Trầm cảm sau sinh

Hạnh, cô gái 24 tuổi và vừa mới sinh con gái đầu lòng cách đây 4 tháng. Cô được chồng và mẹ chồng đưa đến thăm khám với nỗi lo sợ rằng cô có thể tự sát và gây ra nguy hại cho cô con gái 4 tháng tuổi.

Tranh minh họa: Lê Duy

Tranh minh họa: Lê Duy

Ngồi trong văn phòng cùng tôi, Hạnh tỏ ra mệt mỏi, mất năng lượng, ủ rũ và có thể khóc bất cứ lúc nào. Cô nói rằng từ cách đây hơn 1 tháng, cô cảm thấy không còn thiết sống nữa, cô chán nản và bi quan, hay suy nghĩ tiêu cực, cảm giác tự tội và ý tưởng tự sát xuất hiện liên tục trong đầu. Cô ăn rất nhiều và đã tăng cân nhanh chóng đến gần 80kg. Cô ngủ bất kể lúc nào và thường rất mệt mỏi sau khi thức giấc.

Các dấu hiện của Hạnh được xem như các triệu chứng của tình trạng trầm cảm sau sinh, một vấn đề khá phổ biến của phụ nữ sau quá trình sinh đẻ một thời gian.

Theo các nghiên cứu, trầm cảm sau sinh thường xảy ra ở 10-15% phụ nữ sau sinh. Mặc dù mỗi phụ nữ đều có nguy cơ, nhưng những phụ nữ sau đây có nguy cơ cao hơn: trải qua trạng thái buồn chán sau sinh (baby blues); có tiền sử trầm cảm trước đó; gia đình có tiền sử người trầm cảm; có nhiều yếu tố gây căng thẳng như: xung đột với chồng, khó khăn tài chính, xung đột với cha mẹ chồng…

Mặc dù trầm cảm sau sinh là khá phổ biến, nhưng nhiều phụ nữ thường không sẵn sàng tìm đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần chuyên nghiệp do không hiểu các trải nghiệm mình đang có. Vì thế các triệu chứng có thể ngày càng gia tăng, điều này có thể dẫn tới nhiều hệ lụy tiêu cực, kể cả vấn đề an toàn của trẻ con, hoặc quá trình phát triển nhân cách sau này của các em bởi có bà mẹ trầm cảm. Việc thăm khám và điều trị thường có sự phối hợp giữa bác sĩ chuyên khoa tâm thần và nhà tâm lý lâm sàng mới có hiệu quả lâu dài và tránh tái phát.

Tiến sĩ Lê Minh Công

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202407/tram-cam-sau-sinh-6ad111f/
Zalo