Trận đầu không chiến Hàm Rồng
Năm 1964, bị thua đau ở chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ dùng không quân và hải quân leo thang phá hoại miền Bắc. Trước dã tâm tàn bạo của kẻ thù, ngày 9/11/1964, Bác Hồ đến thăm Trung đoàn không quân 921, Bác nhắc nhở: 'Các chú phải học tập gương chiến đấu của các chiến sĩ miền Nam anh hùng, phát huy lối đánh gần bám thắt lưng địch mà đánh, phải đoàn kết, quyết tâm, đã đánh là thắng, thắng ngay trận đầu. Phải xây dựng truyền thống đánh giỏi để giữ gìn làm chủ đất nước, làm chủ biển trời Tổ quốc'. Lời Bác dạy hôm đó đã trở thành phương châm, tư tưởng chỉ đạo tác chiến của không quân Nhân dân Việt Nam.

Biên đội Trần Hanh trong trận không chiến trưa ngày 4/4/1965 (từ trái sang phải: Trần Hanh, Phạm Giấy, Lê Minh Huân, Trần Nguyên Năm).
Ngày 3 - 4/4/1965, đế quốc Mỹ bắt đầu cho máy bay đánh phá Hàm Rồng, Đò Lèn, bến Ghép. Trong cuộc chiến chống lại không quân Mỹ, lãnh đạo Bộ Quốc phòng quyết định cho lực lượng không quân tham chiến. Nhớ lời nhắc nhở của Bác Hồ, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp ra chỉ thị cho quân chủng: Phát huy truyền thống anh hùng của quân đội, phải đánh thắng trận đầu vì đây là một trong những trận đánh quan trọng, vừa có ý nghĩa chính trị lớn, vừa để bảo vệ đường giao thông huyết mạch vào chiến trường. Với tinh thần đó, chỉ trong hai ngày 3 - 4/4/1965, lần đầu xuất kích, không quân đã góp phần cùng quân dân Thanh Hóa và các lực lượng phòng không khác bắn rơi 47 máy bay của đế quốc Mỹ, trong đó không quân bắn rơi 5 chiếc.
Sáng ngày 3/4/1965, nhiều tốp máy bay cường kích các loại của Mỹ bay vào đánh phá cầu Tào, Đò Lèn, Hàm Rồng. Với tư thế sẵn sàng chiến đấu, Trung đoàn không quân 921 lệnh cho biên đội nghi binh yểm trợ do Đại úy Trần Hanh chỉ huy cất cánh. Tiếp đó biên đội công kích do Phạm Ngọc Lan chỉ huy gồm: Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ, Trần Minh Phương bay vào khu vực chiến đấu. Biên đội tiến công của Phạm Ngọc Lan bí mật, bất ngờ chia cắt, làm rối loạn đội hình địch buộc các máy bay cường kích của chúng phải bỏ mục tiêu oanh tạc để cùng với các máy bay tiêm kích không chiến với máy bay ta. Khi phát hiện địch, Phan Văn Túc đã nã đạn nhưng không trúng. Phạm Ngọc Lan bắn loạt đầu bị trượt mục tiêu. Anh lệnh cho Túc tiếp tục yểm hộ, bất ngờ đón đầu địch, rồi bắn. Loạt đạn của Phạm Ngọc Lan làm cho chiếc máy bay F8 bốc cháy. Phạm Ngọc Lan trở thành phi công Việt Nam đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ trong trận không chiến đầu tiên.
Qua phút bất ngờ, máy bay địch chống trả quyết liệt. Với quyết tâm cao, phi công Phan Văn Túc cũng đã dũng mãnh bắn rơi một chiếc F8 khác. Sau đó, hai biên đội Mig17 của ta được lệnh thoát về. Mặc dù Phạm Ngọc Lan đã lệnh cho đồng đội trở về, nhưng do phát hiện một chiếc F8 của địch, anh chuyển sang thế công kích để yểm trợ cho toàn biên đội, một mình tiếp tục truy đuổi chiếc F8, bám sát địch và bắn trúng đối phương. Chiếc F8 này rơi trên biển. Khi ấy, Phạm Ngọc Lan mới phát hiện máy bay của anh đã gần hết nhiên liệu và hỏng la bàn. Anh báo cáo sở chỉ huy, phán đoán đường bay về căn cứ. Cấp trên lệnh nhảy dù khẩn cấp nhưng anh quyết định bảo vệ chiếc máy bay theo cách cho hạ cánh bằng thân tại một bãi ngô ven sông Đuống. Với trình độ kỹ thuật tốt, Phạm Ngọc Lan đã hạ cánh an toàn. Dù vậy anh cũng bị thương nhẹ, trở về tạo thêm niềm tin cho đồng đội.

