Cô gái Hưng Yên đạt học bổng thạc sĩ ở Pháp và mong muốn 'viết' tiếp ước mơ của mẹ
Ước mơ du học từ khi học trung học phổ thông, Trúc Quỳnh đã lên kế hoạch học tập và thành công chinh phục học bổng thạc sĩ IDEX Excellence năm 2025.
Bùi Thị Trúc Quỳnh (sinh năm 2003, tại tỉnh Hưng Yên) tốt nghiệp cử nhân loại Giỏi ngành Sư phạm Sinh học (chương trình Sư phạm Sinh học dạy bằng Tiếng Anh), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2025.
Cuối tháng 6/2025, Quỳnh xuất sắc chinh phục thành công học bổng toàn phần bậc thạc sĩ IDEX Excellence của Đại học Paris-Saclay (Pháp). Học bổng bao gồm hỗ trợ về học phí và chi phí sinh hoạt trị giá 10.000 euro/năm học (khoảng 300 triệu đồng); 800 euro vé máy bay/năm học (khoảng 24 triệu đồng).
Quỳnh sử dụng học bổng này để nhập học tại Trường AgroParisTech, trực thuộc Đại học Paris-Saclay. Tháng 9 tới, Trúc Quỳnh sẽ tới Pháp theo học chương trình thạc sĩ ngành Di truyền và Sinh lý học động vật tích hợp Tin sinh học (Predictive and Integrative Animal Biology).
Được “truyền lửa” đam mê từ mẹ và hành trình chinh phục học bổng du học Pháp
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Trúc Quỳnh bày tỏ: “Từ khi bắt đầu tiếp xúc với môn Sinh học, em luôn tò mò về cơ chế vận hành của sự sống: điều gì điều khiển cơ thể con người, vì sao một thay đổi nhỏ trong vật chất di truyền có thể dẫn đến những biến đổi lớn về sức khỏe hay môi trường... Niềm đam mê ấy được khơi nguồn từ mẹ em - một giáo viên dạy Sinh học, người từng ấp ủ giấc mơ du học nhưng phải gác lại vì hoàn cảnh gia đình.
Lớn lên trong những câu chuyện mẹ kể về các phương pháp sinh học hiện đại, những mô hình giáo dục tiên tiến mà mẹ khao khát được tiếp cận, em dần hiểu rằng mình không chỉ học cho bản thân, mà còn học để tiếp nối giấc mơ còn dang dở của mẹ.
Từ những năm đầu trung học phổ thông, khi lần đầu tiếp xúc với các tài liệu khoa học quốc tế về di truyền học, em nhận ra mình còn quá nhiều điều chưa biết và khao khát được khám phá. Đến khi bước vào đại học, đặc biệt trong quá trình tham gia các dự án nghiên cứu khoa học, em càng xác định rõ ràng: di truyền học, sinh lý học và công nghệ phân tích hệ gen chính là chìa khóa để giải mã những câu hỏi lớn của khoa học sự sống.
Tuy nhiên, đây vẫn là lĩnh vực còn mới ở Việt Nam và thiếu hụt về nhân lực, cơ sở nghiên cứu. Em mong muốn được tiếp cận các chương trình đào tạo bài bản, chuyên sâu ở nước ngoài, không chỉ để hiện thực hóa ước mơ thuở nhỏ, tiếp nối con đường của mẹ, mà còn để góp phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển của khoa học nước nhà”.

