Mỹ thí điểm tuabin gió thế hệ mới, hướng đến mục tiêu sản xuất điện quy mô lớn

Airloom Energy vừa bắt đầu xây dựng một khu thử nghiệm tại bang Wyoming để kiểm tra mẫu tuabin gió mới, nhằm góp phần tăng cường an ninh năng lượng cho Mỹ, trong bối cảnh nhu cầu điện dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Công ty Airloom Energy đã phát triển công nghệ năng lượng gió mới sử dụng tua-bin mô hình "dây phơi" để tạo ra điện. Đây là ví dụ về một công ty khởi nghiệp tăng trưởng cao. Ảnh Airloom Energy

Công ty Airloom Energy đã phát triển công nghệ năng lượng gió mới sử dụng tua-bin mô hình "dây phơi" để tạo ra điện. Đây là ví dụ về một công ty khởi nghiệp tăng trưởng cao. Ảnh Airloom Energy

Công ty Airloom Energy - được hậu thuẫn bởi quỹ Breakthrough Energy Ventures do Bill Gates sáng lập - đã khởi công dự án thí điểm để thử nghiệm thế hệ tuabin gió mới, hướng đến mục tiêu sản xuất điện quy mô lớn.

Giải pháp cho bài toán năng lượng ngày càng cấp bách

Khu thử nghiệm đặt gần thị trấn Rock River, bang Wyoming. Tại đây, Airloom sẽ lắp đặt mẫu tuabin gió công nghiệp đầu tiên, được thiết kế để tạo ra nhiều điện hơn, chi phí thấp và thời gian triển khai nhanh hơn. Dự án được kỳ vọng sẽ giúp ứng phó với những thách thức ngày càng lớn về khả năng cung cấp điện của lưới điện Mỹ trong tương lai.

Ủy ban Độ tin cậy Điện Bắc Mỹ (NERC) cảnh báo rằng, gần một nửa lãnh thổ Mỹ có thể đối mặt với nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng từ năm 2035. Trong khi đó, theo hãng tư vấn Gartner, đến năm 2027, khoảng 40% trung tâm dữ liệu toàn cầu có thể rơi vào tình trạng thiếu điện, do nhu cầu tăng mạnh, nhất là từ các ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Thiết kế tối ưu, phù hợp nhiều địa hình

Khác với tuabin gió trục ngang truyền thống (HAWT), Airloom phát triển mẫu tuabin dạng mô-đun, có cấu trúc hình chữ nhật thay vì hình tròn. Thiết kế này giúp tận dụng gió tốt hơn, nâng cao hiệu suất phát điện và dễ lắp đặt tại những nơi bị giới hạn về chiều cao, hoặc khu vực có tốc độ gió thấp.

Tuabin của Airloom còn có ưu điểm là thời gian chế tạo và lắp đặt nhanh - chỉ chưa đầy một năm, trong khi các hệ thống truyền thống mất đến 5 năm mới vận hành. Tuổi thọ thiết kế của hệ thống mới dự kiến lên đến 30 năm.

Nguồn vốn và đối tác hỗ trợ

Dự án nhận được sự hậu thuẫn từ nhiều nguồn tài chính lớn. Tháng 10/2024, Airloom gọi vốn thành công 7,5 triệu USD từ các quỹ như Breakthrough Energy Ventures, Lowercarbon Capital và WYVC. Trước đó, tháng 9/2024, công ty cũng nhận thêm 5 triệu USD từ Chương trình Energy Matching Funds của bang Wyoming, cùng khoản tài trợ không hoàn lại trị giá 1,25 triệu USD từ Bộ Quốc phòng Mỹ.

Tiến độ xây dựng nhanh cho thấy, Airloom đang quyết tâm chứng minh rằng công nghệ của họ có thể vận hành hiệu quả và mang lại giá trị kinh tế thực tế - như một giải pháp khả thi để đối phó với các thách thức về nguồn điện trong tương lai.

Paul Judge - cựu Giám đốc sản phẩm tại GE Onshore Wind, hiện là cố vấn cho Airloom - gọi đây là “bước ngoặt lớn”, và khẳng định dự án thí điểm này là “khởi đầu cho một hướng đi hoàn toàn mới trong phát triển điện gió, phù hợp với những đòi hỏi mới của ngành năng lượng”.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/my-thi-diem-the-he-tuabin-gio-moi-huong-den-muc-tieu-san-xuat-dien-quy-mo-lon-729669.html
Zalo