Biên đội chiến đấu ngày 3/4/1965 (từ trái qua phải: Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ, Trần Minh Phương).
Ngay hôm sau, ngày 4/4/1965, các máy bay của không quân ta tiếp tục không chiến trên vùng trời Hàm Rồng. Khoảng hơn 10 giờ, khi máy bay Mỹ bắt đầu điên cuồng ném bom đánh phá cầu Hàm Rồng thì biên đội nghi binh cất cánh. Tiếp sau đó, biên đội công kích do Đại úy Trần Hanh chỉ huy, cùng với Phạm Giấy, Lê Minh Huân và Trần Nguyên Năm xuất kích. Bí mật bay thấp và khi đến khu vực chiến đấu bay vọt lên, chiếm độ cao để công kích. Đã thấy máy bay địch trên bầu trời Hàm Rồng biên đội lập tức nã đạn. Mặc dù có nhiều biên đội máy bay cả tiêm kích và cường kích nhưng máy bay Mỹ vẫn bị ta bắn hạ. Một chiếc F105 bị Đại úy Trần Hanh bắn trúng rơi trên đường thoát ra biển. Chiếc thứ hai bị phi công Lê Minh Huân bắn đã nổ tung. Cả hai phi công Mỹ đều bị chết. Trận không chiến diễn ra nhanh. Tuy nhiên ba chiếc Mig17 của biên đội đã bị rơi. Chiếc do Lê Minh Huân lái rơi tại xã Thanh Thủy, huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn). Chiếc do Trần Nguyên Năm lái rơi tại huyện Hà Trung. Chiếc do Phạm Giấy lái rơi gần khu vực Hàm Rồng. Cả ba máy bay ta đều không có dấu hiệu nào cho thấy bị rơi do không quân Mỹ. Thi hài của ba phi công đã được đưa về an táng chu đáo tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Còn Đại úy Trần Hanh vì máy bay hết nhiên liệu nên buộc phải hạ cánh xuống một cánh đồng thuộc bản Kẻ Tằm, huyện Quỳ Châu, Nghệ An.
Chiến công đầu của không quân Nhân dân Việt Nam rất đáng tự hào. Thể hiện tinh thần quyết đánh, quyết thắng, mưu trí dũng cảm của lực lượng không quân non trẻ. Ý chí quyết tâm, mưu lược và dũng cảm của không quân Việt Nam khiến kẻ thù rất bất ngờ. So sánh mức độ hiện đại, tính năng và trang bị kỹ thuật của Mig17 kém rất nhiều so với máy bay tiêm kích của Mỹ. Phi công ta sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm, tiếp cận thật gần mục tiêu mới tiêu diệt được địch. Dùng Mig17 đối đầu với các máy bay của Mỹ là một quyết đoán chưa từng có. Thế nhưng với ý chí táo bạo, mưu trí trong trận chiến, Mig17 vẫn giành chiến thắng, hạ gục “thần sấm” F105, “thập tự quân” F8. Lập nên chiến công anh hùng trong lần đầu xuất kích. Với chiến công oanh liệt ấy, cùng các chiến công sau này, các phi công Phạm Ngọc Lan, Trần Hanh, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ, Lê Minh Huân đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Như vậy trong hai ngày 3 - 4/4/1965, không quân Nhân dân Việt Nam đã lập chiến công xuất sắc, cùng với các lực lượng phòng không trên địa bàn Thanh Hóa bắn rơi 47 máy bay giặc Mỹ. Trong đó các biên đội Mig17 xuất kích trận đầu đã góp phần tiêu diệt 5 chiếc. Ý đồ phá sập cầu Hàm Rồng của đế quốc Mỹ đã bị thất bại. Đó là chiến công của “Bộ đội Cụ Hồ” trong chiến tranh hiện đại chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Với chiến công ấy, không quân Nhân dân Việt Nam đã tô thắm thêm trang sử vàng vẻ vang của dân tộc ta trong công cuộc giữ gìn, bảo vệ Tổ quốc.