Trái tim hòa bình

“Mình ơi! Sau này… khi đứa nhỏ lớn lên… mình dặn nó phải sống cho xứng đáng với công lao của những người đi trước… Phải quý trọng hòa bình… nghe mình!”.

Minh họa: PV

Minh họa: PV

Câu nói ấy của người đồng đội một lòng sắt son với Tổ quốc, người vợ hiền mà ông tôn thờ suốt một đời, vẫn còn văng vẳng bên tai ông suốt Ở đoạn hầm sâu nhất chỉ còn oa oa tiếng khóc của một thiên thần nhỏ…

*

- Minh Hòa, con phải nhớ lấy lời mẹ con dặn, phải quý trọng hòa bình, nghe con!

Thỉnh thoảng, ông lại từ tốn nói với con gái mình như vậy. Cô gái đã thuộc làu từng chữ, song vẫn tỏ ra lắng nghe để ba vui lòng. Cô nhìn ba, như nhìn một người đi trước, một thế hệ đã từng sống và chiến đấu hết mình vì Tổ quốc để có được nền hòa bình hôm nay. Cô thương ba da diết. Còn với ông - người thương binh già nua còn bao nhiêu lần ngắm xuân sang, cô là báu vật. Trong căn hầm tối om năm ấy, cô gái nhỏ chính là vầng dương soi đường cho ông. Người lính năm xưa đã chọn cái tên Minh Hòa để đặt cho cô mà mãi sau này, khi cô hỏi về ý nghĩa cái tên đó, người ba hiền từ giải thích rằng, “Minh” là sáng suốt, “Hòa” trong chữ hòa bình. Ông muốn tên cô mang ý nghĩa khát vọng hòa bình muôn thuở…

Cô không biết mặt mẹ mình. Tấm ảnh duy nhất mà người ba gìn giữ, giờ cũng đã phai mờ theo thời gian. Chiến tranh, những lấp vùi, mưa nắng, tháng năm… đã làm cho tấm ảnh đen trắng nhợt nhạt đi. Ông tiếc lắm, song không thể giữ được. Người mẹ một lòng trung trinh với đất nước của cô chỉ được cô hình dung qua lời kể của ba và qua trí tưởng tượng, qua nỗi nhớ thương cháy bỏng. Những lúc ngồi cùng con gái trong khu vườn nhỏ có hoa tím nở rực trong khung trời chiều, ông thường kể về thời binh lửa, về người phụ nữ mà ông thương suốt một đời. Chắc ông sợ rằng, nếu không nhắc về mẹ, có lẽ cô sẽ quên. Nhưng cô chưa bao giờ quên mẹ mình. Trong tim cô, hình ảnh người mẹ có bím tóc dài phía sau, tóc cài hoa trắng, vẫn sống mãi.

Câu chuyện về chiến tranh, binh lửa thì có kể bao nhiêu cũng không sao hết được. Ít lâu, cô lại thỏ thẻ bên tai người cựu chiến binh già:

- Kể chuyện chiến tranh cho con nghe đi ba!

Ông cười, khiến cái vết sẹo bên má trái bị xô lệch, đỏ ửng.

- Chuyện chiến tranh thì có gì mà thú vị? Kể chuyện đời nay, chuyện hòa bình, chuyện ấm no, hạnh phúc mới hay! Con thấy không, hòa bình thật đẹp!

Mắt ông long lanh khi nói chuyện hòa bình. Là một người bước ra từ chiến tranh khói lửa, song ông thích nói về hòa bình hơn là chiến tranh, bởi đó là niềm mong ước của triệu người, là thành quả của bao hy sinh, đánh đổi xương máu mới có được.

Cô lớn lên trong không khí của đất nước hòa bình. Người cựu chiến binh già dắt tay cô đi qua những tháng ngày gian khó của đất nước, giờ đây tóc đã bạc màu, lưng đã còng và trí nhớ cũng không còn như ngày xưa nữa. Thế nhưng, những hồi ức về tháng ngày gian lao, hành quân ở chiến trường, sống trong địa đạo tối tăm hiểm hóc… vẫn còn vẹn nguyên như mới hôm qua, hôm kia ông vẫn còn chạm tay lên đôi má mềm của người con gái, người đồng chí mà ông dành trọn tình yêu. Mỗi lần hồi tưởng, ông thấy tim mình se sắt. Lo cho sức khỏe của ba, lo rằng ba sẽ mãi đắm chìm trong vùng ký ức cũ, cô khuyên:

- Thôi ba đừng hoài niệm chuyện xưa nữa. Ba giữ sức khỏe và vui vẻ với con. Như ba nói, chiến tranh đã lùi xa, đau thương cũng đã qua. Ba cứ mãi nhớ về quá khứ thì lòng ba sẽ không thể nhẹ nhàng, thanh thản được.

- Mỗi thời đại mỗi khác, ba à! Ba đừng nặng lòng vì bom đạn nữa. Chiến tranh đã qua rồi! Thế hệ chúng con không bao giờ quên công ơn của những người đi trước. Hòa bình là món quà xứng đáng mà ba và những người trở về từ chiến tranh xứng đáng có.

