Lý do Houthi ngày càng trở nên kiên cường trước các cuộc không kích từ Hoa Kỳ
Theo kênh CNN, trong nhiều tuần qua, Hoa Kỳ đã liên tục tiến hành hàng loạt cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của lực lượng Houthi tại Yemen, phá hủy nhiều nhà máy lọc dầu, sân bay và bệ phóng tên lửa.

Khói bốc lên từ địa điểm ở thủ đô Sanaa, Yemen sau cuộc không kích của Mỹ ngày 19/3/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố sẽ sử dụng "sức mạnh áp đảo" cho đến khi Hoa Kỳ đạt được mục tiêu buộc lực lượng Houthi ngừng tấn công vào các hoạt động vận chuyển của tàu thuyền trên Biển Đỏ.
Trước đó, các chiến dịch tấn công nhằm vào Biển Đỏ của lực lượng Houthi được tuyên bố như một nỗ lực nhằm thể hiện hành động đoàn kết với người Palestine khi Israel phát động chiến tranh tại Gaza vào tháng 10/2023. Kể từ đó, lực lượng này đã thực hiện hơn 100 vụ tấn công và đánh chìm hai tàu tại khu vực này. Trước tình hình chiến sự căng thẳng, khoảng 70% tàu thương mại từng qua lại trên Biển Đỏ đã phải đi vòng qua cực Nam của châu Phi.
Phía Hoa Kỳ khẳng định chiến dịch đang phát huy hiệu quả. Cố vấn An ninh Quốc gia của nước này, ông Mike Waltz cho biết nhiều thủ lĩnh của Houthi đã bị tiêu diệt.
Tuy nhiên, theo CNN, mỗi đợt không kích của quân đội Hoa Kỳ chỉ càng khiến Houthi phản kháng mạnh mẽ hơn. Một chuyên gia kỳ cựu theo dõi Yemen đã so sánh tinh thần chiến đấu của lực lượng Houthi với tính cách của loài lửng mật. Đây là một loài động vật hiếu chiến nổi tiếng với thái độ không sợ hãi trước những kẻ săn mồi. Tuy bị rắn hổ mang cắn, lửng mật vẫn có thể đứng dậy sau vài phút và tiếp tục phản công.
Theo các nhà phân tích, có thể khoảng 80 sĩ quan của Houthi đã bị tiêu diệt, nhưng cấp lãnh đạo quân sự và chính trị cấp cao của lực lượng này dường như vẫn còn. Một số cơ sở phóng tên lửa của Houthi vẫn chưa bị phá hủy. Từ giữa tháng 3, Houthi đã phóng hàng chục tên lửa đạn đạo về phía Israel, cũng như nhiều tên lửa và thiết bị bay không người lái (UAV) vào các tàu hải quân Hoa Kỳ. Mặc dù cho đến nay không có vụ tấn công nào của Houthi gây ra thiệt hại quá lớn, nhưng mối đe dọa từ lực lượng này vẫn đang hiện hữu với Hoa Kỳ và đồng minh.
CNN dẫn nguồn tin cho biết chiến dịch quân sự của quân đội Hoa Kỳ tấn công lực lượng Houthi đã tiêu tốn gần 1 tỷ USD chỉ trong chưa đầy ba tuần. Tuy nhiên, cho đến nay các cuộc tấn công trên chỉ có tác động hạn chế tới năng lực chiến đấu của lực lượng này.
“Chúng tôi đang suy giảm mức độ sẵn sàng về đạn dược, nhiên liệu, thời gian triển khai”, một quan chức Hoa Kỳ cho biết.
Thay vì chùn bước, Houthi đe dọa sẽ mở rộng phạm vi tấn công sang Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) – quốc gia ủng hộ chính quyền có quan điểm đối đầu với Houthi trong cuộc nội chiến ở Yemen. Saudi Arabia cũng đã đặt hệ thống phòng không trong tình trạng báo động cao.
"Hàng chục cuộc không kích sẽ không ngăn được Lực lượng Vũ trang Yemen thực hiện các nhiệm vụ tôn giáo, đạo đức và nhân đạo của mình", người phát ngôn của Houthi tuyên bố trong tuần này.
Không thể phủ nhận chiến dịch tấn công của Hoa Kỳ đã gây tổn thất không nhỏ cho Houthi. Ông Michael Knights – chuyên gia cấp cao tại Viện Washington – nhận định Houthi có thể đã mất phần lớn năng lực chế tạo UAV, và nguồn tiếp tế qua đường biển lẫn qua Oman đang bị ngăn chặn hiệu quả hơn. Houthi không còn ở trong trạng thái “thoải mái” nữa.
Tuy vậy, theo CNN, lịch sử trước đó cho thấy Houthi có khả năng chịu đựng “sự đau đớn” cực kỳ tốt. Quyết tâm của chính quyền Tổng thống Trump nhằm xóa bỏ mối đe dọa mang tên Houthi có thể đòi hỏi nước này tiến hành một cuộc tấn công trên bộ.
Ông Knights nhận xét rằng Houthi đã quá quen thuộc với các cuộc chiến và lực lượng này có ý thức hệ, đồng thời là những chiến binh rất kiên cường đến từ miền Bắc Yemen.
Sức sống của quân đội Houthi được hỗ trợ bởi một mạng lưới vận chuyển “tinh vi” các bộ phận tên lửa và thiết bị quân sự. Theo điều tra của tổ chức Nghiên cứu vũ khí trong xung đột (CAR), vào năm ngoái, nhiều thiết bị như: các thành phần của pháo phản lực, động cơ phản lực nhỏ và pin nhiên liệu hydro đã được phát hiện trên một còn tàu bị chặn lại.
