Bên lề Quốc hội: Giúp doanh nghiệp gia nhập thị trường một cách tốt nhất
Sáng 17/5, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết Quốc hội).
Việc thông qua Nghị quyết Quốc hội giúp doanh nghiệp có chiến lược và giải pháp sản xuất kinh doanh đột phá, đóng góp nhiều hơn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và thu ngân sách nhà nước.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn ( đoàn Trà Vinh) chia sẻ với Phóng viên Bên lề Quốc hội. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS
Bên lề Quốc hội, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có những trao đổi với Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) xung quanh một số nội dung của Nghị quyết này.
Phóng viên: Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị được cộng đồng doanh nghiệp cũng như các chuyên gia đánh giá là một trong những Nghị quyết có tính đột phá để thúc đẩy kinh tế tư nhân, ông đánh giá tác động chính sách đối với phát triển kinh tế khi Nghị quyết này đi vào cuộc sống?
Đại biểu Trần Quốc Tuấn: Tôi cho rằng, Nghị quyết 68 phản ánh sự đổi mới tư duy và đột phá rất lớn của Đảng và Nhà nước đối với kinh tế tư nhân, để khu vực kinh tế này phát triển lớn mạnh, thực sự là thành phần kinh tế quan trọng, là một động lực chính cho kinh tế tăng trưởng.
Do đó, các chính sách, những nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp tư nhân trong Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân là thỏa đáng và phù hợp với xu thế hiện nay. Nghị quyết Quốc hội sẽ thúc đẩy cải cách thể chế, rút ngắn quy trình cấp phép, tiếp cận đất đai và vốn tín dụng dễ dàng hơn, hình thành môi trường đầu tư – kinh doanh thông thoáng hơn, minh bạch hơn...
Phóng viên: Nghị quyết Quốc hội quy định cụ thể các nhóm chính sách hỗ trợ. Vậy, quan điểm của Đại biểu như thế nào về các nhóm chính sách được đưa ra trong Nghị quyết?
Đại biểu Trần Quốc Tuấn: Tôi cho rằng, Nghị quyết của Quốc hội đã thể chế hóa khá đầy đủ các nội dung Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị; trong đó, có những nội dung rất quan trọng giúp cho doanh nghiệp tư nhân có sự bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực của nền kinh tế. Ví dụ như: tiếp cận về đất đai, về nguồn vốn, tiếp cận thị trường... như vậy, vấn đề còn lại là doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực để hấp thụ những nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, nguồn lực hỗ trợ của xã hội hay không.
Và một điều nữa tôi rất tâm đắc, đó là trong Nghị quyết của Quốc hội, đã nêu rõ cần đẩy mạnh việc cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, tạo môi trường đơn giản, tạo điều kiện tối đa cho phép thành lập doanh nghiệp và gia nhập thị trường một cách tốt nhất. Đây là một điều mà các doanh nghiệp hiện nay đang rất mong đợi và rất cần.
Phóng viên: Là đại biểu Quốc hội trong nhiều năm qua, ông đánh giá như thế nào về tiến độ thể chế hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị từ Nghị quyết 57 đến nay là Nghị quyết 68, phải chăng công tác thể chế hóa đang được đẩy nhanh hơn rất nhiều, thưa ông?
Đại biểu Trần Quốc Tuấn: Tôi đánh giá rất cao sự khẩn trương vào cuộc của hệ thống chính trị. Từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68 đến nay các cơ quan từ Quốc hội, Chính phủ đến các bộ, ngành đã chủ động, khẩn trương vào cuộc để thể chế hóa nhanh nhất, đầy đủ nhất những quan điểm, chủ trương của Bộ Chính trị nêu trong Nghị quyết 68.
Phóng viên: Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân đã được Quốc hội khẩn trương ban hành để đưa Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị vào cuộc sống, trong quá trình thông qua, các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến và mong muốn những nội dung cụ thể gì trong Nghị quyết này?
Đại biểu Trần Quốc Tuấn: Để góp phần hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, tôi tham gia góp ý 2 nội dung: Thứ nhất, nội dung về thanh tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không được quá 1 lần trong năm, trừ trường hợp có bằng chứng vi phạm rõ ràng.
