Giải mã bí ẩn, lạc vào mê cung

Có những bí ẩn càng cố gắng giải mã chúng ta càng bị lạc vào mê cung và càng không thể tìm ra đâu mới là sự thật. Đó chính là băn khoăn tôi đã đúc kết sau chuyến đi thăm ngôi Mộ Cự thạch Hàng Gòn tọa lạc tại xã Hàng Gòn, cách TP Long Khánh (Đồng Nai) 8km về phía Nam, trên trục Quốc lộ 56 hướng đi Bà Rịa -Vũng Tàu.

Ngày nay khi khoa học kỹ thuật phát triển, chúng ta dễ dàng xây dựng công trình kiến trúc đồ sộ. Nhưng bạn hãy thử tưởng tượng xem cách đây hơn 2.000 năm trước Công nguyên mà các vị tiền nhân của chúng ta có thể xây dựng một ngôi mộ hình hộp dài 4,2m, ngang 2,7 mét, cao 1,6 mét được ghép bởi 6 tấm đá hoa cương bào khá nhẵn ở mặt ngoài; bên trong đục đẽo sơ sài. Bốn tấm đá thẳng đứng dùng làm vách, hai tấm nằm ngang dùng làm mặt đáy và nắp.

Liên kết giữa các tấm đá hoa cương nhờ vào hệ thống rãnh dọc chắc chắn. Xung quanh mộ có nhiều trụ đá hoa cương cao 7,5 mét, tiết diện mặt cắt ngang hình chữ nhật dài 1,10m x 0,3m phần lớn các đầu trụ được khoét lõm hình yên ngựa. Điều đó cho thấy sức mạnh phi thường của cổ nhân.

Một số hiện vật được phát hiện trong di tích Mộ Cự thạch Hàng Gòn.

Một số hiện vật được phát hiện trong di tích Mộ Cự thạch Hàng Gòn.

Ngôi mộ cổ đã thể hiện sự kỳ vĩ của chính mình và đã đặt ra biết bao nhiêu câu hỏi để các nhà khoa học, nhà khảo cổ và cả hậu bối chúng ta đi tìm câu trả lời: Làm cách nào mà người cổ xưa có thể vận chuyển những tấm đá, trụ hoa cương vốn thuộc về núi rừng, thời xưa với địa hình hiểm trở, đường thủy không có, cư dân cổ với những vật dụng thô sơ, làm cách nào có thể chồng các trụ đá, nâng các phiến đá to ghép thành hầm mộ độc đáo?

Theo các nhà địa chất học, đá hoa cương không được phát hiện ở Đồng Nai mà chỉ ở khu vực Đà Lạt hay Ninh Thuận ngày nay. Ai là chủ nhân ngôi mộ cổ đầy bí ẩn này? Biết tôi tò mò, đặt nhiều câu hỏi liên quan đến ngôi mộ cổ khi tới thăm, bác quản lý khu di tích đã cho tôi mượn đọc các tài liệu về công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, khảo cổ học đã viết về ngôi Mộ cổ Cự thạch Hàng Gòn. Tôi ồ lên thích thú và đọc ngấu nghiến tài liệu ngay tại đó.

Dưới thời Pháp thuộc, để phục vụ chính sách khai thác thuộc địa, chính quyền lúc bấy giờ đã nâng cấp, xây dựng nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch để kết nối giữa Sài Gòn - Long Khánh, Long Khánh - Bà Rịa. Trong quá trình chỉ huy thi công làm tuyến đường Xuân Lộc đi Bà Rịa, viên kỹ sư người Pháp Jean Bouchot đã thấy một ngôi mộ bằng đá với những trụ nằm ngổn ngang trong địa phận đồn điền cao su W.Bazé thuộc Công ty Cao su Xuân Lộc (nay thuộc Nông trường Hàng Gòn, xã Hàng Gòn, TP Long Khánh). Ngay lập tức ông đã có báo cáo với Viện Viễn Đông bác cổ và được ủy quyền khai quật từ 14/4 đến ngày 16/5/1927.

