Tràn lan sạc dự phòng giá rẻ…
Khi Anker thu hồi sản phẩm sạc dự phòng vì nguy cơ cháy nổ, người dùng Việt 'toát mồ hôi' trước rủi ro từ vật dụng công nghệ tưởng chừng vô hại và quen thuộc.
Trong bối cảnh hàng triệu người đang sử dụng thiết bị này mỗi ngày, sự cố với Anker là lời cảnh báo nghiêm trọng.

Pin sạc dự phòng, một vật dụng quen thuộc nhưng ẩn chứa nhiều rủi ro.
Vật dụng quen thuộc nhưng đầy rủi ro
Dòng sạc dự phòng Anker 321 Power Bank (PowerCore 5K), mã sản phẩm A1112 không xa lạ với người dùng Việt. Đây là dòng pin phổ biến, được bán rộng rãi trên các nền tảng thương mại điện tử lớn. Theo thông báo, nguyên nhân là do lỗi kỹ thuật bên trong cell pin có thể gây quá nhiệt và bốc cháy.
Hãng công bố lỗi đến từ nhà cung cấp cell pin bên thứ ba và thực hiện chương trình hoàn tiền cho người dùng. Điều này khiến nhiều người bất ngờ vì Anker vốn được xem là thương hiệu uy tín.
Kỹ sư Trần Ngọc Minh, chuyên gia thiết kế vi mạch tại Synopsys – Khu CNC Đà Nẵng cho biết: "Pin lithium-ion là thiết bị lưu trữ năng lượng cao. Nếu không được sản xuất và kiểm soát chặt, nguy cơ cháy nổ là hoàn toàn có thể, cho dù đó là sản phẩm của một thương hiệu hàng đầu."

Một trường hợp pin sạc dự phòng xảy ra sự cố được người dùng chia sẻ.
Tuy nhiên, đa số người dùng không hiểu rõ nguy cơ tiềm ẩn từ công nghệ pin lithium-ion, loại pin phổ biến nhất hiện nay. Nhiều người không hề chú ý đến các tiêu chuẩn an toàn, hạn sử dụng, cách sử dụng và các dấu hiệu cảnh báo hư hỏng.
Chị Lưu Thị Hằng, nhân viên văn phòng Hà Nội nói: "Tôi mua pin sạc trên mạng chỉ 170 nghìn, dung lượng 30.000mAh. Để trong cốp xe dưới nắng, mở ra thì thấy pin phồng, nóng ran, may mà chưa nổ. Từ đó về sau chỉ dám dùng hàng chính hãng."
Cảnh giác hơn, anh Võ Minh Luân, tài xế công nghệ cho biết: "Pin sạc rẻ là chai nhanh lắm, máy nóng ran. Tôi chọn loại đắt tiền hơn, gần 1 triệu đồng nhưng đỡ lo sợ hơn."
Khi pin sạc dự phòng xảy ra sự cố, hậu quả có thể nghiêm trọng. Trong đó bao gồm hư hỏng thiết bị đang kết nối hoặc cháy lan gây hỏa hoạn bởi pin lithium-ion khi cháy rất khó dập tắt. Nguy hiểm hơn cả là khi phát nổ, gây cháy hoặc rò rỉ hóa chất độc hại có thể trực tiếp gây chấn thương ảnh hưởng đến con người.
Dấu hiệu sạc dự phòng nguy cơ cháy nổ
Để nhận biết pin sạc dự phòng đang xuống cấp và có nguy cơ cháy nổ, người dùng cần chú ý đến các dấu hiệu bất thường về ngoại hình, hiệu suất và hoạt động. Đây là các hướng dẫn đến từ chuyên gia Gary Clack – Holo Battery.
- Về ngoại hình, sạc dự phòng bị phồng rộp, biến dạng là dấu hiệu nguy hiểm và rõ ràng nhất. Khi pin bị phồng, tức là các chất điện phân bên trong đã bị phân hủy, tạo ra khí gas (như CO2, CO), làm tăng áp suất bên trong. Nếu tiếp tục sử dụng, áp suất này có thể gây nổ. Vỏ pin có thể bị bung, nứt hoặc biến dạng một cách bất thường.
Nếu thấy vỏ pin có dấu hiệu chảy nhựa, hoặc có các vết nóng chảy, sém đen, điều này cho thấy pin đang tạo ra nhiệt độ quá cao và có nguy cơ cháy.
- Về hiệu suất hoạt động, sản phẩm nóng "bỏng tay" hoặc nóng một cách bất thường, đó là dấu hiệu của sự cố bên trong (quá tải, ngắn mạch, hoặc pin đã bị chai nặng).
“Đối với nhiều loại pin sạc dự phòng có đèn báo hiệu (LED), khi đèn hiển thị bất thường như nhấp nháy liên tục, chuyển màu, hoặc không sáng như bình thường cũng là một dấu hiệu cho thấy pin đã hư hỏng” - chuyên gia Gary Clack chia sẻ thêm.
Ham rẻ… dễ rước họa vào thân
Hiện nay, xu hướng ưu tiên giá rẻ mà bỏ qua yếu tố chất lượng, đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đáng báo động. Thị trường pin sạc dự phòng tại Việt Nam tràn lan các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có nhãn mác, tem kiểm định chất lượng hoặc tem chống hàng giả rõ ràng.
Bà Juvy Nguyễn - Giám đốc phát triển Pisen Việt Nam cho biết: “Với mức giá không ngờ tới, các đại lý phân phối bị cuốn theo thị trường, ‘tham bát bỏ mâm’ chấp nhận lưu thông hàng giả, hàng lậu để có nhiều lợi nhuận. Chưa kể hàng giả thắng thế trong cuộc đua về giá nên thua xa về chính sách hậu mãi cũng như an toàn sử dụng. Điều này khiến người tiêu dùng chịu thiệt thòi vì hỏng hóc hay những tai nạn cháy nổ thương tâm.”

