Trang bị kỹ năng ứng xử và văn hóa trường học trong kỷ nguyên số

Xây dựng văn hóa trường học trong kỷ nguyên số đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó có sự thay đổi tư duy từ người lãnh đạo đến các giáo viên, nhân viên.

TS Lý Thị Huệ có nhiều năm kinh nghiệm về đào tạo kỹ năng giao tiếp trong các nhà trường.

TS Lý Thị Huệ có nhiều năm kinh nghiệm về đào tạo kỹ năng giao tiếp trong các nhà trường.

Trong bối cảnh giáo dục chuyển mình mạnh mẽ theo nhịp đập thời đại, xây dựng văn hóa trường học văn minh, nhân văn và nhất quán không chỉ là một yêu cầu mang tính nội tại, mà còn là một yếu tố sống còn để các nhà trường khẳng định bản sắc, chất lượng và vị thế trong xã hội.

Ngày 25/7, tại Trường THCS và THPT Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), hơn 500 cán bộ, giáo viên, nhân viên đã tham gia buổi tập huấn chuyên đề: “Trang bị kỹ năng ứng xử và văn hóa trường học trong kỷ nguyên số” – một hoạt động nằm trong chuỗi tập huấn hè 2025 hướng tới chủ đề năm học mới: " Sắc màu chuyển động - Chạm để đổi thay”.

Diễn giả của chương trình, TS Lý Thị Huệ – chuyên gia đào tạo kỹ năng giao tiếp đến từ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã mang đến một góc nhìn sâu sắc và thực tiễn về văn hóa ứng xử trong nhà trường hiện đại.

Bộ quy tắc ứng xử văn minh: Từ tư duy đến hành động

 TS Lý Thị Huệ trao đổi những ý kiến tâm huyết tại buổi chuyên đề.

TS Lý Thị Huệ trao đổi những ý kiến tâm huyết tại buổi chuyên đề.

TS Lý Thị Huệ mở đầu bằng lời khẳng định: “Văn hóa ứng xử là bản sắc và cũng là nhịp đập sống còn của một ngôi trường”. Văn hóa này không chỉ thể hiện qua lời nói, hành vi mà còn bộc lộ rõ qua cử chỉ, thái độ, trang phục và cách mỗi cá nhân phản ứng trong các tình huống giao tiếp hàng ngày.

Vị diễn giả nhấn mạnh, nhà trường cần xây dựng một bộ quy tắc ứng xử văn minh, nhất quán và đồng bộ giữa các lực lượng trong trường học, từ Ban giám hiệu, giáo viên, nhân viên văn phòng, cán bộ bán trú, bảo vệ, lao công, nhân viên thiết bị cho đến học sinh và phụ huynh.

Tất cả phải cùng nhau thực hành 5 giá trị cốt lõi: Yêu thương – Tôn trọng – Trách nhiệm – Sáng tạo – Hợp tác, không chỉ trong công việc mà cả trong giao tiếp và đời sống. Trong đó, cách thức ứng xử giữa các cấp bậc, từ lãnh đạo với giáo viên, giáo viên với học sinh, học sinh với nhân viên cần được nhìn nhận như một hệ sinh thái hài hòa, nơi mỗi cá nhân đều ý thức được vị trí, vai trò và sứ mệnh của mình.

 Buổi trao đổi thu hút hơn 500 học viên tham dự.

Buổi trao đổi thu hút hơn 500 học viên tham dự.

“Tôn trọng cấp trên là bổn phận, khiêm nhường với đồng nghiệp là ôn hòa, bao dung với cấp dưới là cao thượng”, TS Lý Thị Huệ nhắc lại tư tưởng kinh điển của triết gia Aristoteles, như một lời gợi mở về cách thức xây dựng văn hóa tổ chức trên nền tảng đạo đức và nhân văn.

