NXBGDVN tiến hành rà soát, điều chỉnh nội dung sách giáo khoa bám sát thực tiễn
NXB Giáo dục Việt Nam rà soát, chỉnh sửa SGK theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, bảo đảm sát thực tế và phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Nhằm bảo đảm phù hợp thực tiễn và yêu cầu phát triển, ngày 14/6/2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo rà soát, điều chỉnh một số nội dung Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Việc điều chỉnh diễn ra trong bối cảnh cả nước sắp xếp lại đơn vị hành chính theo Nghị quyết 202/2025/QH15, ảnh hưởng trực tiếp đến các môn: Lịch sử và Địa lí (lớp 4, 5, 9), Địa lí (lớp 12), Lịch sử và Giáo dục kinh tế & pháp luật (lớp 10).
Nội dung cập nhật gồm yêu cầu cần đạt, địa danh, số liệu, bản đồ, thông tin kinh tế - xã hội, hạn chế tối đa thay đổi sách giáo khoa và tăng hướng dẫn để giáo viên chủ động thực hiện.
Liên quan đến việc chỉnh sửa sách giáo khoa sau khi sắp xếp địa giới hành chính và áp dụng mô hình chính quyền hai cấp, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tùng - Thành viên Hội đồng thành viên, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tổ chức bản thảo và các Ban biên tập rà soát, thống kê nội dung về yêu cầu cần đạt, kiến thức, số liệu, địa danh, bản đồ, biểu đồ, thông tin kinh tế xã hội, liên quan đến thay đổi địa giới hành chính và chính quyền hai cấp, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến chỉ đạo để điều chỉnh.

Ông Nguyễn Văn Tùng - Thành viên Hội đồng thành viên, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: NXBGDVN cung cấp
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành nội dung chỉnh sửa, cập nhật trong chương trình một số môn học như đã thông báo ngày 14/6/2025, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ tiến hành biên sửa sách giáo khoa, trình Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định thông qua theo đúng quy trình.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo, điều chỉnh tập trung cập nhật yêu cầu cần đạt, địa danh, số liệu, bản đồ và thông tin kinh tế - xã hội, hạn chế thay đổi sách giáo khoa, tăng hướng dẫn để giáo viên chủ động thực hiện chương trình phù hợp thực tế.
Về điều này, ông Tùng cho biết thêm: "Việc sửa sách giáo khoa được thực hiện trên nguyên tắc bám sát yêu cầu cần đạt, cập nhật đầy đủ kiến thức, số liệu, địa danh, bản đồ, biểu đồ và thông tin kinh tế - xã hội, đồng thời hạn chế tối đa thay đổi nội dung gốc. Phương pháp và nội dung giảng dạy tiếp tục được cải tiến theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Nhà xuất bản đã tổ chức biên soạn sách giáo khoa trong nước sao cho tiệm cận chất lượng sách các nước trên thế giới. Chúng tôi tập trung vào tiêu chí chuẩn mực khoa học và hiện đại".
Trong thời gian chờ đợi sách giáo khoa được điều chỉnh, cập nhật theo địa giới hành chính và chính quyền hai cấp, theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên và học sinh sẽ tiếp tục sử dụng sách giáo khoa hiện hành, đồng thời có trách nhiệm chủ động lựa chọn, điều chỉnh ngữ liệu, bài học, chủ đề giảng dạy phù hợp với thực tiễn địa phương và mô hình chính quyền hai cấp. Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, nhà trường triển khai thực hiện bảo đảm liên tục, không gián đoạn và phù hợp với thực tế.
Ở góc độ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, ông Tùng cũng cho biết sẽ tích cực hỗ trợ nhà trường và giáo viên sử dụng sách giáo khoa hiện hành theo đúng chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiện sách giáo khoa phục vụ cho năm học 2025 - 2026 đang tiếp tục được in và nhập kho để cung cấp cho các nhà trường. Dự kiến trong tháng 7 này, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu sách giáo khoa cho học sinh và giáo viên trong năm học mới.