Tuyển sinh Đại học năm 2025: Lưu ý về kỳ thi riêng
Trong dự thảo quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) dự kiến yêu cầu các trường tổ chức kỳ thi riêng như đánh giá năng lực, tư duy phải nộp dữ liệu điểm để phục vụ việc xét tuyển chung. Về đề thi, dự thảo quy chế nhấn mạnh các trường phải điều chỉnh đề thi để bám sát chương trình học, không đánh giá ngoài nội dung được học.
Tạo thuận lợi, công bằng cho thí sinh
Hiện cả nước có hơn 10 kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy do các trường ĐH tự tổ chức để tuyển sinh ĐH. Khoảng hơn 100 trường khác cũng dùng kết quả này, yêu cầu thí sinh nộp giấy chứng nhận làm minh chứng. Sau khi tự xét tuyển riêng, thường là trước khi có điểm thi tốt nghiệp, các trường nhập nguyện vọng của thí sinh lên hệ thống chung của Bộ GDĐT để lọc ảo.
Theo đại diện Bộ GDĐT, số trường đăng ký dùng chung kết quả ngày càng nhiều nhưng lại yêu cầu thí sinh phải lấy phiếu xác nhận điểm thi ở nơi tổ chức, gây phiền hà, bức xúc cho người dự thi. Do đó, Bộ dự kiến bắt buộc các trường tổ chức thi riêng phải cung cấp dữ liệu kết quả thi lên hệ thống để các trường khác dễ dàng tra cứu, dùng xét tuyển. Các đơn vị phải chịu trách nhiệm về độ chính xác của kết quả.
Trên thực tế, việc tổ chức các kỳ thi riêng để tuyển sinh hoặc sử dụng kết quả các kỳ thi riêng này là quyền tự chủ của các trường ĐH đã được quy định trong Luật Giáo dục ĐH. Tuy nhiên, việc có nhiều kỳ thi riêng khiến cho nhiều người lo ngại gây ra tình trạng thí sinh sẽ phải tham gia thêm nhiều kỳ thi, tăng áp lực học tập. Đồng thời, có những kỳ thi riêng được đăng ký thi nhiều lần để cải thiện kết quả vừa tạo thuận lợi cho thí sinh nhưng cũng tạo áp lực cho một bộ phận các thí sinh không có điều kiện tham gia thi hoặc thi nhiều lần. Trong khi chỉ tiêu tuyển sinh có hạn, nhiều trường lại dành phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do trường tổ chức khiến thí sinh không có cơ hội tham gia thi hoặc ở vùng sâu vùng xa, khó khăn trong việc ôn tập kỳ thi dẫn đến kết quả chưa cao sẽ bị thiệt thòi.
Nhằm tạo công bằng trong công tác xét tuyển, Bộ GDĐT dự kiến quy định điểm xét tuyển ở mọi phương thức (thi đánh giá năng lực, học bạ, kết hợp học bạ và chứng chỉ quốc tế, thi tốt nghiệp...) phải quy đổi về thang điểm chung. Từ phía các cơ sở giáo dục đào tạo nhìn nhận, để thực hiện việc quy đổi sẽ cần phải nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, nhất là với các trường áp dụng nhiều phương thức xét tuyển.
GS Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng trường – Trường ĐH Công nghệ - (ĐH Quốc gia Hà Nội đề xuất chỉ nên quy định điểm sàn giữa các phương thức là tương đương hoặc tỉ lệ với nhau bằng một hệ số k nhất định (theo tỉ lệ chỉ tiêu và độ khó). Điều này chỉ áp dụng với xét tuyển bằng kết quả học bạ bậc THPT.
Đề thi phải bám sát chương trình học
Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới. Do đó dự thảo quy chế nhấn mạnh các trường phải điều chỉnh đề thi để bám sát chương trình học, không đánh giá ngoài nội dung được học.
Tuy nhiên, nhìn vào đề thi minh họa năm 2025 của một số cơ sở giáo dục, không ít ý kiến băn khoăn. Đơn cử, học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã chọn học theo tổ hợp yêu thích, phù hợp với năng lực và định hướng nghề nghiệp sau này. Song đề thi đánh giá năng lực 2025 của ĐH Quốc gia TPHCM sẽ thi tất cả các nội dung, không có phần tự chọn như thông tin chính cơ sở giáo dục này đã đưa ra trước đó để phù hợp với việc học môn tự chọn. Điều này sẽ làm khó nhiều thí sinh vì suốt 3 năm THPT, các em đã không học hay ôn luyện các môn học này trên lớp nên để đọc hiểu được trọn vẹn bài thi sẽ rất khó khăn. Nhất là những thí sinh học xã hội sẽ dễ bị vướng vào mê hồn trận các ký hiệu khoa học, đặc biệt là cách đọc các nguyên tố hóa học theo kiểu mới mà chính học sinh đã học cũng còn thấy khó. Một số ý kiến cũng bày tỏ lo ngại với bài thi riêng hướng tới lượng thí sinh đại trà như này, những nhóm ngành khoa học kỹ thuật đặc thù hoặc các trường Y, Dược muốn dùng kết quả bài thi để xét tuyển cũng cần phải cân nhắc cẩn trọng.
Thống kê đến thời điểm này số lượng thí sinh tham gia kỳ thi riêng cao kỷ lục so với năm trước. Kỳ thi đánh giá năng lực của hai ĐH quốc gia có hơn 230.000 lượt. Còn ĐH Bách khoa Hà Nội ghi nhận khoảng 40.000 thí sinh đăng ký thi đánh giá tư duy, gần gấp 3 lần so với năm ngoái.
Mở cổng đăng ký Đánh giá tư duy năm 2025 của Đại học Bách khoa Hà Nội
Đại học Bách khoa Hà Nội đã mở cổng đăng ký cho các thí sinh có nguyện vọng tham dự kỳ thi Đánh giá tư duy (TSA) năm 2025. Đây là đơn vị bắt đầu cho mùa tuyển sinh năm 2025 sớm nhất với các kỳ thi riêng. Thí sinh có nguyện vọng thi đánh giá tư duy (TSA) đăng ký tại địa chỉ: https://tsa.hust.edu.vn/. Hạn đăng ký vào ngày 6/12. Lệ phí thi là 500.000 đồng/lượt thi/thí sinh. Đây là đợt mở đăng ký cho các thí sinh dự thi đợt ngày 18 và 19/1/2025. Thí sinh cũng có thể đăng ký tham gia thi thử bài Đánh giá tư duy TSA năm 2025. Năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức Đánh giá tư duy trong 3 đợt thi tại 30 điểm thi, đáp ứng cho khoảng 75.000 lượt dự thi. Ngoài các điểm thi trước đây, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ mở thêm điểm thi mới để hỗ trợ các em học sinh ở các tỉnh vùng Tây Bắc.
M.K