Trái phiếu xanh: Giải pháp vốn dài hạn cho doanh nghiệp chuyển đổi bền vững

Doanh nghiệp Việt đang có thêm lựa chọn tiếp cận nguồn vốn dài hạn với chi phí hợp lý thông qua trái phiếu xanh, công cụ tài chính gắn với các dự án thân thiện môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và minh bạch thông tin từ thị trường.

Ảnh minh họa

Theo dữ liệu của FiinGroup, tính đến cuối năm 2024, quy mô thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam đạt gần 6.900 tỷ đồng. Các tổ chức phát hành tiêu biểu như BIDV, Vietcombank, IDI và AquaOne.

Tuy chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng thị trường trái phiếu doanh nghiệp (ước tính trên 1,600 nghìn tỷ đồng), nhưng các thương vụ đã cho thấy xu hướng thị trường vốn đang ủng hộ doanh nghiệp có định hướng phát triển xanh, minh bạch và có đánh giá độc lập.

Lợi thế chi phí vốn và sự ủng hộ từ thị trường

Trên thị trường trái phiếu hiện nay, kỳ hạn bình quân của các lô trái phiếu thông thường chỉ khoảng 3 - 5 năm. Với các dự án bất động sản hay năng lượng tái tạo có chu kỳ đầu tư dài, việc chỉ được vay vốn ngắn hạn là một rủi ro rất lớn. Nhiều doanh nghiệp có năng lực tốt, nhưng lại gặp khó khăn vì không được tiếp cận nguồn vốn phù hợp với thời gian hoàn vốn của dự án.

Thực tế, nhiều tổ chức phát hành trái phiếu từng kỳ vọng có thể tái cấu trúc khi trái phiếu đáo hạn sau 5 - 7 năm. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu mới để phục vụ mục đích tái cơ cấu nợ. Điều này đã khiến không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, dù bản thân dự án vẫn có tiềm năng và doanh nghiệp không gặp vấn đề về năng lực vận hành.

Theo phân tích của FiinGroup, trái phiếu xanh thường được hưởng mức lãi suất thấp hơn trái phiếu thông thường, hiệu ứng gọi là “greenium” - mức chi phí vốn thấp hơn so với trái phiếu thông thường. Điều này được lý giải bởi các yếu tố như: bảo lãnh từ các tổ chức uy tín, lãi suất cố định giảm thiểu rủi ro thị trường, và quan trọng nhất là việc gắn với các dự án rõ ràng về môi trường.

Dữ liệu của AMRO (ASEAN+3 Macroeconomic Research Office) cho thấy, trái phiếu xanh trong khu vực ASEAN+3 có mức lợi suất thấp hơn từ 8–15 điểm cơ bản trên thị trường sơ cấp. Greenium càng rõ rệt khi trái phiếu được xác nhận bởi tổ chức độc lập và phát hành bằng nội tệ.

Theo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), trái phiếu xanh Chính phủ Đức có mức lợi suất thấp hơn trái phiếu thông thường từ 3–7 điểm cơ bản.

Ngoài chi phí vốn thấp, trái phiếu xanh còn thường có kỳ hạn dài hơn, trung bình từ 5 đến 20 năm, phù hợp với các dự án hạ tầng, năng lượng tái tạo hoặc cấp nước sạch có dòng tiền dài hạn và ổn định.

Trái phiếu xanh - đòn bẩy tài chính cho phát triển bền vững

Công ty TNHH nước sạch Hòa Bình - Xuân Mai (thuộc AquaOne)

Công ty TNHH nước sạch Hòa Bình - Xuân Mai (thuộc AquaOne)

Lấy ví dụ Công ty TNHH nước sạch Hòa Bình - Xuân Mai (thuộc AquaOne) xây dựng Khung trái phiếu xanh đảm bảo tính minh bạch, công bố thông tin nhằm hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững của Công ty. Cuối năm 2024, công ty đã phát hành trái phiếu xanh kỳ hạn 20 năm, trị giá 875 tỷ đồng, lãi suất cố định chỉ 6%. Sau khi cộng thêm các chi phí liên quan, tổng chi phí vốn cũng chỉ ở mức xấp xỉ 8%.

“Với kỳ hạn lên tới 20 năm, mức lãi suất 8% là điều gần như không tưởng đối với các doanh nghiệp không có chứng nhận xanh hoặc không được bảo lãnh”, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup nhấn mạnh. Đây là mức lãi suất thấp hiếm thấy trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước, đặc biệt với kỳ hạn dài như vậy.

Trái phiếu này được xác nhận “xanh” theo tiêu chuẩn ICMA và xếp hạng AAA bởi FiinRatings, tổ chức xếp hạng tín nhiệm được ủy quyền xác nhận trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn quốc tế của Climate Bonds Initiative (CBI).

Ông Nguyễn Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT AquaOne, nhận định: "Đây là một thương vụ chưa từng có tiền lệ về kỳ hạn và lãi suất đối với doanh nghiệp tư nhân trong nước. Tôi tin rằng nếu có thêm công cụ chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn, đặc biệt là ở cấp độ Nhà nước, thị trường trái phiếu xanh Việt Nam sẽ sớm bùng nổ.”

Hiện khung pháp lý cho tài chính xanh cũng đang dần hoàn thiện. Các văn bản như Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh và gần đây là Nghị quyết 68-NQ/TW đều thể hiện rõ định hướng thúc đẩy nguồn vốn xanh cho khu vực tư nhân.

Ông Nguyễn Quang Thuân nhấn mạnh rằng việc thúc đẩy tài chính xanh không chỉ là một chủ trương đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết của Trung ương, mà còn là giải pháp quan trọng nhằm mở rộng nguồn vốn cho doanh nghiệp. Đồng thời, đây cũng là một trong những nguồn lực then chốt giúp hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% và tiến tới phát triển bền vững.

Để phát hành thành công trái phiếu xanh, doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chí khắt khe về minh bạch và sử dụng vốn. Theo tiêu chuẩn quốc tế như của ICMA (Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế) hoặc CBI (Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu), một trái phiếu chỉ được xem là “xanh” nếu doanh nghiệp chứng minh được mục đích sử dụng vốn cho các dự án có lợi cho môi trường, có hệ thống giám sát dòng tiền minh bạch và được đánh giá độc lập.

Việc có đánh giá độc lập từ các tổ chức như FiinRatings hoặc đơn vị được ủy quyền bởi CBI là yếu tố then chốt giúp trái phiếu được công nhận là “xanh” một cách chính danh, tránh nguy cơ "tẩy xanh" (greenwashing) – làm màu môi trường.

FiinRatings là đơn vị duy nhất tại Việt Nam hiện nay được CBI công nhận thực hiện xác nhận trái phiếu xanh. Vai trò của bên đánh giá không chỉ dừng ở cấp chứng nhận ban đầu mà còn kéo dài trong suốt vòng đời trái phiếu thông qua các báo cáo hậu kiểm, kiểm tra việc sử dụng vốn thực tế và hiệu quả môi trường đạt được.

Ngọc Linh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/trai-phieu-xanh-giai-phap-von-dai-han-cho-doanh-nghiep-chuyen-doi-ben-vung-41557.html
Zalo