Tràn lan biển hiệu quảng cáo sính ngoại

Trên nhiều tuyến phố của Hà Nội, biển hiệu quảng cáo sử dụng tiếng nước ngoài xuất hiện khá phổ biến, đủ kiểu chữ, kích cỡ, bất chấp quy định.

Sử dụng tiếng nước ngoài trên biển hiệu quảng cáo không phải là chuyện mới. Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng tiếng nước ngoài trên biển hiệu quảng cáo ngày càng trở nên phổ biến.

Biển hiệu quảng cáo tiếng nước ngoài trên phố Trung Hòa. Ảnh: Lại Tấn

Biển hiệu quảng cáo tiếng nước ngoài trên phố Trung Hòa. Ảnh: Lại Tấn

Theo khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại tuyến phố Trung Hòa, biển hiệu quảng cáo tiếng nước ngoài xuất hiện với mật độ cao, không khó để bắt gặp những biển hiệu quảng cáo 100% tiếng nước ngoài.

Tại các cửa hàng tại địa chỉ số 118, 120, 128, 130 Trung Hòa, biển quảng cáo bằng tiếng nước ngoài xuất hiện liên tiếp nhau. Cách đó không xa, tại số 51 Trung Hòa lại có biển hiệu quảng cáo bằng tiếng nước ngoài “lách luật” bằng cách in chữ tiếng Việt mờ, trùng với màu nền biển hiệu, khó quan sát.

Thậm chí có những biển hiệu hoàn toàn bằng tiếng Hàn Quốc, Trung Quốc khiến khách hàng không biết cách phát âm. Ngay cả những người giao hàng tại đây cũng phải hỏi cách đọc tên cửa hàng để có thể dễ dàng hơn trong việc vận chuyển.

Trên đường Trần Duy Hưng, biển hiệu quảng cáo nước ngoài cũng xuất hiện san sát tại các địa chỉ 210, 208, 208A. Tại phố Nguyễn Thị Định xuất hiện biển hiệu quảng cáo tiếng Anh cùng với tiếng Nhật (địa 12 Nguyễn Thị Định), không có chữ tiếng Việt. Hay tại dưới các tòa chung cư trên phố Nguyễn Thị Thập cũng có tình trạng biển hiệu quảng cáo cửa hàng ăn uống 100% tiếng nước ngoài...

Trước tình trạng trên, nhiều người dân cho biết, họ cảm thấy bất tiện khi phải gọi tên, viết, nhắn tên các cửa hàng hay quán xá đó. Sự phiền toái này còn trở nên phức tạp hơn với người lớn tuổi, vì có biển chỉ toàn chữ tiếng Nhật, Hàn, Trung Quốc... không thể phiên âm ra tiếng Việt.

Theo chủ những cửa hàng có biển hiệu quảng cáo tiếng nước ngoài, họ làm như vậy để tạo sự nổi bật, gây ấn tượng với người tiêu dùng, để người nước ngoài dễ hiểu, dễ đọc, dễ quan tâm…

Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu nhi và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, tình trạng trên xuất phát từ tâm lý sinh ngoại, hướng vào yếu tố mới lạ để hấp dẫn người xem. Việc này cần cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm để các đơn vị kinh doanh hiểu biết nghĩa vụ và tôn trọng pháp luật.

Đồng thời, theo các chuyên gia, ngôn ngữ, chữ viết là đặc trưng văn hóa, tự hào của mỗi quốc gia, phát triển kinh tế cần đi đôi với gìn giữ và phát huy giá trị của tiếng Việt, hướng tới hòa nhập, không thể hòa tan.

Theo Điều 18, Luật Quảng cáo năm 2012 quy định: "Biển hiệu quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp nhãn hiệu hàng hóa, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hóa không thể thay thế bằng tiếng Việt. Trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt...”.

Tại Hà Nội, để siết chặt kỷ cương trong lĩnh vực hoạt động quảng cáo ngoài trời, ngày 13/3/2024, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh đã ký Quyết định ban hành Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội.

Theo đó, UBND TP yêu cầu hoạt động quảng cáo phải tuân theo các quy định của Luật Quảng cáo và các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định khác của pháp luật có liên quan và phù hợp với Quy hoạch quảng cáo ngoài trời, không gian, kiến trúc, cảnh quan của TP Hà Nội.

Mặc dù vậy, tình trạng biển quảng cáo sính ngoại vẫn xuất hiện tràn lan trên nhiều tuyến phố, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa.

Quang Huy

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tran-lan-bien-hieu-quang-cao-sinh-ngoai.html
Zalo