Trái tim 'vỡ vụn' do căng thẳng dồn nén
Người bệnh mắc bệnh mạn tính dễ rơi vào trạng thái căng thẳng – đây là yếu tố có thể kích hoạt hội chứng trái tim tan vỡ.
Hai năm nay, bà Bùi Thị An (70 tuổi, ngụ tại TP.HCM) sống chung với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Năm ngày trước khi nhập viện, bà cảm thấy mệt mỏi, ho khạc đờm trắng, khó thở tăng dần. Tưởng bệnh phổi tái phát nên bà tự dùng thuốc giãn phế quản dạng xịt nhiều lần trong ngày. Tuy nhiên, tình trạng không cải thiện, thậm chí bà khó thở đột ngột và được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Tại đây, bà An được chẩn đoán suy hô hấp do phù phổi cấp, có dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp. Kết quả siêu âm tim cho thấy buồng tim trái giãn, đặc biệt vùng giữa và mỏm tim giảm co bóp rõ rệt, trong khi phần đáy tim hoạt động bình thường. Hình ảnh buồng tim trái giãn phình giống hình chiếc bình hồ lô – dấu hiệu điển hình của hội chứng “trái tim tan vỡ” hay còn gọi là bệnh cơ tim Takotsubo.
Theo BS.CKI Dương Thị Nguyệt Anh, Khoa Hồi sức Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, hội chứng này thường xảy ra sau những cú sốc tinh thần hoặc thể chất nghiêm trọng, không liên quan đến tắc nghẽn động mạch vành như nhồi máu cơ tim.
Bệnh nhân hồi phục sau 7 ngày điều trị tích cực, trong đó có dùng thuốc giãn phế quản, kháng sinh và thuốc điều trị suy tim.
Một trường hợp khác là bà Lê Hoa (65 tuổi, Hà Nội) bị chấn thương sọ não do ngã từ độ cao 3 mét. Bốn ngày sau, bà xuất hiện dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp, men tim tăng cao. Tuy nhiên, kết quả chụp mạch vành không phát hiện tắc nghẽn. Siêu âm tim cho thấy rối loạn vận động tại mỏm tim – đặc trưng của hội chứng Takotsubo.

Bác sĩ Nguyệt Anh khám cho bệnh nhân tại khoa Hồi sức Nội tim mạch. (Ảnh: BV)
Khi stress làm tổn thương tim
Hội chứng Takotsubo lần đầu tiên được các bác sĩ Nhật Bản mô tả vào năm 1990. Tên gọi “Takotsubo” xuất phát từ hình ảnh buồng tim trái giãn bất thường – giống chiếc bẫy bắt bạch tuộc của ngư dân Nhật. Hội chứng này chủ yếu xảy ra ở phụ nữ trên 50 tuổi, đặc biệt phổ biến trong độ tuổi 61-76.
Nguyên nhân gây ra Takotsubo là do sự tăng đột ngột các hormone căng thẳng như adrenalin từ tuyến thượng thận. Căng thẳng tinh thần (mất người thân, ly hôn, lo âu kéo dài…) hoặc thể chất (tai nạn, bệnh cấp tính) đều có thể kích hoạt phản ứng tim bất thường.
Nguy hiểm ở chỗ, triệu chứng của hội chứng này rất giống nhồi máu cơ tim cấp, đau thắt ngực, khó thở, ngất xỉu. Điện tâm đồ, men tim tăng đều có thể gây nhầm lẫn. Chỉ khi chụp mạch vành không có tắc nghẽn, siêu âm tim thấy rối loạn vận động điển hình thì bác sĩ mới có thể xác định đây là Takotsubo.
Mặc dù phần lớn bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau vài tuần, hội chứng này vẫn có thể gây biến chứng nguy hiểm như suy tim, loạn nhịp, huyết khối hoặc thậm chí tử vong (dù hiếm). Khoảng 20% bệnh nhân có thể gặp suy tim tạm thời sau cơn cấp.
Chìa khóa phòng ngừa
Người mắc bệnh mạn tính, đặc biệt là COPD, hen suyễn, trầm cảm… dễ bị kéo vào vòng xoáy lo lắng, căng thẳng kéo dài – yếu tố nguy cơ cao dẫn đến hội chứng Takotsubo. Điều này lý giải vì sao một số bệnh nhân tưởng chừng chỉ bị khó thở do bệnh lý hô hấp nhưng thực tế lại có tổn thương tim do stress.
Hiện chưa có phác đồ điều trị chuẩn cho hội chứng Takotsubo. Tùy theo triệu chứng và mức độ tổn thương tim, bác sĩ có thể chỉ định các thuốc như chẹn beta, ức chế men chuyển, thuốc lợi tiểu, hoặc aspirin và statin nếu có xơ vữa mạch vành.
Để phòng ngừa, các chuyên gia khuyến cáo, mọi người cần giữ tâm lý ổn định trong quá trình điều trị bệnh mạn tính; tập thể dục nhẹ nhàng, thiền, đọc sách, trò chuyện với người thân để giảm lo âu; tránh căng thẳng đột ngột, hạn chế sốc tâm lý lớn. Bạn hãy đi khám sớm khi có biểu hiện đau ngực, khó thở, mệt mỏi kéo dài.