Trạm thu gom và hành trình 'tái sinh' rác thải
Đều đặn mỗi cuối tuần, tại một căn nhà nhỏ nằm trong khu tập thể Thanh Xuân Bắc, phố Khuất Duy Tiến (Hà Nội), một nhóm bạn trẻ gần 30 thành viên lại tiến hành thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt để tái chế thành sản phẩm mới.

Các trạm thu rác đổi quà của Tagom trong các sự kiện hợp tác với trung tâm thương mại.
Tagom là một dự án bảo vệ môi trường được chị Nguyễn Thùy Linh (Hà Nội) và anh Vũ Đức Chung (Hà Nội) thành lập vào năm 2022. Thời điểm này, nhận thấy tại Hà Nội đã có nhiều câu lạc bộ, tổ chức môi trường hoạt động, tuy nhiên tần suất hoạt động vẫn còn ít. Vì vậy, chị ấp ủ cho ra đời dự án Tagom, không phải để thay thế hay cạnh tranh, mà hy vọng sẽ góp phần hỗ trợ những “bài toán còn bỏ ngỏ” trong công tác thu gom và phân loại rác tại nguồn cho người dân.
Chị Thùy Linh chia sẻ: “Mình nghĩ hiện nay nhiều tổ chức môi trường đã làm tốt ở mảng truyền thông và tổ chức sự kiện với các chương trình ‘đổi rác lấy quà’, nhưng vẫn còn thiếu hệ thống hướng dẫn phân loại rác rõ ràng cho người dân. Ngoài ra, hoạt động thu gom rác không thường xuyên khiến nhiều người phải chờ đến đúng dịp mới có thể mang rác đến điểm thu gom. Chúng mình nhận thấy nhu cầu và mong muốn từ phía cộng đồng vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ, vì vậy mà Tagom ra đời”.

Đều đặn mỗi cuối tuần, Tagom lại tiếp đón nhiều người dân mang rác đến điểm tập kết.
Thực tế, Tagom đã hỗ trợ thay đổi thói quen phân loại rác của nhiều người dân và bạn trẻ. Chị Kiều Anh sống tại quận Hà Đông, song vẫn đều đặn đem những loại rác phù hợp đến đây để tập kết.
“Mình biết đến Tagom qua mạng xã hội và thấy những hoạt động này rất có ích cho môi trường. Mình bắt đầu thay đổi thói quen bằng cách thu gom những vỏ hộp sữa, túi nylon dùng ở nhà hay những chai thủy tinh bỏ đi và pin cũ. Việc làm nhỏ, nhưng mình cũng muốn có thể góp phần nào đấy giảm thiểu tác động của rác ra môi trường”, Kiều Anh cho hay.

Đội ngũ các thành viên dự án Tagom.
Cái tên “Tagom” bắt nguồn từ ý tưởng kết hợp hai từ “tái chế” và “thu gom”, đồng thời cũng là những hoạt động mà dự án tập trung theo đuổi. Chị Thùy Linh cho biết, sau một thời gian hoạt động, tên gọi này còn được nhiều thành viên và người dân hiểu theo nghĩa khác là “Chúng ta cùng gom”, như một lời kêu gọi cộng đồng chung tay thu gom và phân loại rác thải đúng cách để bảo vệ môi trường.
Hiện nay, theo khoản 18, Điều 3 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, dựa trên trạng thái vật lý, chất thải được phân loại ở 3 thể rắn, lỏng, khí, được thải ra từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc các hoạt động khác. Cụ thể, chất thải có thể tồn tại ở dạng rắn như: bao bì, chai lọ, đồ dùng sinh hoạt, lỏng: nước thải sinh hoạt, công nghiệp, và khí: khí thải từ xe cộ, nhà máy,...
