Dấu hiệu của viêm amidan hốc mủ

Viêm amidan hốc mủ là tình trạng viêm amidan mạn tính, gây đau đớn và khó chịu cho người bệnh. Tình trạng này thường không quá nguy hiểm, tuy nhiên nếu không được điều trị và chăm sóc hợp lý, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng và làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng.

Nguyên nhân gây viêm amidan hốc mủ

Viêm amidan hốc mủ có nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó nguyên nhân chính là bệnh chưa được điều trị hay không điều trị dứt điểm viêm amidan cấp tính triệt để. Nếu để tình trạng viêm amidan kéo dài hoặc bệnh nhân không tuân thủ theo phác đồ điều trị viêm amidan cấp, sẽ khiến bệnh càng trầm trọng hơn và xuất hiện mủ.

Yếu tố từ môi trường sống ô nhiễm, nhiều bụi bẩn, vi khuẩn… sẽ dẫn đến viêm amidan hốc mủ. Lối sống không khoa học như thường xuyên sử dụng các chất độc hại, uống rượu bia, hút thuốc lá, ăn uống không điều độ, hay ăn đồ cay nóng, dùng các chất kích thích khác… đều làm tăng tình trạng viêm amidan.

Thay đổi thời tiết, chuyển mùa cũng có thể khiến cơ thể kém thích nghi, bị tác động và dẫn đến các tổn thương amidan.

Dấu hiệu nhận biết viêm amidan hốc mủ

Dấu hiệu nhận biết viêm amidan hốc mủ thường dễ bị nhầm lẫn thành ung thư vòm họng. Điều này khiến người bệnh lo lắng và đôi khi dẫn đến việc điều trị sai cách.

Các triệu chứng của viêm amidan hốc mủ có thể dễ nhận biết như:

Đau họng;
Tăng tiết nước bọt;
Xuất hiện các hạch cứng, đau ở cổ hoặc bên dưới hàm.
Người bệnh bị khó nuốt, không nuốt được hoặc có cảm giác nuốt vướng.
Khô rát, đau nhói ở cổ họng, đôi khi cơn đau có thể lan đến tai. Khi soi gương có thể nhìn thấy lớp mủ trắng, lớn vón cục đóng thành khối như bã đậu. Bề mặt amidan xuất hiện các chấm mủ trắng, vón thành kén, mùi hôi.

Nếu không được điều trị thì viêm amidan hốc mủ sẽ xuất hiện tình trạng bội nhiễm, ổ viêm lan rộng, áp xe amidan xuất hiện sau đợt viêm cấp tính từ 5 – 7 ngày khiến bệnh nhân bị đau họng, sốt cao, giọng nói thay đổi.

Biến chứng toàn thân là nhiễm khuẩn huyết, viêm thận, viêm khớp hoặc suy tim.

Nguy hiểm hơn nếu chủ quan hoặc điều trị không đúng cách, viêm amidan hốc mủ có thể gây biến chứng tại khớp như viêm đa khớp dạng thấp, viêm đa khớp cấp… Nếu tình trạng viêm sưng to, trẻ dễ bị suy hô hấp, thậm chí ngưng thở khi ngủ. Vì vậy, để viêm amidan hốc mủ không ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe thì người bệnh nên nhanh chóng tìm đến các cơ sở y tế để thăm khám và có biện pháp điều trị phù hợp.

Viêm amidan hốc mủ là tình trạng viêm amidan mạn tính.

Viêm amidan hốc mủ là tình trạng viêm amidan mạn tính.

Điều trị viêm amidan hốc mủ

Với viêm amidan hốc mủ, tùy vào tình trạng bệnh mà có những phương pháp điều trị khác nhau.

Với phương pháp điều trị nội khoa, vấn đề điều trị chủ yếu là khắc phục triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng. Điều trị nội khoa thường được sử dụng tùy thuộc vào thể trạng và tình trạng bệnh của mỗi bệnh nhân, các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp.

Phẫu thuật cắt amidan được chỉ định trong các trường hợp:

Viêm amidan hốc mủ tái phát nhiều lần (5 - 6 lần/năm);
Gây nhiều biến chứng như áp xe amidan, viêm tấy lan tỏa, viêm phổi...;
Gây các biến chứng toàn thân như: Viêm cầu thận, thấp khớp, thấp tim, nhiễm khuẩn huyết, rối loạn tiêu hóa;
Viêm amidan mạn tính quá phát gây khó khăn trong ăn uống, khó thở, khó nói...

Phòng ngừa viêm amidan hốc mủ

Người bệnh viêm amidan hốc mủ cần lưu ý một số vấn đề về chế độ ăn uống và sinh hoạt để tránh làm bệnh nghiêm trọng hơn. Một số lưu ý và lời khuyên dành cho người bệnh viêm amidan hốc mủ bao gồm:

- Giữ gìn vệ sinh răng miệng, vòm họng hợp lý. Chải răng ngày hai lần vào buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Ngoài ra, người bệnh có thể súc miệng bằng nước muối ấm để cải thiện các dấu hiệu viêm amidan và ngăn ngừa các bệnh răng miệng.

- Cần ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, thực phẩm giàu dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng.

Uống nhiều nước và uống nước ấm, không nên uống nước đá quá nhiều, đặc biệt là khi thời tiết trở lạnh. Với người hay bị viêm họng thì nên hạn chế nói to, không nên la hét, vì điều này có thể gây tổn thương amidan, thanh quản và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về họng nặng hơn.

Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để tăng cường sức đề kháng. Sử dụng khẩu trang và các vật dụng bảo hộ khi cần đi ra ngoài. Những người làm việc ở môi trường nhiều khói bụi, hóa chất thì nên sử dụng quần áo bảo hộ, che chắn mũi, miệng cẩn thận.

BS. Nguyễn Văn Thanh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dau-hieu-cua-viem-amidan-hoc-mu-169240710005511129.htm
Zalo