Trang bị kiến thức phòng chống bạo lực trên cơ sở giới cho sinh viên khuyết tật
Nhằm góp phần thay đổi nhận thức xã hội và bảo vệ quyền lợi của người khuyết tật, Câu lạc bộ Sinh viên Khuyết tật Hà Nội chính thức khởi động dự án 'Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới'.
Dự án ra đời nhằm trang bị cho cộng đồng sinh viên khuyết tật kiến thức và kỹ năng phòng chống bạo lực mà còn khuyến khích họ trở thành những tuyên truyền viên, lan tỏa giá trị tích cực đến xã hội.
Chuỗi hoạt động nổi bật của dự án bao gồm: khóa tập huấn TOT, cung cấp kiến thức về bạo lực trên cơ sở giới và các kỹ năng truyền thông; xây dựng bộ tài liệu chuyên sâu, được thiết kế dành riêng cho học viên khuyết tật, bộ tài liệu này đóng vai trò như cẩm nang hướng dẫn họ trong việc đối phó và ngăn chặn bạo lực; hoạt động truyền thông cộng đồng, tổ chức tại các trung tâm giáo dục đặc biệt như RB về U nguyên bào võng mạc, chương trình dự kiến sẽ thu hút sự tham gia của 60 học sinh khuyết tật; cuộc thi viết online, tạo sân chơi sáng tạo giúp các bạn khuyết tật chia sẻ trải nghiệm, lan tỏa những thông điệp ý nghĩa về phòng chống bạo lực và bình đẳng giới.
Thông qua dự án, tạo ra không gian để học hỏi và truyền tải những câu chuyện truyền cảm hứng từ chính các học viên tham gia.
Bạn Nguyễn Diệu Linh, Chủ nhiệm CLB Sinh viên Khuyết tật Hà Nội, đồng thời là người sáng lập dự án cho biết: “Khi bắt tay thực hiện dự án này, tôi mang trong mình một khát vọng lớn lao, đó là xây dựng cộng đồng an toàn và bình đẳng cho tất cả mọi người, đặc biệt là người khuyết tật. Chứng kiến những người bạn của mình từng bị miệt thị, thậm chí là bạo hành, tôi hiểu rõ nỗi đau mà bạo lực gây ra. Dự án không chỉ hành động mà còn là lời khẳng định: Chúng ta có quyền lên tiếng, có quyền bảo vệ chính mình và cộng đồng”.
Đối với Nguyễn Diệu Linh, dự án còn là cầu nối để bản thân cô thể hiện khả năng lãnh đạo, đồng thời hỗ trợ các thành viên trong CLB sinh viên người khuyết tật cùng phát triển. “Tôi cảm thấy mình mạnh mẽ hơn rất nhiều khi đứng trước lớp tập huấn, chia sẻ khơi gợi cảm hứng từ chính câu chuyện của mình” - Nguyễn Diệu Linh chia sẻ.
Bạn Lương Tuấn Cường, sinh viên khiếm thị trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nhấn mạnh vai trò của dự án trong việc thay đổi cách nhìn nhận của xã hội về người khuyết tật: “Dự án giúp tôi hiểu rằng, chúng tôi không phải là gánh nặng của xã hội. Trái lại, chúng tôi có thể trở thành những người tiên phong, mang đến thay đổi tích cực. Tham gia khóa tập huấn, tôi học được cách đối mặt với những tình huống nhạy cảm, từ đó tự tin bảo vệ mình hơn. Tôi tin rằng, với mỗi thông điệp mà chúng tôi truyền tải, xã hội sẽ dần cởi mở và công bằng hơn”.
Theo bạn Lương Tuấn Cường, trước khi tham gia dự án, bản thân từng cảm thấy bất lực khi chứng kiến bạo lực xảy ra xung quanh mà không biết cách ứng phó. Tham gia dự án, cơ bản đã chủ động biết cách bảo vệ bản thân và hỗ trợ bạn bè cùng cảnh ngộ.
Bạn Trịnh Hồng Ánh, sinh viên khiếm thị tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam bày tỏ: “Dự án không chỉ là cơ hội học hỏi mà còn là nơi chúng tôi tìm thấy sự đồng cảm. Mỗi buổi tập huấn là một lần tôi cảm nhận được sự đoàn kết và sức mạnh từ cộng đồng người khuyết tật. Chúng tôi không còn đơn độc trong hành trình đấu tranh vì quyền lợi của mình. Những kiến thức từ dự án giúp tôi vững vàng hơn, tự tin hơn và sẵn sàng đối mặt với những thử thách trong cuộc sống”.
Dự án “Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới” đã và đang tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ. Bằng sự nỗ lực của các thành viên trong CLB Sinh viên Khuyết tật Hà Nội, dự án không chỉ giúp người khuyết tật nhận thức rõ hơn về quyền lợi của mình mà còn góp phần thay đổi thái độ của xã hội đối với họ.
Các học viên tham gia mong muốn dự án tiếp tục phát triển để mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho cộng đồng. “Chúng tôi tin rằng, những tiếng nói từ dự án sẽ chạm đến trái tim của mọi người, giúp họ nhận ra rằng người khuyết tật cũng là một phần không thể thiếu của xã hội. Chính sự đồng hành và sẻ chia của mọi người sẽ tạo nên một xã hội công bằng, nơi không ai bị bỏ lại phía sau” - Chủ nhiệm CLB Sinh viên Khuyết tật Hà Nội Nguyễn Diệu Linh cho biết.