Những thiết bị này có thể giúp UAV của Houthi mang được tải trọng lớn hơn và bay lâu hơn, qua đó “mở rộng đáng kể mối đe dọa tiềm tàng”, CAR nhận định.
Lực lượng Houthi đã “sống sót” qua nhiều chiến dịch quân sự, từ thời Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh, đến cuộc tấn công của Saudi Arabia cách đây 10 năm, rồi tới các đợt không kích gần đây của Israel, Anh và Hoa Kỳ.
Ông Ahmed Nagi – chuyên gia cấp cao về Yemen tại tổ chức Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (IDG) nhận định Israel và phương Tây đã không hiểu sâu về Houthi. Ông cho biết rằng cơ cấu lãnh đạo kín kẽ và nội bộ phức tạp của Houthi khiến tình báo phương Tây luôn bị thiếu hụt thông tin liên quan.
Một chuyên gia khác về Yemen, bà Elisabeth Kendall đã đặt câu hỏi về mục tiêu cuối cùng của chiến dịch từ phía Hoa Kỳ. “Người Houthi đã bị đánh bom hàng chục nghìn lần trong suốt thập kỷ qua nhưng vẫn không hề nao núng. Vì vậy, người ta bắt đầu nghĩ các cuộc không kích chỉ mang tính phô diễn rằng: chúng tôi làm điều đó vì chúng tôi có thể”.
Theo ông Knights, việc gây sức ép với Houthi là vô cùng khó khăn và cách duy nhất để chấm dứt vĩnh viễn chỉ có thể là lật đổ, đánh bật họ khỏi thủ đô và đưa họ ra khỏi bờ Biển Đỏ.
Các nguồn ngoại giao tại khu vực cũng như các nhà phân tích cho rằng chỉ có chiến dịch trên bộ mới có thể đẩy lùi được Houthi – lực lượng hiện đang kiểm soát thủ đô Sanaa, cảng Hodeidah và phần lớn miền Bắc Yemen.
Ông Ahmed Nagi cảnh báo Hoa Kỳ đang sai lầm khi nghĩ rằng chiến dịch không kích có thể khiến Houthi lùi bước. “Cách tiếp cận này đã thất bại dưới thời chính quyền ông Biden và khó có khả năng thành công dưới thời chính quyền ông Trump”, ông nói thêm.
Ông Knights nhận định lực lượng Houthi đã quen với chiến tranh và xem khả năng chịu đựng là sức mạnh và quyết chứng minh rằng mình không dễ bị khuất phục. “Lần duy nhất tôi thấy người Houthi ngồi vào bàn đàm phán là khi họ đối mặt nguy cơ thất bại thực sự trên thực địa: mất lãnh thổ, mất quyền kiểm soát dân cư và mất đường ra biển”, ông cho biết.
Điều này từng xảy ra vào năm 2017 khi các lực lượng do UAE hậu thuẫn đe dọa quyền tiếp cận Biển Đỏ – tuyến đường sống còn về kinh tế và quân sự với Houthi.
Có thể nói, Houthi thậm chí còn có thể “tận hưởng” các đợt không kích của Hoa Kỳ. Đây là lời hồi đáp trực tiếp cho lời cầu nguyện khi họ muốn chiến tranh với Hoa Kỳ, ông Farea Al-Muslimi, nhà nghiên cứu người Yemen tại Chatham House, nhận định. Ông cho rằng Houthi muốn kéo Hoa Kỳ vào một cuộc leo thang lớn hơn tại khu vực.
Kịch bản tấn công trên bộ của Hoa Kỳ đối với Houthi?
Lực lượng Houthi đang tranh giành quyền kiểm soát Yemen với một chính phủ được nhiều quốc gia công nhận – hiện chỉ kiểm soát phần phía Nam đất nước và được UAE hậu thuẫn. Câu hỏi đặt ra là liệu lực lượng trung thành với chính phủ này có thể tiến đánh Houthi?
“Họ đã được huấn luyện và trang bị”, ông Knights cho biết. Nhưng vẫn còn nhiều nghi ngờ về sự đoàn kết của lực lượng này.
Giới phân tích không cho rằng Hoa Kỳ sẽ triển khai bộ binh, ngoài một số đơn vị đặc nhiệm hỗ trợ chỉ huy không kích. Hoa Kỳ có thể cung cấp hậu cần và một số vũ khí chiến lược. UAE được cho là sẽ “hỗ trợ thầm lặng” như cách họ luôn hậu thuẫn cho chính quyền có trụ sở tại Aden.
Lập trường của Saudi Arabia thì chưa rõ ràng về vấn đề này. Ông Knights cho rằng Riyadh quan ngại việc Houthi có thể sẽ trả đũa bằng tên lửa và UAV tầm xa nhằm vào hạ tầng trọng yếu. Trong khi đó, Hoa Kỳ đã tăng cường chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa cho Saudi trong thời gian gần đây.
Nguồn tin ngoại giao khu vực cho biết các kế hoạch cho một chiến dịch trên bộ triển khai từ phía Nam, phía Đông và dọc theo bờ biển Yemen đang được chuẩn bị. Lực lượng hải quân Hoa Kỳ và Saudi Arabia có thể phối hợp tấn công nhằm giành lại cảng Hodeidah.
“Liệu một hoạt động như vậy có khả thi hay không vẫn chưa rõ ràng, vì thập kỷ qua đã cho thấy nhiều kết quả trái chiều, thành công ở một số khu vực và thất bại ở những khu vực khác", ông Nagi nhận định.