Trang bị kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ

Mùa hè đến, bên cạnh việc nở rộ các lớp dạy bơi cho trẻ, các ngành chức năng cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống đuối nước cho trẻ; hướng dẫn trẻ bơi một cách an toàn.

Trẻ em được tặng và hướng dẫn cách mặc áo phao an toàn.

Trẻ em được tặng và hướng dẫn cách mặc áo phao an toàn.

Hội Chữ thập đỏ huyện Nho Quan phối hợp với Huyện đoàn, Trung tâm Thanh, thiếu nhi tỉnh vừa tổ chức chương trình tuyên truyền phòng chống đuối nước cho các em học sinh tại trường THCS Đức Long, xã Đức Long (huyện Nho Quan).

Tại buổi tuyên truyền, các em học sinh đã được được cán bộ Trung tâm thanh thiếu nhi tỉnh truyền đạt các kiến thức cơ bản về môn bơi và sự nguy hiểm của tai nạn đuối nước. Đồng thời, cảnh báo những nguyên nhân và nguy cơ xảy ra đuối nước khi tắm tại các ao, hồ, sông suối, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống tai nạn đuối nước, cách sử dụng áo phao…

Với nội dung thiết thực, ý nghĩa, buổi tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức cũng như trang bị những kỹ năng cần thiết cho các em học sinh, vận dụng khi gặp các tình huống thực tế, nhất là trong mùa hè và khi mùa mưa bão đang tới.

Em Quách Gia Phúc, học sinh lớp 7A, Trường THCS Đức Long mạnh dạn tham gia các tình huống giả định. Em Phúc chia sẻ, được các thầy trang bị thêm những kiến thức về cách xử trí khi gặp người bị đuối nước em sẽ có thêm hiểu biết đúng để có cơ hội cứu người kịp thời, an toàn. Mặt khác, trước đây em cứ nghĩ khi biết bơi rồi, em có thể dễ dàng cứu người đuối nước, nhưng thực tế không phải như vậy. Nếu xử lý không đúng cách thì bản thân mình cũng sẽ gặp nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong do nạn nhân kéo chìm theo. Em sẽ tuyên truyền cho các bạn những kiến thức mà em đã được học hôm nay.

Theo đại diện chính quyền địa phương, ở Đức Long, nhiều trẻ em được tiếp xúc với nước từ rất nhỏ. Tuy nhiên, phần lớn các em còn thiếu kiến thức, kỹ năng để ứng phó khi gặp tình huống bất trắc dưới nước như: xử lý chuột rút khi bơi; cách thoát ra khỏi vùng nước xoáy; cách cứu người bị đuối nước an toàn; kỹ năng mặc áo phao đúng… Vì vậy, được Hội Chữ thập đỏ huyện phối hợp với Huyện đoàn và Trung tâm Thanh, thiếu nhi tỉnh về tận nơi hướng dẫn, giải đáp thắc mắc, đồng thời đưa ra các tình huống giả định cụ thể để hướng dẫn các em các xử lý an toàn thì nhà trường, chính quyền địa phương và các bậc phụ huynh đều ủng hộ. Các em học sinh tham gia hào hứng, như một tiết học ngoại khóa bổ ích.

Trên địa bàn huyện Nho Quan có hệ thống sông ngòi dày đặc, mùa hè đến cũng là thời điểm mùa mưa lũ, vì vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra đuối nước ở trẻ em. Nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ, trong dịp hè năm nay, huyện Nho Quan chỉ đạo các cấp các ngành, tổ chức hội đoàn thể, các xã, thị trấn, trong đó lấy Đoàn thanh niên làm nòng cốt phối hợp với các nhà trường, công an huyện đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống đuối nước cho trẻ em tại địa bàn dân cư. Nội dung các buổi tuyên truyền sẽ tập trung vào việc hướng dẫn trẻ không chơi ở những nơi gần ao, hồ, sông, suối có biển báo nguy hiểm; tìm hiểu về kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước để bảo đảm an toàn cho bản thân cũng như trợ giúp những trường hợp bị đuối nước.