Trong đó, rác thải rắn - một loại rác phổ biến trong đời sống hằng ngày, nếu không được phân loại từ đầu sẽ làm giảm khả năng tái chế, gây áp lực lên các bãi chôn lấp vốn đang quá tải và cuối cùng dẫn đến ô nhiễm đất, nguồn nước ngầm.
Nhận thức rõ điều đó, dự án Tagom đã triển khai mô hình thu gom và phân loại rác sinh hoạt tại nguồn. Mỗi cuối tuần, nhóm tiếp nhận rác do người dân mang tới trạm, phân loại, đóng gói tại chỗ rồi chuyển về kho tập kết trước khi đưa đến nhà máy tái chế.
Điểm nổi bật trong mục tiêu hoạt động của Tagom là việc hướng dẫn người dân chủ động và tự giác phân loại rác tại nguồn, tập trung vào nhóm rác thải khó phân hủy để giảm thiểu tác động của nhóm rác này tới môi trường.
Trước mỗi đợt thu gom, nhóm luôn chuẩn bị tài liệu hướng dẫn chi tiết, đồng thời chia sẻ thông tin qua mạng xã hội để giúp người dân nắm được cách phân loại đúng ngay tại nhà. Khi đến trạm, nếu còn bỡ ngỡ, người tham gia sẽ được các tình nguyện viên hỗ trợ trực tiếp.
Dựa trên đặc điểm, tính chất và mức độ gây hại của từng loại, rác tại Tagom sẽ được chia vào 10 nhóm: giấy, bìa; vỏ hộp đồ uống giấy; kim loại; nhựa dễ tái chế; nhựa khó tái chế; nylon cứng; nylon mềm; pin; rác điện tử; thủy tinh. Từng loại rác được xử lý riêng biệt trước khi chuyển đi, và Tagom luôn theo sát toàn bộ quy trình nhằm bảo đảm rác được xử lý đúng chuẩn, đúng nơi và có cơ hội được “tái sinh” thành những sản phẩm hữu ích.
Không dừng lại ở các loại rác phổ biến như giấy, nhựa hay kim loại, Tagom còn tiếp nhận cả những loại rác khó tái chế như xốp, bao bì bánh kẹo, túi nylon hay các nhóm rác khó xử lý như pin, rác điện tử… Trong đó, rác điện tử vốn là nhóm rác chứa các thành phần độc hại như chì, thủy ngân, bromua… nếu không được xử lý đúng cách.

Các thùng phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại trạm thu gom của Tagom.
Đối với nhóm rác này, Tagom có quy trình xử lý riêng để bảo đảm xử lý an toàn, giảm thiểu tối đa nguy cơ gây hại cho môi trường. Song song với việc thu gom, Tagom còn tích cực khuyến khích người dân thay đổi thói quen bằng việc thường xuyên tổ chức các chương trình về môi trường, các chương trình thu gom rác kết hợp với các tổ chức, câu lạc bộ, hay khuyến khích hạn chế sử dụng pin dùng một lần, chuyển sang các giải pháp thân thiện hơn như pin sạc hoặc thiết bị sạc có dây,... nhằm giảm lượng rác thải độc hại ngay từ đầu.
Chị Ngọc Minh (19 tuổi, Hai Bà Trưng), thành viên dự án, cho hay: “Mình quyết định tham gia Tagom vì mình cảm thấy những hoạt động này rất ý nghĩa và truyền cảm hứng. Với mình, việc trực tiếp tham gia phân loại rác và hỗ trợ lan tỏa ý thức môi trường tới người dân là một trải nghiệm thực tế quý báu và một cách đóng góp tích cực cho xã hội”.
Hành trình thay đổi thói quen và nhận thức cộng đồng chưa bao giờ dễ dàng. Trong quá trình hoạt động, một trong những thách thức lớn nhất của Tagom là duy trì nguồn nhân lực.