Chuyển đổi tư duy: Sẵn sàng hành động trong kỷ nguyên mới Không chỉ dừng ở lời kêu gọi, chuyên đề tập huấn còn đưa ra thông điệp mạnh mẽ về sự chuyển đổi tư duy trong giáo dục. Mỗi thành viên cần chủ động đặt câu hỏi: Tôi là ai? Tôi đang đóng góp gì cho cộng đồng học đường?

Các thầy cô trả lời câu hỏi của diễn giả tại chương trình.

Theo TS Lý Thị Huệ, giao tiếp không có đúng hay sai tuyệt đối, mà là phù hợp hay không phù hợp với bối cảnh và mục tiêu. Trong giáo dục, mọi hành vi giao tiếp cần được định hướng bởi lòng thấu cảm, sự chân thành và tinh thần trách nhiệm cao.

"Việc cập nhật xu thế công nghệ, am hiểu tâm lý lứa tuổi và đổi mới phương pháp tiếp cận học sinh cũng là một phần không thể thiếu của văn hóa trường học trong thời đại số. Văn hóa là hành động, không phải là khẩu hiệu dán trên tường”, vị diễn giả nhấn mạnh.

Lan tỏa giá trị tích cực, xóa bỏ tiêu cực

 Các thầy cô hào hứng đón nhận những thông tin chia sẻ hữu ích từ vị diễn giả.

Các thầy cô hào hứng đón nhận những thông tin chia sẻ hữu ích từ vị diễn giả.

Một điểm nhấn đặc biệt của buổi tập huấn là thảo luận về cách thức kết nối và lan tỏa giá trị nhân văn trong cộng đồng trường học.

TS Lý Thị Huệ đề cao vai trò của giáo viên trong việc tạo lập các “vùng năng lượng tích cực”, khơi nguồn cảm hứng học tập và sống đẹp cho học sinh. Đồng thời, phê phán tư duy bè nhóm, đố kỵ, tiêu cực vốn âm thầm làm suy giảm chất lượng môi trường sư phạm.

 Trên tay mỗi người đều có một trái tim mang theo thông điệp về tình đoàn kết, tình yêu thương.

Trên tay mỗi người đều có một trái tim mang theo thông điệp về tình đoàn kết, tình yêu thương.

Từ người thầy đến cán bộ nhân viên, từ bác bảo vệ đến cô lao công – mỗi hành động tử tế, mỗi lời chào buổi sáng, mỗi cái dắt xe giúp phụ huynh… đều là những biểu hiện nhỏ nhưng giàu sức mạnh của văn hóa ứng xử mang bản sắc Đoàn Thị Điểm.

Phát biểu tại chương trình, thầy Đặng Văn Tiến – Hiệu trưởng cấp THCS Trường Đoàn Thị Điểm khẳng định: “Chúng tôi lấy chính nội lực và văn hóa tổ chức làm nền tảng để truyền thông với phụ huynh, học sinh và cộng đồng. Khi văn hóa đã trở thành ‘phản xạ tự nhiên’ của mỗi thành viên thì thương hiệu nhà trường sẽ được xây chắc bằng niềm tin chứ không cần tô vẽ”.

 Các đại biểu cùng chụp ảnh lưu niệm cuối chương trình.

Các đại biểu cùng chụp ảnh lưu niệm cuối chương trình.

TS Nguyễn Thị Ninh - Hiệu trưởng cấp THPT Trường Đoàn Thị Điểm cho biết, giá trị bền vững của nhà trường bắt nguồn từ thông điệp của thầy Chủ tịch Hội đồng trường PGS.TS NGƯT Đặng Quốc Thống: "Hãy làm tất cả những gì tốt đẹp nhất cho con trẻ. Làm thực tâm để cha mẹ học sinh cảm nhận, để các con được sống trong một ngôi trường hạnh phúc và nhân văn. Đó là giá trị của mọi thời đại".

Khôi Nguyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trang-bi-ky-nang-ung-xu-va-van-hoa-truong-hoc-trong-ky-nguyen-so-post741481.html
Zalo