Bùi Thị Trúc Quỳnh tốt nghiệp cử nhân loại Giỏi ngành Sư phạm Sinh học (chương trình Sư phạm Sinh học dạy bằng tiếng Anh), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2025. Ảnh: NVCC
Chia sẻ về hành trình chinh phục học bổng, Trúc Quỳnh cho hay, em chỉ ứng tuyển học bổng du học 1 lần duy nhất và may mắn đã thành công. Để có cơ hội nhận học bổng IDEX Excellence của Đại học Paris-Saclay, trước tiên ứng viên phải trúng tuyển vào chương trình thạc sĩ đã đăng ký. Hồ sơ của ứng viên cần thể hiện rõ niềm đam mê, động lực học tập và định hướng nghiên cứu phù hợp với ngành, đồng thời đáp ứng các tiêu chí đầu vào như chuyên ngành phù hợp, học lực tốt, kỹ năng học thuật và trình độ ngoại ngữ (thường yêu cầu trình độ tiếng Anh từ B2 trở lên).
Sau vòng xét hồ sơ, một số chương trình có thể yêu cầu phỏng vấn trực tiếp. Chỉ những ứng viên có hồ sơ thực sự nổi bật (thường nằm trong top đầu của kỳ tuyển sinh) mới được giảng viên chủ nhiệm chương trình tiến cử để nhà trường xét học bổng IDEX Excellence. Khi đó, ứng viên cần nộp thêm một bộ hồ sơ riêng dành cho học bổng, gồm thư động lực (motivation letter) và thư giới thiệu mới, hoàn toàn độc lập với bộ hồ sơ xét tuyển ban đầu.
Cô gái Hưng Yên cho biết, em chọn ngành Predictive and Integrative Animal Biology bởi chương trình không chỉ cung cấp nền tảng toàn diện về di truyền định lượng, di truyền biểu sinh, di truyền quần thể và metagenomics, mà còn tích hợp các kiến thức về tin sinh học và những công cụ phân tích hiện đại.
Theo Trúc Quỳnh, ban đầu em rất lo lắng vì chương trình thạc sĩ có yêu cầu cao, đòi hỏi ứng viên phải có nền tảng nghiên cứu phù hợp và gắn bó chặt chẽ với định hướng đào tạo. Trong khi đó, các đề tài nghiên cứu trong quá trình học đại học của Quỳnh lại chưa hoàn toàn tương thích với yêu cầu chuyên sâu của chương trình. Dẫu vậy nữ sinh không từ bỏ mà dành nhiều thời gian để phân tích, xâu chuỗi và làm nổi bật những điểm giao thoa giữa các đề tài nghiên cứu của mình với nội dung chương trình thạc sĩ.
Trong bài luận và buổi phỏng vấn học bổng, Quỳnh cố gắng trình bày một cách chân thành, mạch lạc và có chiều sâu về mối liên hệ giữa hai đề tài nghiên cứu mà em thực hiện ở trường đại học, đó là: nghiên cứu hoạt tính chống oxy hóa và khả năng ức chế enzyme của pneumatophore cây bần chua, hướng tới điều trị Alzheimer và nghiên cứu về cơ chế ức chế cảm nhiễm. Cả hai đều thể hiện rõ niềm đam mê của em với sinh học ứng dụng, tư duy liên ngành kết hợp giữa sinh học phân tử, di truyền học và hóa sinh.
“Khó khăn lớn nhất với em trong hành trình chinh phục học bổng là giai đoạn đầu khi bắt đầu tìm hiểu thông tin. Giữa một "rừng" tài liệu trên mạng, mỗi nơi một kiểu, em rơi vào trạng thái khủng hoảng vì không biết nên bắt đầu từ đâu.
Không có người hướng dẫn hay trung tâm tư vấn nào hỗ trợ, em phải tự mày mò cách viết thư động lực, chọn chương trình phù hợp và chuẩn bị hồ sơ theo yêu cầu của trường. Sau đó, em may mắn gặp được một người anh từng du học tại Pháp tận tình chỉ dẫn, giúp em định hình lại kế hoạch và từng bước hoàn thiện hồ sơ xin học bổng.
