Trân trọng và vun đắp giá trị di sản văn hóa cho mai sau

Mỗi di sản văn hóa phi vật thể khi được vinh danh là sự khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của đất và người nơi ấy. Lễ hội đền thờ Lê Hoàn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định những nét văn hóa truyền thống của đất và người 'kẻ Sập' nói riêng và xứ Thanh nói chung. Cùng với tự tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống thì trách nhiệm đặt ra cho hậu thế là gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của di sản cho mai sau.

Người dân huyện Thọ Xuân tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống trong Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2023.

Vào dịp tháng 3 âm lịch hàng năm, người dân “kẻ Sập” lại nô nức chuẩn bị cho Lễ hội đền thờ Lê Hoàn. Vẫn tháng 3 ấy, nhưng năm nay, không khí ở làng Trung Lập trở nên nhộn nhịp hơn, lòng người cũng phấn chấn hơn. Bởi lẽ, họ không những được hòa mình vào không gian văn hóa truyền thống, mà còn vinh dự được dự sự kiện quan trọng: Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Lễ hội đền thờ Lê Hoàn. Có mặt tại làng Trung Lập (xã Xuân Lập, Thọ Xuân), chúng tôi như được hòa cùng với không khí tất bật, hân hoan của người dân nơi đây. Người thì chuẩn bị nguyên liệu cho các trò chơi, trò diễn dân gian trong lễ hội. Người thì chăm chỉ luyện tập các nghi thức truyền thống để chuẩn bị cho ngày chính lễ. Ai cũng một lòng hướng về lễ hội với lòng thành kính, biết ơn vua Lê Đại Hành; gửi gắm mong ước về một cuộc sống no ấm, hạnh phúc.

Ông Đỗ Đình Hoan, thôn Trung Lập 1, chia sẻ: Lễ hội đền thờ Lê Hoàn là sản phẩm văn hóa độc đáo do người dân địa phương sáng tạo, gìn giữ và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từ xa xưa, lễ hội đã được hình thành và phát triển trong không gian văn hóa và cộng đồng cư dân Trung Lập; thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Do đó, mỗi người dân Trung Lập đều xem lễ hội là một sự kiện trọng đại của làng. Ai cũng mong muốn được góp sức cho lễ hội và tham gia lễ hội.

Trải qua hàng nghìn năm, lễ hội vẫn được Nhân dân gìn giữ và thực hành với các nghi thức truyền thống thành kính nhằm tưởng nhớ công ơn to lớn của Lê Đại Hành hoàng đế và tướng lĩnh. Lễ hội tuy có nhiều thay đổi hơn với thời kỳ đầu, song những nghi thức truyền thống và nhiều lễ tục độc đáo dưới triều đại nhà Tiền Lê, phản ánh một thời kỳ lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước cũng như đặc trưng của cư dân nông nghiệp vẫn được Nhân dân thực hành. Những lễ tục, trò diễn dân gian ấy đã tạo nên sự đa sắc màu văn hóa cho Lễ hội đền thờ Lê Hoàn. Do đó, Lễ hội đền thờ Lê Hoàn được đánh giá là một trong những lễ hội truyền thống được bảo tồn nguyên bản từ các nghi thức đến không gian văn hóa và các hoạt động diễn ra xung quanh lễ hội. Có được sự bảo tồn tốt như vậy phần lớn là nhờ sự trân trọng lịch sử, giá trị văn hóa truyền thống của Nhân dân cũng như trách nhiệm vun đắp, gìn giữ giá trị di sản văn hóa cho hậu thế của người dân “kẻ Sập”.

Phát huy truyền thống trong bảo tồn và phát huy giá trị của Lễ hội đền thờ Lê Hoàn, đồng chí Đỗ Văn Đạo, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lập, khẳng định: Lễ hội đền thờ Lê Hoàn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia trở thành niềm vinh dự tự hào của Nhân dân xã Xuân Lập. Đồng thời, là cơ sở quan trọng để địa phương làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của lễ hội gắn với di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn và các trò chơi, trò diễn, nghề truyền thống của địa phương để phản ánh đầy đủ các hoạt động của lễ hội, tôn vinh công đức của vua Lê Đại Hành trong quá trình dựng nước, giữ nước. Cùng với niềm tự hào, vinh dự, chính quyền địa phương và Nhân dân cũng xác định cần phải phát huy tinh thần đoàn kết trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại. Để làm được điều đó, thì yếu tố con người là quan trọng nhất. Do đó, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhận thức được ý nghĩa và giá trị của lễ hội. Từ đó nâng cao trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát huy giá trị lễ hội.

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn là một lễ hội truyền thống đặc sắc, phản ánh tinh hoa và bản sắc văn hóa xứ Thanh. Việc lưu giữ, bảo tồn, trao truyền di sản văn hóa là nhiệm vụ hết sức cần thiết, thể hiện trách nhiệm, sự tri ân của hậu thế đối với tiền nhân. Đặc biệt, sau khi được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của lễ hội cần có lộ trình cụ thể, rõ ràng, khoa học và đảm bảo quy định của pháp luật. Do đó, cùng với chính quyền và Nhân dân địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể này. Các đơn vị đều xác định đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của Nhân dân, nêu cao trách nhiệm, sự trân quý và tôn trọng các giá trị lịch sử, yếu tố gốc của di sản để bảo tồn tốt hơn những giá trị văn hóa, lịch sử của lễ hội. Đồng thời, quan tâm tổ chức truyền dạy để đào tạo những lớp kế cận nhằm gìn giữ, phát huy di sản một cách liên tục với sự hiểu biết đầy đủ và năng lực thực hành tốt; thúc đẩy giáo dục về di sản trong trường học; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; quan tâm ứng dụng công nghệ số góp phần bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Bài và ảnh: Thùy Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/tran-trong-va-vun-dap-gia-tri-di-san-van-hoa-cho-mai-sau/184587.htm
Zalo