trang từ năm 1991, tiền thân của Cuộc thi Tài năng diễn viên Sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang đã được Sở VH - TT TP HCM, Hội Sân khấu TP HCM đề xuất nâng cấp thành cuộc thi mang tầm quốc gia mà đến nay đã trải qua hai lần tổ chức" - NSƯT Ca Lê Hồng chia sẻ.
NSND Thanh Vy cho rằng công lao phát hiện tài năng của ông rất lớn, không chỉ dừng lại ở việc góp ý chân thành, chỉ ra những khuyết điểm, giúp người nghệ sĩ hoàn thiện mình hơn trong mỗi vai diễn, ông còn là một đạo diễn có cái nhìn quán xuyến, biết khai thác triệt để thế mạnh của nghệ sĩ trẻ, để những nhân tố được ông phát hiện từ các sân khấu: Sài Gòn 2, Văn Công TP, Trần Hữu Trang, 284, Sân khấu Vàng… đều tỏa sáng và được công chúng mến mộ.
NSND Trọng Hữu nhớ lại: "NSND Diệp Lang có công trong việc hun đúc tinh thần sáng tạo, yểm trợ các nghệ sĩ trẻ mạnh dạn thể hiện những vai diễn mang yếu tố tìm tòi cái mới, phát huy sáng tạo trong các đợt Hội Sân khấu TP HCM tổ chức Giải thưởng HCV Trần Hữu Trang. Nhờ có ông mà nhiều nghệ sĩ trẻ biết quý trọng vai phụ, những vai tính cách như độc, lẵng mà ông đã tạc vào tâm trí khán giả, đến nay khó có người thay thế".
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn nhớ lại, không chỉ diễn cải lương, NSND Diệp Lang còn tham gia diễn kịch, tạo dấu ấn đậm nét qua các vở: "Trái tim trong trắng" (Sân khấu IDECAF), "Rồi 30 năm sau", "Trò đời" (Sân khấu kịch Phú Nhuận), "Tiếng chim vườn Ngọc Lan" (Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP HCM).
Với tất cả nghệ sĩ đến tham dự lễ tưởng niệm đều cho rằng NSND Diệp Lang ra đi, sân khấu cải lương đã mất đi một người nghệ sĩ tài hoa, tận tụy với nghề, hết lòng truyền đạt kinh nghiệm cho thế hệ đạo diễn, diễn viên cải lương và là nỗi đau không gì bù đắp của gia đình.