Trang bị kỹ năng thương mại điện tử cho người khiếm thị: Giúp tự tin hòa nhập cộng đồng

Trang bị kỹ năng thương mại điện tử, giúp người khiếm thị có thêm thu nhập, tự tin hòa nhập cộng đồng là một trong các giải pháp được Hội Người mù thành phố Hà Nội chú trọng phối hợp các đơn vị triển khai với nhiều hiệu ứng tích cực.

Học viên khiếm thị chăm chú thực hành kỹ năng thương mại điện tử. Ảnh: Thu Minh

Học viên khiếm thị chăm chú thực hành kỹ năng thương mại điện tử. Ảnh: Thu Minh

Khóa học đặc biệt

Một khóa học đặc biệt dành cho người khiếm thị đang được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Hội Người mù thành phố Hà Nội phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hòa nhập (RCI) tổ chức tại trụ sở Hội Người mù thành phố Hà Nội (số 56 phố Tô Hiệu, quận Hà Đông). Khóa học khởi động ngày 28-11, triển khai trong 18 ngày (36 buổi), dưới sự hướng dẫn của giảng viên Đoàn Văn Mạnh - một “KOL Seller”, chuyên gia đào tạo giàu kinh nghiệm của Shopee.

Theo Phó Chủ tịch Hội Người mù thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Việt, khóa học có nhiều yếu tố lần đầu tiên được triển khai. Thứ nhất, học viên là người khiếm thị “nhìn mờ”, trước khi tham gia khóa học được tham gia một khóa tập huấn, đào tạo sử dụng máy vi tính, tin học văn phòng do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Hội Người mù thành phố Hà Nội đào tạo. Thứ hai, học viên được phỏng vấn, tuyển chọn từ nhiều ứng viên để đánh giá, lựa chọn những người có năng lực phù hợp với nghề thương mại điện tử. Thứ ba, học viên không những được hướng dẫn bởi chuyên gia giỏi nhiều năm kinh nghiệm, không mất phí tham gia, mà còn được nhận kinh phí hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hòa nhập (RCI) nếu tham gia đầy đủ và hoàn thành tốt khóa đào tạo.

Đặc biệt, thầy giáo Đoàn Văn Mạnh, người hướng dẫn, đào tạo nghề thương mại điện tử cho học viên, đã quyết định dành toàn bộ kinh phí giảng dạy, góp kinh phí hỗ trợ học viên mua điện thoại thông minh hoặc máy vi tính sau khi kết thúc khóa đào tạo để thuận tiện thực hành nghề. Tất cả nhằm động viên, khích lệ học viên là người khiếm thị nhìn mờ có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt nỗ lực học tập, trở thành những hạt nhân ưu tú để tiếp tục lan tỏa, hướng dẫn cho nhiều người khiếm thị nắm bắt kỹ năng, dễ dàng tìm kiếm việc làm thêm phù hợp dạng tật, thuận tiện làm việc ngay tại gia đình.

Khóa đào tạo thương mại điện tử dành cho thanh niên khiếm thị này nằm trong khuôn khổ dự án “Dạy nghề và Cải thiện môi trường làm việc hòa nhập cho thanh thiếu niên khuyết tật (TVET)" được tài trợ bởi Quỹ Liliane Fonds (Hà Lan). Quản lý dự án Lê Thị Hà cho biết, đây là lớp dạy nghề thứ hai Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hòa nhập phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Hội Người mù thành phố Hà Nội tổ chức. Thông điệp đưa đến các học viên khiếm thị đó là nếu bạn được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp và thực sự nỗ lực, bạn sẽ có kỹ năng giúp bản thân sống độc lập, mở ra nhiều cơ hội mới trong cuộc sống, tự tin hòa nhập xã hội.

Tận dụng cơ hội, phát triển bản thân

Có thể cảm nhận rõ niềm vui, hạnh phúc của các học viên khiếm thị khi nhận được sự quan tâm từ thầy cô, cộng đồng trong việc hỗ trợ đào tạo nghề. Nguyễn Thị Tú Anh, sinh năm 1999, hiện đang sinh hoạt tại Hội Người mù quận Thanh Xuân chia sẻ: “Năm 2023, tôi đã được tham gia khóa đào tạo bán hàng trực tuyến (online) kéo dài 2 tháng do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hòa nhập phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Hội Người mù thành phố Hà Nội tổ chức. Khóa học đã giúp tôi được trang bị kiến thức về trí tuệ nhân tạo (AI), nắm bắt cách xây dựng video, học về cách bán hàng online trên TikTok và các sàn thương mại điện tử khác. Sau khóa học, từ chỗ không có việc làm ổn định, tôi đã có thể bán hàng online với thu nhập ổn định 3-5 triệu đồng/tháng. Hiện tôi chỉ mất trung bình từ 30 đến 60 phút để hoàn thành một video hoàn chỉnh với hàng nghìn lượt người thích, để review, giới thiệu kinh nghiệm sử dụng các sản phẩm, phục vụ việc bán hàng online”.

Còn Tạ Thị Thanh, sinh năm 1999, hiện đang làm nghề tẩm quất tại huyện Quốc Oai bày tỏ: “Tôi quê ở tỉnh Thái Nguyên, xuống Hà Nội làm việc, lập gia đình năm 2021, có con gần 2 tuổi. Được tham gia khóa đào tạo thương mại điện tử là cơ hội tuyệt vời để tôi trải nghiệm, học hỏi nghề mới, có thêm thu nhập”.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Hội người mù thành phố Hà Nội Nguyễn Trung Thái chia sẻ, để tìm kiếm cơ hội việc làm vừa có thu nhập cao, vừa phù hợp với dạng tật là công việc không hề đơn giản, bởi sự cạnh tranh rất lớn trên thị trường lao động. Vì vậy, cùng với 3 nghề chính được UBND thành phố Hà Nội cấp phép cho trung tâm đào tạo là nghề tẩm quất, nghề tin học văn phòng và nghề công tác xã hội, việc liên kết với các tổ chức liên quan để trang bị cho học viên các kỹ năng cơ bản về thương mại điện tử sẽ giúp người khiếm thị nhìn mờ có thể tự triển khai bán hàng trực tuyến, cải thiện thu nhập.

Theo chuyên gia Đoàn Văn Mạnh, với kinh nghiệm từng đào tạo nghề thương mại điện tử cho hơn 100 học viên là người khuyết tật, thực tế cho thấy, đây là nghề phù hợp để người khuyết tật nói chung, người khiếm thị nhìn mờ nói riêng dễ dàng có thêm thu nhập, tự tin hòa nhập cộng đồng.

Mai Hoa

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/trang-bi-ky-nang-thuong-mai-dien-tu-cho-nguoi-khiem-thi-giup-tu-tin-hoa-nhap-cong-dong-686173.html
Zalo