Chị Nguyễn Thùy Linh cho biết, hầu hết thành viên tham gia dự án là sinh viên với lịch trình bận rộn và ít thời gian tham gia hoạt động xã hội. Những ngày đầu thành lập, nhóm chỉ có vài ba thành viên xoay xở với mọi công việc, từ tiếp nhận, phân loại cho tới vận chuyển rác. Việc thiếu người khiến khối lượng công việc dồn lên vai từng cá nhân, đôi khi khiến các hoạt động bị gián đoạn hoặc chậm tiến độ.
Chị Thùy Linh chia sẻ: “Những hoạt động môi trường như thế này thường khiến khá nhiều người e ngại, hơn nữa công việc cũng đòi hỏi sự kiên trì lớn. Lúc thiếu người khá vất vả, có thời điểm chỉ có vài bạn xoay sở nhiều công việc từ nghiên cứu tài liệu, xây dựng kế hoạch hay thu gom, phân loại rác… Nhưng dần dần, chúng tôi đã khắc phục được bằng cách mở rộng mạng lưới, hợp tác với các câu lạc bộ, tổ chức sinh viên và các nhóm tình nguyện. Nhờ đó, Tagom ngày càng có thêm nguồn lực để duy trì và mở rộng hoạt động”.
Không chỉ khó khăn về nhân sự, vấn đề tài chính cũng luôn là bài toán lớn. Để duy trì hoạt động lâu dài và bền vững, Tagom đã từng bước hợp tác với các doanh nghiệp triển khai nhiều dự án cộng đồng như: Chương trình “Đổi rác lấy quà” kết hợp với Aeon Mall; Dự án Tắt đèn bật ý tưởng; các buổi thu gom rác tại nhiều trường học trên thành phố và nhiều chương trình hướng dẫn tái chế rác thải…
Nhờ kiên trì theo đuổi mục tiêu phân loại rác tại nguồn, Tagom ngày càng mở rộng quy mô, hiện Tagom đã mở rộng mô hình với các "trạm cứu hộ môi trường" đặt tại nhiều quận, huyện ở Hà Nội như Gia Lâm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân và Hoàng Mai.
Tại đây, người dân có thể mang rác đến nộp và được hướng dẫn tham gia trực tiếp vào quy trình phân loại rác. Từ vài trăm kg ban đầu, hiện nay mỗi tháng nhóm tiếp nhận khoảng 5-10 tấn rác/tháng và khoảng 300-500 người dân mang rác đến tập kết.
Trong thời gian tới, nhóm định hướng nhân rộng mô hình “trạm cứu hộ môi trường”. Chị Thùy Linh cho biết, mục tiêu của Tagom là từng bước mở rộng những trạm thu gom này tới nhiều quận, huyện hơn trên địa bàn thành phố. Việc phủ rộng các điểm thu gom không chỉ giúp nâng cao khả năng tiếp cận và thu gom rác mà còn hướng tới việc tạo ra một thói quen cho người dân về việc phân loại rác đều đặn.
Không dừng lại ở đó, Tagom cũng đang nghiên cứu để cải tiến mô hình thu mua ve chai truyền thống - một hệ thống thu gom phi chính thức nhưng vẫn còn nhiều hạn chế trong việc phân loại và xử lý rác đúng cách. Nhóm mong muốn có thể kết hợp với mô hình ve chai, từ đó thu gom được nhiều loại rác hơn, đặc biệt là nhóm rác ít được quan tâm như rác điện tử.
Song song với việc phát triển hệ thống, Tagom cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông và lan tỏa kiến thức về phân loại rác và bảo vệ môi trường đến nhiều người dân hơn thông qua các hoạt động cộng đồng.
Bằng cách tạo ra một hệ sinh thái thu gom và tái chế rác thông minh, bền vững và dễ tiếp cận, Tagom hy vọng sẽ góp phần thay đổi nhận thức xã hội về rác - từ thứ bị bỏ đi thành nguồn tài nguyên có thể tái sinh, nếu được xử lý đúng cách.