Hướng đến trung tâm kinh tế số đa ngành

Trong bối cảnh nền kinh tế số đang trở thành động lực trung tâm của tăng trưởng toàn cầu, Thành phố Hồ Chí Minh đứng trước cơ hội chiến lược để tái định vị vai trò của mình như một đô thị sáng tạo và trung tâm dẫn dắt đổi mới.

Trưng bày các giải pháp chuyển đổi số tại Diễn đàn kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Trưng bày các giải pháp chuyển đổi số tại Diễn đàn kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau nhiều năm chú trọng đầu tư, đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh có tiềm năng để định vị như một trung tâm công nghệ tài chính (Fintech), khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, logistics số; trung tâm dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI)… trong khu vực ASEAN.

TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC QUỐC TẾ

Để học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ hiện đại, thành phố không ngừng tăng cường hợp tác với các nước, tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới. Cụ thể, giữa tháng 6 vừa qua, thành phố ký kết văn bản ghi nhớ với Tập đoàn Advanced Micro Devices, Inc.(AMD) của Hoa Kỳ nhằm tăng cường hợp tác phát triển hệ sinh thái công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo. Theo đó, Tập đoàn AMD sẽ thúc đẩy đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), thúc đẩy hệ sinh thái và đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, các sáng kiến chuyển đổi số… cho thành phố. Sự hợp tác này đánh dấu một cột mốc quan trọng của thành phố đối với việc phát triển hạ tầng công nghệ cao và nguồn nhân lực. Đây là một bước đi ý nghĩa nhằm định vị thành phố trở thành trung tâm hàng đầu khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực điện tử, chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; đồng thời, mở ra nhiều cơ hội mới trong đầu tư, phát triển nhân tài và tiến bộ công nghệ, góp phần xây dựng một hệ sinh thái công nghệ cao vững mạnh; trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các tập đoàn công nghệ toàn cầu. Ông Keith Strier, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách thị trường AI toàn cầu, Tập đoàn AMD cho biết: “Chúng tôi rất vinh dự được hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại đây. Là đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực điện toán hiệu năng cao và thích ứng, các sản phẩm và dịch vụ của Tập đoàn AMD đang góp phần giải quyết một số thách thức quan trọng nhất của thế giới”.

Cũng mới đây, Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác với Tổng Lãnh sự quán Anh tại thành phố về thúc đẩy chuyển đổi số. Theo đó, hai bên ưu tiên hợp tác các lĩnh vực về chuyển đổi số; các công nghệ thành phố thông minh, tài chính, chuyển đổi (AI, Robot và tự động hóa, nano, an ninh mạng), chăm sóc sức khỏe (healthtech). Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy cho biết: Thành phố đang tập trung đầu tư phát triển hạ tầng số; phát triển các ngành công nghiệp chủ lực mới như thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử, vật liệu mới, năng lượng sạch và tái tạo; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam nói chung, thành phố nói riêng sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư và tri thức về công nghệ cao để trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp thâm dụng tri thức, giá trị cao, ngày càng hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.

XÂY DỰNG HỆ SINH THÁI CHUYỂN ĐỔI SỐ

Với mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế số và đổi mới sáng tạo của cả nước cũng như của châu Á, thành phố đã triển khai nhiều sáng kiến, chính sách đột phá để thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng số, nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo báo cáo của tổ chức StartupBlink (Trung tâm Nghiên cứu và Lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu), Thành phố Hồ Chí Minh tăng 1 bậc trên bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu năm 2025, lên vị trí 110 toàn cầu, đạt thứ hạng cao nhất từ trước đến nay. Đồng thời, lần đầu tiên lọt vào tốp 5 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo hàng đầu Đông Nam Á.

Theo các chuyên gia, thành phố hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi như mạng lưới trường đại học và viện nghiên cứu lớn, lực lượng lao động trẻ và năng động, nền tảng hạ tầng công nghệ đang được cải thiện nhanh chóng và hệ sinh thái doanh nghiệp đa dạng. Ngoài ra, thành phố cũng được hưởng lợi từ các cơ chế, chính sách đặc thù của Trung ương, tạo điều kiện để thử nghiệm các mô hình phát triển mới trong lĩnh vực kinh tế số. Tiến sĩ Phạm Thị Ngọc Dung, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang định hình lại cấu trúc kinh tế toàn cầu, kinh tế số đã nổi lên như một mô hình tăng trưởng mới, thay thế dần cho mô hình tăng trưởng dựa vào tài nguyên, lao động giá rẻ và công nghiệp truyền thống. Để thúc đẩy chuyển đổi số, một hướng đi chiến lược là tích hợp phát triển kinh tế số vào các “cực tăng trưởng” mới của thành phố như Khu Công nghệ cao, Khu đô thị sáng tạo phía đông... Những khu vực này có điều kiện thuận lợi để trở thành các trung tâm công nghệ mới với mật độ tập trung cao của doanh nghiệp công nghệ, trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển), startup (khởi nghiệp) và hệ thống logistics thông minh. Việc phát triển các cụm công nghệ (technology clusters) gắn với đô thị thông minh và đổi mới sáng tạo giúp thành phố nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo động lực lan tỏa công nghệ cho toàn bộ khu vực lân cận.

Để định vị là một trung tâm kinh tế số đa ngành trong khu vực ASEAN, thành phố cần nâng cấp hạ tầng số với tốc độ nhanh và quy mô lớn, đầu tư xây dựng nguồn nhân lực số mang tính chiến lược dài hạn cũng như xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp bền vững. Với tiềm lực mạnh, dân số trẻ và năng động, hệ thống học thuật phong phú cùng quyết tâm chính trị cao, Thành phố Hồ Chí Minh có đầy đủ điều kiện để trở thành trung tâm kinh tế số hàng đầu trong khu vực

Bài và ảnh: KHÁNH TRÌNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/huong-den-trung-tam-kinh-te-so-da-nganh-post891553.html
Zalo