Học sinh Trường THCS Đức Long (Nho Quan) hào hứng trả lời các câu hỏi về kỹ năng phòng đuối nước.

Anh Bùi Thế Mạnh, Phó Bí thư Huyện đoàn Nho Quan, Chủ tịch Hội đồng Đội cho biết: Trẻ nghỉ hè cũng là thời điểm mùa mưa lũ đang đến gần. Vì vậy, việc trang bị những kiến thức kỹ năng phòng chống đuối nước là giải pháp hết sức cần thiết cho trẻ em trên địa bàn huyện nói chung và trẻ em vùng lũ nói riêng. Ngay từ đầu năm, Huyện đoàn đã xây dựng chương trình, kế hoạch để thực hiện các biện pháp phòng, chống đuối nước cho học sinh, nhân dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, chỉ đạo Đoàn các xã, thị trấn phối hợp với các nhà trường để tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn các kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ cho trẻ.

Ngoài ra, Huyện đoàn cũng chỉ đạo đoàn các xã, thị trấn có các công trình, phần việc thanh niên thiết thực như đặt biển cảnh báo ở những nơi nguy hiểm. Đặc biệt, thông qua các hoạt động phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng cho trẻ được tổ chức như hôm nay hy vọng sẽ giúp trẻ em vùng lũ được học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Tuy nhiên, để công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ đạt hiệu quả cao nhất, các địa phương, mỗi gia đình cũng cần tích cực vào cuộc bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực. Có như vậy, trẻ em mới có một mùa hè vui tươi, bổ ích và an toàn.

Ông Đàm Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Thanh, thiếu nhi tỉnh cho biết: Hàng năm, Trung tâm đều phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng đảm bảo an toàn trong môi trường nước cho trẻ, trong đó đặc biệt ưu tiên cho trẻ em vùng lũ, trẻ em vùng ven biển. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng sẽ tiếp tục mở các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, các em còn được trang bị các kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước, kỹ năng an toàn dưới nước; phương pháp cứu đuối an toàn; sơ cấp cứu người bị nạn…

Cùng với nỗ lực của mỗi địa phương, hàng năm, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã triển khai nhiều hoạt động như: Tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em các cấp về công tác phòng chống tai nạn thương tích và phòng đuối nước cho trẻ em, các phương pháp sơ cứu về đuối nước; phát động tuyên truyền tờ rơi, tờ gấp, tranh áp phích đến cộng đồng dân cư, đến các trường học, đẩy mạnh truyền thông cấp xã, hỗ trợ xây dựng biển báo, biển cấm tại các ao hồ thường xảy ra đuối nước và có nguy cơ đuối nước trẻ em cao…

Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của các cấp, các ngành, đơn vị thì mỗi gia đình hãy thực sự là "ngôi nhà an toàn" cho trẻ. Qua các vụ tai nạn đuối nước cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tai nạn thương tâm, trong đó có sự bất cẩn và thiếu trách nhiệm của người lớn. Các bậc phụ huynh cần quản lý, nhắc nhở con em mình cẩn thận khi đi tắm sông, tắm biển; cần lưu tâm, giám sát thường xuyên hơn về địa điểm, thời gian cũng như các loại hình hoạt động vui chơi, giải trí của trẻ, nhất là vào dịp nghỉ hè; giáo dục con em trước những nguy cơ tai nạn thương tích ngày hè, trong đó có đuối nước. Đối với các gia đình ở nông thôn, cần chú ý san lấp hố sau khi sử dụng, làm nắp đậy các dụng cụ chứa đựng nước trong gia đình...

Bài, ảnh: Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/trang-bi-ky-nang-an-toan-trong-moi-truong-nuoc-cho-tre/d20240521215839155.htm
Zalo