Theo tôi, quy định như vậy là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển lớn mạnh. Nhưng tôi rất lo lắng nếu các quy định không rõ ràng, sẽ tạo khoảng trống pháp lý, dễ bị lợi dụng.
Theo tôi, muốn kinh tế tư nhân phát triển lớn mạnh, rất cần các quy định pháp luật phải được thiết kế chặt chẽ, thông thoáng và ban hành theo hướng hỗ trợ đặc biệt để tạo thuận lợi tối đa, giúp cho doanh nghiệp tư nhân thật sự là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Tuy nhiên, các quy định đó cũng phải đảm bảo hài hòa lợi ích của cả 2 nhóm đối tượng liên quan mật thiết với doanh nghiệp tư nhân, đó là nhà nước và người tiêu dùng, cộng đồng xã hội. Tôi cho rằng, các quy định pháp luật tuyệt đối không vì hỗ trợ cho doanh nghiệp tư nhân mà bỏ sót quyền và lợi ích hợp pháp của 2 nhóm đối tượng này.
Tiếp đến nội dung góp ý thứ hai là: về quy định Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không áp dụng phương pháp khoán thuế từ ngày 1 tháng 7 năm 2026. Tôi cho rằng, với quy định mới về việc hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không áp dụng phương pháp khoán thuế sẽ giúp tăng cường công bằng trong việc nộp thuế, vì hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ phải nộp thuế dựa trên kết quả kinh doanh và thu nhập thực tế; đồng thời sẽ giúp tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong việc kê khai nộp thuế và quản lý tốt nguồn thu thuế.
Tuy nhiên, quy định nêu trên sẽ tạo nên những bất cập cần phải được quan tâm dự báo và phải kịp thời có giải pháp tháo gỡ khi áp dụng quy định này, không để các cơ sở, hộ kinh doanh gặp phải những rào cản, khó khăn khi áp dụng các quy định pháp luật.
Tôi cho rằng, khi triển khai áp dụng quy định này, có khả năng sẽ tăng gánh nặng cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, vì họ sẽ phải thực hiện các thủ tục phức tạp để nộp thuế, phải có kế toán, sổ sách theo dõi… và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ phải có kiến thức và kỹ năng tối thiểu để thực hiện các thủ tục kê khai, nộp thuế hằng tháng.
Do đó, khi thực hiện quy đinh này, cần có các giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh để mang tính khả thi như: tạo cơ chế hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn cung cấp thông tin rõ ràng, minh bạch về quy định và thủ tục nộp thuế để giúp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hiểu, dễ dàng thực hiện đúng các quy định về nộp thuế.
Cùng với đó, tăng cường áp dụng công nghệ để không những giúp cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh dễ dàng thao tác thực hiện, nhưng cũng giúp cơ quan thuế dễ dàng kiểm tra và giám sát việc nộp thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh một cách dễ dàng hơn. Trong đó đặc biệt quan tâm đến triển khai giải pháp hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt cho các hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh.
Phóng viên: Thưa ông, Nghị quyết Quốc hội có quy định một số nguyên tắc trong hoạt động thanh tra, kiểm tra… chuyển từ công tác “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, ông đánh giá về việc thực thi nội dung này sẽ như thế nào?
Đại biểu Trần Quốc Tuấn: Tôi cho rằng, việc chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp tư nhân là đúng. Nhưng câu chuyện “hậu kiểm” quan trọng là hậu kiểm như thế nào? Nếu chúng ta không khéo thì việc “hậu kiểm” trở thành những việc đã rồi, có nghĩa là những sản phẩm hàng hóa sản xuất kinh doanh đã bán ra trên thị trường với những sản phẩm kém chất lượng nhưng sau này mới “hậu kiểm”. Khi đó, việc “hậu kiểm” này trở thành một việc đã rồi thì không nên kiểm tra nữa.
Theo tôi, việc thực hiện từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” là đúng nhưng phương thức thực hiện, cách thức thực hiện như thế nào để đảm bảo làm sao vừa hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhưng cũng không thể để sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường một thời gian rồi mới phát hiện kém chất lượng. Lúc đó, các cơ quan chức năng mới kiểm tra thì việc đó gây ảnh hưởng đến sức khỏe và lợi ích của người tiêu dùng là điều không nên.
Phóng viên: Xin cám ơn Đại biểu!