Đứng ngay ngôi mộ cổ, đọc tài liệu khiến tôi tưởng tượng ra dáng vẻ của viên kỹ sư. Trong một ngày nắng như đổ lửa của vùng đất đỏ Bazan, Jean Bouchot đứng trước ngôi mộ cổ kính, nơi mà những bí ẩn của người xưa khiến ông thôi thúc khám phá. Tuy nhiên chính ông đã không tìm thấy dấu vết để giải đáp cho những câu hỏi. Trong ngôi mộ, không có một mảnh xương vỡ, không có một binh khí, không có một dụng cụ, không có một vật tư trang nào cả. Ông muốn khai quật rộng ra để khám phá. Tuy nhiên khi mùa mưa năm 1927 bắt đầu, những cơn mưa ào ào đổ xuống vùng đất đỏ bazan đã khiến cho cuộc khai quật gặp trở ngại và không thể tiếp tục. Dự định của viên kỹ sư giống như một giấc mơ dang dở.

Kể từ sau cuộc khai quật lần thứ nhất, di tích Mộ Cự thạch Hàng Gòn đã được nhiều nhà khảo cổ quan tâm. Sau Jean Bouchot, đến năm 1929, Henri Parmentier - người đứng đầu Sở Khảo cổ Đông Dương, tiếp tục nghiên cứu di tích Mộ Cự thạch Hàng Gòn thêm ba lần nữa.

Với bề dày kiến thức và sự so sánh tỉ mỉ giữa các loại hình Dolmen từ Úc, châu Đại Dương cho đến kiến trúc đá Đồng Phổ Sa Huỳnh và những ngôi mộ Chăm tại Ninh Thuận, ông đưa ra nhận định: “Đây không phải là một ngôi mộ đơn lẻ, mà là một hầm mộ chung, được thiết kế như một gian phòng rộng lớn và thấp, ẩn mình dưới lòng đất. Các trụ đá vững chãi được chôn theo hình nấc thang, dẫn lối xuống hầm mộ, như thể đang mời gọi linh hồn bước vào thế giới bên kia”.

Ông giải thích thêm: “Hầm mộ này từng là nơi an nghỉ của những vị thủ lĩnh và chiến binh quả cảm, những người đã hiến dâng cuộc đời mình cho cộng đồng. Cách thức chôn cất linh hoạt, với nắp mộ có thể di chuyển, cho phép mai táng theo nghi thức truyền thống, mỗi lần là một lễ tiễn biệt đầy trang trọng”.

Tuy nhiên chính ông cũng bối rối không biết làm cách nào người xưa có thể di chuyển các phiến đá nặng chục tấn như thế, cách sắp xếp, bố trí của hầm mộ được chính ông đánh giá khá độc đáo và chưa từng phát hiện trường hợp nào tương tự ở Đông Dương. Sau khi các nhà khảo cổ phát hiện nghiên cứu và được công bố rộng rãi, đến năm 1930, Toàn quyền Pháp đã nhanh chóng xếp ngôi mộ cổ vào các di tích lịch sử của Đông Dương và đứng thứ 38 trong bản danh sách di tích Nam kỳ.

Theo thời gian, mọi vật thay đổi. Phía trên hầm mộ có nhiều cây sung cổ thụ với tán lá xum xuê, dây leo chằng chịt, ngôi mộ trở nên hoang sơ, vắng lặng. Xuất phát từ tín ngưỡng dân gian “vạn vật hữu linh”, nên chỉ sau 2-3 năm khai quật ngôi mộ cổ, người dân đã đến đây thắp nhang, khấn vái và cầu xin được bình an trong cuộc sống. Sau này, chính dân bản địa đã xây dựng ngôi miếu nhỏ thờ ông Đá. Thuở ban sơ theo các vị cao niên mô tả, trên chỉ có một bàn thờ, chưng đèn, lư nhang và 2 tượng ngựa bằng gốm. Phía dưới bàn thờ có một đùn đất do mối làm nên ngày càng lớn, phủ dày, áp vào vách, để lại những hình thù kỳ lạ.

Sự hiện diện của đụn đất này là một trong những yếu tố được lưu truyền trong dân gian về sự huyền bí, linh thiêng của mả ông Đá. Người dân địa phương tổ chức lễ hội vía ông Đá vào ngày 13/9 âm lịch hằng năm, với mong cầu bình an, trước hết là cho những người đang sống trong khu vực Hàng Gòn. Và tổ chức lễ hội hàng năm đã góp phần làm giàu thêm tín ngưỡng dân gian cho vùng đất này, sau này người dân đã góp công, góp sức để xây dựng ngôi miếu thờ khang trang hơn.