Bên trong pin sạc dự phòng là các cell pin lithium-ion.
Cell pin - chìa khóa chất lượng
Mỗi viên pin sạc dự phòng là tổ hợp của nhiều cell pin lithium-ion. Chỉ cần một cell bị lỗi cũng đủ gây cháy nổ. Kỹ sư Nguyễn Hoàng Long, từng làm việc tại Hàn Quốc cho biết: "Cell pin trên thị trường có nhiều cấp độ. Chỉ cần loại trung bình hoặc kém chất lượng xen lẫn vào lô hàng cũng đủ gây sự cố. Các hãng nổi tiếng cũng không ngoại lệ."
Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC) về an toàn pin lithium-ion sạc lại đã thống nhất một tiêu chuẩn chung có tên mã là IEC 62133. Tiêu chuẩn này bao gồm các yêu cầu và thử nghiệm về an toàn điện, cơ khí và hóa học của pin, nhằm giảm thiểu rủi ro cháy nổ hoặc các tai nạn khác.
Tại các quốc gia, các tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật cũng được áp dụng dưới các tên gọi khác nhau dựa trên các yêu cầu chung của IEC và bổ sung những yêu cầu nghiêm ngặt riêng.
Việt Nam có QCVN 101:2020/BTTTT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về pin lithium cho thiết bị cầm tay). Đây là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia áp dụng cho pin lithium, bao gồm cả pin sạc dự phòng, quy định về an toàn và nhãn mác.
Người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy những loại pin này trên các sàn thương mại điện tử, chợ truyền thống hay các cửa hàng phụ kiện nhỏ lẻ với mức giá cực kỳ hấp dẫn, đôi khi chỉ bằng một phần nhỏ so với sản phẩm chính hãng.
Nhiều pin dự phòng giá rẻ quảng cáo dung lượng "khủng" thường là hàng chục ngàn mAh nhưng với kích thước nhỏ gọn hoặc trọng lượng nhẹ bất thường. Thực tế, đây là dung lượng ảo, không đúng với thực tế, và khả năng sạc thực tế thấp hơn rất nhiều so với con số công bố.
Chuyên gia tư vấn Nguyễn Đức Quang, Điện máy xanh Hà Nội chia sẻ: “Do thiếu kiến thức về tiêu chuẩn an toàn, các tiêu chuẩn quốc tế như UL, CE, UN38.3 hay QCVN 101:2020/BTTTT, người dùng Việt thường không kiểm tra các chứng nhận này. Ngoài một số nhỏ người dùng có kiến thức thì lựa chọn sản phẩm có thương hiệu, đắt tiền, đa phần người dùng đôi khi chỉ so sánh giữa dung lượng và giá tiền để lựa chọn”.
Sai lầm chí mạng khi sử dụng
Ngoài các yếu tố về tiêu chuẩn an toàn, một bộ phận không nhỏ người dùng có những thói quen sử dụng pin sạc dự phòng không đúng, dẫn đến mất an toàn.
Thói quen sử dụng không phù hợp phổ biến nhất là vừa sạc vừa dùng. Thói quen vừa sạc điện thoại bằng pin dự phòng, vừa sử dụng điện thoại để chơi game, lướt web, đặc biệt là trong thời gian dài, khiến cả điện thoại và pin dự phòng bị nóng lên nhanh chóng. Nhiệt độ cao là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nguy cơ cháy nổ.
Một số khác thường có thói quen đặt pin dự phòng dưới gối, trong chăn, nệm hoặc các vật liệu dễ giữ nhiệt và dễ bắt lửa khi đang sạc hoặc sử dụng. Điều này làm tăng nguy cơ quá nhiệt và cháy nổ.
Ngay cả khi pin sạc dự phòng có dấu hiệu hư hỏng, nhiều người vẫn tiếc mà cố sử dụng. Thậm chí, khi viên pin đã có dấu hiệu phồng rộp, nóng bất thường, biến dạng vỏ, hoặc hiệu suất sạc giảm đáng kể vẫn còn được sử dụng.
Ngoài ra, một số người dùng do điều kiện sinh hoạt, làm việc mà sử dụng pin sạc dự phòng ở môi trường nhiệt độ cao. Thậm chí nguy hiểm hơn nữa là tự ý tháo lắp, sửa chữa pin dự phòng mà không có đủ kiến thức, công cụ chuyên dụng.
Chuyên gia Nguyễn Đức Quang khuyến cáo: “Để đảm bảo an toàn, người tiêu dùng Việt Nam cần thay đổi thói quen mua sắm và sử dụng pin dự phòng. Thay vì chỉ nhìn vào giá cả, hãy ưu tiên các sản phẩm có thương hiệu uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có đầy đủ các chứng nhận an toàn và tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất”.
