Những đề xuất nếu được chấp nhận sẽ thay đổi tích cực trong tuyển sinh khối ngành sức khỏe

Đề xuất miễn học phí cho sinh viên theo học ngành y khoa và đề xuất nâng chuẩn đầu vào trong tuyển sinh các ngành khối sức khỏe đang được xem xét, nếu thông qua sẽ là cú hích lớn đối với công tác tuyển sinh khối ngành sức khỏe.

Đào tạo y khoa là một trong những ngành đào tạo nhận được sự quan tâm lớn đối với xã hội, hàng năm tuyển sinh y khoa thu hút được nhiều thí sinh theo học.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất chính là mức học phí cao, thời gian học kéo dài. Bên cạnh đó, việc nhiều trường tham gia đào tạo y khoa, trong khi yêu cầu học tập ngành này cao, nhưng có hiện tượng chạy theo số lượng trong tuyển sinh chính vì thế vấn đề chất lượng đầu vào cũng là một trong những vấn đề cần thiết phải được siết chặt.

 Đào tạo y khoa cần có cú hích về chính sách để nâng cao chất lượng (ảnh minh họa - nguồn Đại học Y Hà Nội).

Đào tạo y khoa cần có cú hích về chính sách để nâng cao chất lượng (ảnh minh họa - nguồn Đại học Y Hà Nội).

Trước bài toán đặt ra đối với ngành đào tạo y khoa, trong năm 2024 đã có những đề xuất nếu được áp dụng từ năm 2025 sẽ có tác động tích cực lên vấn đề tuyển sinh và đào tạo ngành này.

Cụ thể, ngày 24/12/2024, tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã đề xuất Chính phủ xem xét chính sách hỗ trợ đặc thù cho sinh viên ngành y. Cụ thể, Bộ Y tế kiến nghị sinh viên y khoa được hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập, tương tự như chính sách áp dụng cho sinh viên ngành sư phạm.

Hiện nay, sinh viên ngành sư phạm được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ học phí và nhận trợ cấp sinh hoạt phí hàng tháng. Bộ Y tế mong muốn áp dụng chính sách tương tự cho sinh viên y khoa nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính và thu hút nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế.

Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 214 cơ sở đào tạo nhân lực y tế, bao gồm 66 trường đại học, 139 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 9 viện nghiên cứu đào tạo tiến sĩ. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, đặc biệt khi số lượng bệnh viện thực hành không tăng đáng kể trong những năm qua, ảnh hưởng đến cơ hội thực hành lâm sàng của sinh viên.

Đề xuất này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Một số chuyên gia ủng hộ, cho rằng chính sách sẽ giảm áp lực tài chính và thu hút nhân tài vào ngành y. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại về tính khả thi do kinh phí hỗ trợ quá lớn và đặt câu hỏi về tính công bằng so với các ngành học khác.

Cũng liên quan đến đào tạo ngành Y khoa, trong dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, chuẩn đầu vào ngành Y khoa cũng được nâng lên. Cụ thể, ngành Y khoa và Răng Hàm Mặt yêu cầu thí sinh phải đạt học lực giỏi trong cả 3 năm THPT hoặc, điểm trung bình xét tốt nghiệp THPT phải từ 8.0 trở lên.

Các ngành khác thuộc khối sức khỏe (Điều dưỡng, Y học dự phòng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, v.v.) thí sinh cần đạt học lực khá trong cả 3 năm THPT hoặc, điểm trung bình xét tốt nghiệp THPT từ 6.5 trở lên.

Những điều chỉnh trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giúp chọn lọc thí sinh có năng lực tốt, cam kết lâu dài với ngành nghề. Nâng cao chất lượng đầu vào để giải quyết tình trạng một số sinh viên đầu vào chưa phù hợp nhưng vẫn được đào tạo.

Có thể thấy, nếu những đề xuất trên được thông qua sẽ thu hút được nhiều thí sinh theo học ngành y và nâng cao chất lượng trong đào tạo, điều này về lâu dài sẽ góp phần giải quyết bài toán nhân lực y tế của nước ta trong tương lai.

Thực tế cho thấy, ngành y tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc phát triển và quản lý nhân lực y tế. Tỷ lệ bác sĩ và y tá/dân số tại Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ở nhiều vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, số lượng nhân viên y tế không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh.

Nhân lực y tế tập trung chủ yếu tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, trong khi các địa phương khó khăn lại thiếu bác sĩ.

Trong khi đó, chương trình đào tạo y khoa nhiều trường lạc hậu. Nhiều trường y chưa cập nhật chương trình đào tạo để phù hợp với các tiến bộ y học và nhu cầu thực tiễn. Sinh viên y khoa không có đủ cơ hội thực hành lâm sàng tại các bệnh viện lớn, do hạn chế về cơ sở vật chất hoặc bệnh viện không đủ chỗ. Một số lĩnh vực như y học dự phòng, hồi sức cấp cứu, và y tế tâm thần thiếu đội ngũ được đào tạo chuyên sâu.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-de-xuat-neu-duoc-chap-nhan-se-thay-doi-tich-cuc-trong-tuyen-sinh-khoi-nganh-suc-khoe-post328650.html
Zalo