Giai đoạn chuẩn bị nộp hồ sơ là lúc em bận rộn nhất. Trong vòng một tháng, em cùng lúc phải hoàn thành khóa luận tốt nghiệp đại học, thực tập giảng dạy tại trường trung học phổ thông theo chương trình đào tạo sư phạm của trường đại học, ôn và thi IELTS, đồng thời hoàn thiện toàn bộ hồ sơ xin học bổng.
Có những ngày em như chạy “marathon” giữa các nhiệm vụ: sáng thi IELTS, chiều lại lên lớp giảng dạy, tối ôn bài và chuẩn bị bài giảng cho ngày hôm sau. Ba công việc, ba địa điểm khác nhau khiến việc di chuyển, giữ sức khỏe và đảm bảo đúng lịch trình trở thành thử thách không nhỏ với em”, cựu sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tâm sự.

Trúc Quỳnh và mẹ trong buổi trao học bổng Odon Vallet dành cho sinh viên xuất sắc ngành Sinh học và Khoa học Trái đất năm 2024. Ảnh: NVCC
Sau thời gian nỗ lực không ngừng, tháng 6/2025, Trúc Quỳnh nhận được thông báo trúng học bổng IDEX Excellence. “Khi nhận được thông báo trúng học bổng từ Đại học Paris-Saclay, cảm xúc đầu tiên của em là vỡ òa hạnh phúc, bởi những nỗ lực bền bỉ suốt thời gian dài chinh phục học bổng đã được ghi nhận.
Nhưng hơn cả niềm vui cá nhân, em cảm thấy vô cùng biết ơn gia đình và bạn bè đã luôn đồng hành, động viên và chia sẻ với em trong những giai đoạn khó khăn nhất. Và đặc biệt, em biết ơn các thầy cô Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã luôn tận tâm hỗ trợ, định hướng và tạo điều kiện cho em trong suốt hành trình chinh phục học bổng”, Quỳnh bộc bạch.
Chuỗi thành tích ấn tượng củng cố hồ sơ du học
Sau quá trình chuẩn bị và thành công chinh phục học bổng thạc sĩ, Trúc Quỳnh rút ra những kinh nghiệm quý giá cho bản thân cũng như dành lời khuyên cho những người có ước mơ du học. Quỳnh chia sẻ: “Với em, chìa khóa để chinh phục học bổng thành công không nằm ở sự hoàn hảo, mà ở sự chủ động và nhất quán.
Ứng viên không nhất thiết phải là người giỏi nhất hay có hồ sơ "đẹp" nhất để chinh phục học bổng, quan trọng hơn là chứng minh được rằng mình là người phù hợp nhất. Để làm được điều đó, trước tiên ứng viên phải hiểu rõ ngành học yêu cầu những phẩm chất gì và học bổng đang tìm kiếm điều gì ở ứng viên. Từ đó, các bạn có thể làm nổi bật những điểm mạnh phù hợp trong bài luận và toàn bộ hồ sơ. Ứng viên phải thể hiện dấu ấn của bản thân để hội đồng tuyển sinh dù chưa từng gặp mặt, nhưng có thể hiểu bạn qua từng câu chữ.
Đặc biệt, bài luận là “tấm gương” phản chiếu con người ứng viên. Em luôn tâm niệm: chân thành trong hồ sơ là tốt nhất. Nếu thực sự yêu thích ngành học, có đam mê với nó, thì những gì ứng viên viết ra sẽ tự nhiên thể hiện được con người thật của mình.
Em ý thức rằng, muốn đạt được một mục tiêu nào đó, chúng ta không thể “nước đến chân mới nhảy”, nên ngay từ năm hai đại học, em đã bắt đầu định hướng nghiên cứu rõ ràng, trau dồi kỹ năng học thuật, nâng cao ngoại ngữ và chuẩn bị hồ sơ từng bước một cách nghiêm túc”.
Ngay từ khi còn học trung học phổ thông, nữ sinh đã giành giải Ba kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học năm 2021.