Ông nhìn sâu vào mắt con gái. Người cựu chiến binh già xúc động biết bao khi thế hệ trẻ hôm nay luôn trân trọng những ký ức chiến tranh, không bao giờ lãng quên quá khứ.

- Ừ, ba biết chứ! - Ông thì thào - Nhưng ký ức cứ tự nhiên trở lại. Ba không kiểm soát được.

Cô thường đưa ba đi chơi để tâm hồn thư thái, ra biển hay lên phố núi. Đất nước mình nơi nào cũng đẹp, cũng trù phú và con người cũng hiền hòa, tử tế. Lần nào đi với cô, ông cũng tấm tắc khen, ông nói nếu cả ông và vợ đều trở về từ chiến tranh thì có lẽ niềm vui này mới được trọn vẹn. Cô cười, mà nước mắt ứa ra, chan chứa. Có lần, cô đề xuất với ông:

- Ba ơi! Hay là mình đi thăm địa đạo?

Ông sững sờ, nhìn cô, rồi mắt ông lấp lánh những tia sáng như thể sắp sửa được trở lại quê hương, trở về ngôi nhà từng che nắng che mưa, che cho bao chiến sĩ trong chiến tranh khói lửa.

- Minh Hòa! Con chưa từng đến đó, phải không?

Cô gật đầu. Cô chưa từng đặt chân đến địa đạo, không phải vì cô không thiết tha với lịch sử dân tộc. Mà vì địa đạo đã để lại trong cô những ký ức đau thương - ký ức về lần bom giặc đánh sập, khiến nhiều chiến sĩ hy sinh - qua lời kể của ba. Trong số đó có mẹ của cô.

- Con muốn đến đó để biết ba và mẹ đã từng sống những tháng ngày gian khổ mà hào hùng như thế nào, để biết rằng, hòa bình hôm nay là sự đánh đổi máu xương của bao người đi trước.

Người cựu chiến binh xúc động vô cùng. Ông không khóc, bởi người già thường không dễ khóc. Nhưng mắt ông rơm rớm nước. Cô nhìn sâu vào đó, thấy những năm tháng khổ đau và hạnh phúc, được và mất… đã đi qua. Đôi mắt ấy, giờ đây ngắm nhìn cảnh đẹp non sông, ngắm trọn vẹn sắc màu hòa bình khi non sông vào mùa hội lớn.

*

Cô đưa ba về thăm địa đạo. Trời trong biếc. Tháng tư lịch sử, nắng vàng dát lối mòn quanh co. Địa đạo nằm bên dưới màu xanh của những khóm tre. Nơi đây, sau bao nhiêu năm trôi qua, trên mặt đất vẫn còn những hố bom sâu đọng nước hoặc mọc đầy hoa dại. Trong lòng hố bom, đã bao người vĩnh viễn gửi lại tuổi đôi mươi, vĩnh viễn nằm yên trong lòng đất Việt.

- Ba, mình cùng xuống dưới địa đạo thôi!

Ông khựng lại một lúc, ngập ngừng. Cô bấm khẽ vào tay ba, như muốn tiếp thêm động lực để ông đối diện với những tháng năm xưa cũ, có cả nỗi đau, cả những nhớ thương dai dẳng, bám riết lấy ông biết bao nhiêu năm tháng cuộc đời. Đối diện với nỗi đau, đôi khi cũng là một cách để chữa lành nỗi đau.

- Ừ, ta đi thôi con!

Họ cùng nhau đi vào lòng địa đạo. Những ánh đèn lấp loáng như nấm thay thế cho màu tăm tối của những năm chiến tranh gian lao. Nơi đây, đã bao người cùng ăn, cùng sống, cùng chiến đấu, cùng yêu nhau, cùng chịu nhiều khó khăn gian khổ… và cùng ngã xuống vì hòa bình hôm nay.

Giữa lòng địa đạo tối tăm và ẩm thấp, từng bước chân của cô gái vang vọng như tiếng thì thầm từ quá khứ. Cô đưa tay chạm nhẹ lên bức tường đất lạnh, cảm nhận được vết tích của những năm tháng bom đạn, của máu, nước mắt và sự sống kiên cường. Trong không gian chật hẹp này, cô không khỏi nghĩ về hai chữ hòa bình - điều tưởng như giản đơn nhưng lại được đánh đổi bằng những hy sinh. Hòa bình với cô không phải là sự lặng im sau tiếng súng, mà là hơi thở nhẹ nhàng của đứa trẻ trong giấc ngủ an lành, là bữa cơm nhà, là ánh nắng xuyên qua tán cây mà không bị gián đoạn bởi tiếng còi báo động.

Đi giữa lòng địa đạo, cô bỗng thấy trái tim mình thổn thức bởi một niềm tri ân lặng lẽ và một khát vọng chân thành: làm sao để hòa bình ở mãi trong cuộc sống của chúng ta?

HOÀNG KHÁNH DUY

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/sang-tac/202504/trai-tim-hoa-binh-d0a22f7/
Zalo