Đến khi hòa bình lập lại, sau năm 1975 các cán bộ thuộc Ban Khảo cổ - Viện Khoa học xã hội đã phối hợp với Nhà Bảo tàng tỉnh Đồng Nai mở cuộc điều tra, khảo sát di tích Mộ Cự thạch Hàng Gòn. Tại hội nghị thông báo khảo cổ học năm 1982, Th.s Lưu Ánh Tuyết đưa ra nhận định: "Mộ Cự Thạch Hàng Gòn là một ngôi mộ táng chôn dưới hình thức hỏa thiêu được xây dựng vào thời kỳ Kim khí thuộc giai đoạn Đồng phát triển, có khả năng chuyển sang sơ kỳ đồ đá".

Sau hội thảo, đến ngày 24/12/1982, Bộ Văn hóa ban hành quyết định công nhận di tích Mộ Cự thạch Hàng Gòn là di tích khảo cổ cấp Quốc gia theo Quyết định số 147/VH-QĐ. Năm 2006, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Đồng Nai phối hợp trung tâm nghiên cứu khảo cổ thuộc Viện Khoa học xã hội vùng Đông Nam bộ tiến hành đào thám sát xung quanh khu vực mộ cổ Hàng Gòn và phát hiện ra những mảnh gốm cổ, theo đeo bằng đá, 2 chiếc tù và bằng đồng.

Di tích Mộ Cự thạch Hàng Gòn.

Di tích Mộ Cự thạch Hàng Gòn.

Các nhà nghiên cứu xác định những mẫu vật trên có niên đại sớm nhất là 150 năm trước Công nguyên (Thế kỷ thứ II TCN) và mẫu cho niên đại muộn nhất là 240 năm sau công nguyên (Thế kỷ thứ II SCN). Đến năm 2007, các nhà khảo cổ tiếp tục phát hiện ra những viên đá có hình giống mu rùa, các con lăn dùng để di dời những phiến đá nặng, bàn mài hình đá cát có vết mài hình lòng máng và một vết rãnh tròn. Ngoài ra còn phát hiện ra đồ gốm được làm từ đất sét pha cát và vỏ nhuyễn thể được nghiền nát, xương và áo gốm… Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2367/QĐ-TTg ngày 23/12/2015, xếp di tích khảo cổ Mộ Cự thạch Hàng Gòn là di tích Quốc gia đặc biệt.

Qua đọc các nghiên cứu và đánh giá, các nhà nghiên cứu đều cho rằng chủ nhân của ngôi mộ cổ này là thủ lĩnh, người có quyền lực cao nhất của cộng đồng, vì vậy mới có thể chỉ huy cộng đồng của mình tập hợp lại tạo ra sức mạnh phi thường di chuyển những phiến đá lớn như vậy. Những dấu vết gốm vỡ, đất cháy trong khu vực xung quanh mộ được các nhà nghiên cứu đưa giả thuyết phải chăng là hình ảnh các nghi lễ, phương thức mai táng của người xưa. Tuy nhiên, đó vẫn là giả thuyết, và những bí ẩn về ngôi mộ cổ vẫn đang chờ những khám phá mới của khảo cổ để có câu trả lời chính xác nhất.

Nhìn ngắm ngôi mộ cổ, nằm nép mình giữa những vườn trái cây bạt ngàn quả ngọt ở vùng đất Long Khánh, tôi không khỏi cảm thán về kiệt tác kiến trúc cổ độc đáo này, đây thực sự điểm du lịch hấp dẫn cho những ai ưa khám phá. Nhưng rồi bạn sẽ như tôi, lại u mê vào mê cung của những câu hỏi và vấn vương mãi khi chưa tìm được câu trả lời. Thế mới biết sức mạnh, ý chí, sức sáng tạo của người cổ xưa khiến hậu bối không dễ dàng giải mã.

Nguyễn Thắm

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/giai-ma-bi-an-lac-vao-me-cung-i740011/
Zalo