'Núi' nợ công và thâm hụt ngân sách khổng lồ của Mỹ đang ở mức nào?
Moody's mới đây đã hạ bậc tín nhiệm tín dụng quốc gia của Mỹ từ mức cao nhất (Aaa) xuống mức Aa1, viện dẫn lý do chính là gánh nặng nợ công ngày càng lớn và chi phí tái cấp vốn tăng cao do lãi suất duy trì ở mức cao. Quyết định này có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của nhà đầu tư vào tài sản Mỹ và phản ánh những khó khăn tài khóa sâu sắc của nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Moody’s – cơ quan xếp hạng tín dụng hàng đầu thế giới – cho biết việc hạ một bậc tín nhiệm của Mỹ là phản ánh trực tiếp việc nợ công và chi phí lãi vay đã tăng mạnh suốt hơn một thập kỷ qua. Mức tăng này đã vượt xa các quốc gia có mức tín nhiệm tương đương, tạo ra rủi ro lớn hơn cho nhà đầu tư.
Theo Moody’s, động thái này nhằm cảnh báo thị trường rằng Mỹ đang đối mặt với sức ép nợ ngày càng nghiêm trọng, trong khi chính phủ và quốc hội lại chưa đạt được đồng thuận về các biện pháp giảm thâm hụt ngân sách. Việc tín nhiệm giảm có thể khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng, đồng nghĩa với việc chi phí vay của Mỹ sẽ cao hơn và làm giảm sức hấp dẫn của các tài sản Mỹ như cổ phiếu hay trái phiếu.
Dù vẫn còn giữ mức tín nhiệm cao thứ hai trên thang xếp hạng của Moody’s, nhưng động thái này mang tính biểu tượng lớn khi cơ quan duy nhất còn giữ Mỹ ở mức Aaa cuối cùng cũng đã “xuống tay”, sau khi Fitch và Standard & Poor’s đã thực hiện động thái tương tự vào năm 2011 và 2023.
Ngay sau thông báo hạ bậc tín nhiệm, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng thêm 3 điểm cơ bản, lên 4,48%. Giá cổ phiếu và trái phiếu Mỹ đều giảm trong phiên giao dịch ngoài giờ: quỹ ETF trái phiếu dài hạn giảm khoảng 1%, còn quỹ ETF theo dõi chỉ số S&P 500 giảm 0,4%.
Đây là phản ứng mang tính dự báo cho xu hướng đầu tư dè dặt hơn với tài sản Mỹ trong thời gian tới. Việc Moody’s hạ tín nhiệm càng làm nổi bật vấn đề “cung vượt cầu” đối với trái phiếu chính phủ Mỹ, khi các quốc gia nước ngoài cũng đang giảm dần nhu cầu nắm giữ trái phiếu Mỹ, do lo ngại lạm phát và lãi suất duy trì cao.
Một số nhà đầu tư cho rằng điều này có thể khiến vàng tăng giá và đồng USD suy yếu trong ngắn hạn, khi thị trường tìm kiếm các kênh trú ẩn an toàn khác ngoài Mỹ.

Thâm hụt ngân sách và nợ công của Mỹ tăng cao
Mỹ đang đối mặt với thâm hụt ngân sách nghiêm trọng
Mỹ đang chi tiêu vượt thu ngân sách với quy mô ngày càng lớn. Chỉ trong vài tháng đầu tài khóa mới (bắt đầu từ 1/10), thâm hụt ngân sách đã lên tới 1,05 nghìn tỷ USD, cao hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Một phần nguyên nhân là do chi phí trả lãi trái phiếu tăng vọt và khoản nợ gốc tiếp tục mở rộng.
Moody’s ước tính, nếu đạo luật cắt giảm thuế năm 2017 của Tổng thống Donald Trump được kéo dài thêm – điều mà nhiều khả năng sẽ xảy ra – thì sẽ khiến thâm hụt ngân sách Mỹ tăng thêm 4 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới (chưa tính tiền lãi vay). Hệ quả là đến năm 2035, mức thâm hụt có thể đạt gần 9% GDP, so với mức 6,4% năm 2024.
Cùng thời gian đó, tỷ lệ nợ công/GDP của Mỹ có thể tăng lên 134%, so với mức 98% hiện nay – một con số gây lo ngại cho bất kỳ nền kinh tế phát triển nào.
Những lo ngại nào đang gia tăng trên thị trường trái phiếu Mỹ?
Theo các chuyên gia, thị trường trái phiếu Mỹ đang bị ảnh hưởng bởi hai yếu tố chính: nhu cầu mua giảm và quy mô nợ cần tái cấp vốn ngày càng lớn. Việc Moody’s hạ tín nhiệm càng làm nổi bật nguy cơ “bong bóng nợ” khi Chính phủ Mỹ ngày càng khó xoay xở với chi phí vay và nhu cầu vốn ngắn hạn.
Các nhà đầu tư quốc tế đang bắt đầu giảm mức độ phụ thuộc vào trái phiếu Mỹ, nhất là khi đồng USD có dấu hiệu suy yếu và chi phí lãi vay vẫn cao. Diễn biến này khiến các nước như Trung Quốc hay Nhật Bản – từng là những chủ nợ lớn của Mỹ – cũng đang điều chỉnh lại danh mục đầu tư của mình.
Một số chuyên gia cảnh báo, việc thị trường bắt đầu phản ứng tiêu cực với trái phiếu Mỹ là dấu hiệu sớm cho thấy khả năng vỡ kỷ luật tài khóa nếu Washington không sớm có giải pháp giảm thâm hụt và kiểm soát nợ công.
Điều gì đang chờ đợi nền kinh tế Mỹ trong thời gian tới?
Hiện tại, viễn cảnh kinh tế Mỹ đang bị phủ bóng bởi sự bất ổn tài khóa và chính trị. Việc Quốc hội Mỹ – đặc biệt là Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát – từ chối thông qua các gói cắt giảm thuế hoặc cải cách chi tiêu, khiến triển vọng điều chỉnh ngân sách ngày càng xa vời.
Các dự báo cho thấy thâm hụt ngân sách và nợ công sẽ tiếp tục tăng trong ít nhất 10 năm tới. Nếu không có thay đổi lớn trong chính sách thuế hoặc chi tiêu bắt buộc, Mỹ sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực hạ tín nhiệm trong tương lai gần – điều từng là “vùng cấm” đối với nền kinh tế số một thế giới.
Tuy vậy, vẫn có những ý kiến lạc quan rằng Mỹ vẫn sở hữu những thế mạnh như quy mô nền kinh tế, vị thế đồng tiền dự trữ toàn cầu và hệ thống tài chính sâu rộng, giúp quốc gia này trụ vững trong thời kỳ nhiều biến động.