Trong quá trình học đại học, mỗi học kỳ, Quỳnh đều nhận học bổng khuyến khích học tập dành cho sinh viên có thành tích học tập và rèn luyện xuất sắc tại trường; em đạt giải Ba kỳ thi Olympic Sinh học Sinh viên Việt Nam do Hội các ngành Sinh học Việt Nam (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) phối hợp với các trường đại học tổ chức lần thứ II năm 2022. Với những sáng tạo trong dạy học, Quỳnh còn nhận được bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo về xây dựng thiết bị dạy học số năm 2022.
Nữ sinh cũng đạt giải Nhất cuộc thi Sinh học quốc tế “World of Biological Sciences” năm 2024 do tổ chức giáo dục trực tuyến quốc tế Eureka tổ chức; đạt giải Ba cuộc thi Nghiên cứu khoa học sinh viên Khoa sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2024; đạt học bổng Odon Vallet dành cho sinh viên xuất sắc ngành Sinh học và Khoa học Trái đất năm 2024 được tài trợ bởi Tổ chức Khoa học và Giáo dục Gặp gỡ Việt Nam (Rencontres du Vietnam) cùng ông Odon Vallet - Tiến sĩ khoa học ngành Luật học Pháp, Giáo sư Lịch sử tôn giáo của Đại học Sorbonne, Pháp; em cũng được chọn là 1 trong 20 sinh viên nhận học bổng toàn phần khóa học nghiên cứu hè tại Trường Đại học VinUni năm 2024, với chủ đề về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực sức khỏe; chứng chỉ IELTS 7.0.

Trúc Quỳnh nhận chứng nhận học bổng toàn phần khóa học nghiên cứu hè của Trường Đại học VinUni năm 2024. Ảnh: NVCC
Bên cạnh đó, Trúc Quỳnh cũng tích cực tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học. Từ hè năm 2022 đến năm 2025, em thực hiện đề tài nghiên cứu về hoạt tính chống oxy hóa và khả năng ức chế enzyme của pneumatophore cây bần chua (Sonneratia caseolaris), hướng đến ứng dụng điều trị bệnh Alzheimer. Sau khi hoàn thành, đề tài đã được bảo vệ thành công trước Hội đồng Khoa học Bộ môn Di truyền - Hóa sinh, Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với số điểm 9.8/10.
Quỳnh còn đồng tham gia xây dựng đề tài tích hợp liên môn nhằm thiết kế hệ thống bài tập Khoa học Tự nhiên theo định hướng PISA cho học sinh lớp 9. Đề tài được thực hiện từ tháng 5/2023 đến tháng 6/2024 và đạt giải Ba tại Hội nghị Nghiên cứu Khoa học của Khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Trúc Quỳnh cũng là đồng tác giả cuốn sách “Đột phá tư duy Sinh học”, do Công ty cổ phần Tập đoàn giáo dục và đào tạo Winedu phát hành và Nhà xuất bản Dân Trí xuất bản năm 2024.
Ngoài ra, Quỳnh đã nghiên cứu, hoàn thiện bài báo khoa học liên quan đến cơ chế ức chế cảm nhiễm và gửi cho Tạp chí Sinh học (Academia Journal of Biology) của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đợi phản biện.
“Hoạt động nghiên cứu khoa học không chỉ giúp em rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian, mà còn thể hiện tư duy khoa học, tinh thần cống hiến và đặc biệt là mong muốn cống hiến công sức và tri thức cho đất nước”, cô gái Hưng Yên chia sẻ.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, Trúc Quỳnh cho biết sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Pháp, nữ sinh sẽ tiếp tục theo học chương trình tiến sĩ nhằm đào sâu kiến thức chuyên môn và tích lũy thêm kinh nghiệm nghiên cứu. Sau đó, Quỳnh sẽ trở về Việt Nam đóng góp cho sự phát triển của lĩnh vực khoa học sự sống và công tác đào tạo thế hệ trẻ của nước nhà.