Trải nghiệm Điện Biên lịch sử, khám phá thiên nhiên và văn hóa Tây Bắc

Du lịch Điện Biên là một hành trình mà du khách không chỉ ôn lại trang sử vẻ vang của dân tộc qua Chiến thắng Điện Biên Phủ 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu', mà còn có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ nơi núi rừng Tây Bắc và tìm hiểu bản sắc văn hóa độc đáo của 19 dân tộc anh em.

Với du khách đến Điện Biên lần đầu và muốn khám phá hầu hết những điểm đến nổi bật, hành trình 4 ngày 3 đêm (hoặc 3 ngày 2 đêm) là lựa chọn phù hợp và phổ biến.

Tổng quan về Du lịch Điện Biên

Điện Biên là tỉnh miền núi phía Tây Bắc, cách Hà Nội khoảng hơn 450km, giáp Sơn La, Lai Châu, có biên giới với Trung Quốc và Lào; gồm 10 đơn vị hành chính: thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh lỵ), thị xã Mường Lay và 8 huyện.

Điện Biên có khí hậu nhiệt đới gió mùa núi cao, chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam khô và nóng (thường gọi là gió Lào). Điện Biên giàu tiềm năng du lịch văn hóa-lịch sử và du lịch sinh thái, cộng đồng.

Vẻ đẹp hoa ban Điện Biên trong nắng chiều. Hoa ban mọc tự nhiên ở hầu khắp các vùng đồi núi ở Điện Biên, đồng thời cũng được trồng để làm đẹp cảnh quan đô thị.

Vẻ đẹp hoa ban Điện Biên trong nắng chiều. Hoa ban mọc tự nhiên ở hầu khắp các vùng đồi núi ở Điện Biên, đồng thời cũng được trồng để làm đẹp cảnh quan đô thị.

Thời điểm thường được du khách lựa chọn đến Điện Biên là mùa xuân và đầu mùa hè, khi thời tiết dễ chịu, không mưa, nhiều loài hoa nở rộ tô điểm cảnh quan (hoa đào, hoa anh đào, hoa ban, hoa phượng, bằng lăng…), phong phú các lễ hội truyền thống và hoạt động kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ (ngày 7/5).

Di chuyển

Đường bộ: Từ Hà Nội và một số tỉnh miền bắc đều có xe khách chạy tuyến Điện Biên. Để tiết kiệm thời gian, du khách từ Hà Nội nên chọn các nhà xe chạy đêm, xuất phát từ các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Yên Nghĩa, giá vé từ 300-500 nghìn đồng/chiều; thời gian di chuyển khoảng 10 tiếng.

Du khách sử dụng phương tiện cá nhân dễ dàng đi theo chỉ dẫn của các ứng dụng bản đồ trực tuyến, theo Quốc lộ 6, Quốc lộ 32, Quốc lộ 37...

Du khách di chuyển bằng đường bộ sẽ đi qua đèo Pha Đin, một di tích lịch sử quan trọng và cũng là một cung đường ngoạn mục giữa thiên nhiên. (Ảnh: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên)

Du khách di chuyển bằng đường bộ sẽ đi qua đèo Pha Đin, một di tích lịch sử quan trọng và cũng là một cung đường ngoạn mục giữa thiên nhiên. (Ảnh: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên)

Đường hàng không: Điện Biên có Cảng hàng không Điện Biên (trước đây là Sân bay Mường Thanh, nằm ở thành phố Điện Biên Phủ). Hiện chỉ có hãng hàng không Vietnam Airlines khai thác chặng bay Hà Nội-Điện Biên Phủ (thời gian bay 55 phút).

Lưu trú

Tại thành phố Điện Biên Phủ có nhiều khách sạn tiêu chuẩn 3-4 sao, công suất phục vụ lớn, như: Khách sạn Mường Thanh, A1, Nậm Rốm, Phương Nam, An Lộc, Nhà khách Tỉnh ủy, Khách sạn Công đoàn, Khu du lịch sinh thái Him Lam Resort... Bên cạnh đó, có các nhà nghỉ xen kẽ trong các khu dân cư, gần các điểm tham quan, giá từ 200-350 nghìn đồng/đêm.

Bản văn hóa Che Căn, điểm du lịch cộng đồng nổi bật ở Điện Biên.

Bản văn hóa Che Căn, điểm du lịch cộng đồng nổi bật ở Điện Biên.

Du khách muốn trải nghiệm du lịch cộng đồng có thể tham khảo đặt chỗ nghỉ và dịch vụ ăn uống tại các homestay tại bản văn hóa-du lịch cộng đồng như bản Mển, bản Che Căn, bản Phiêng Lơi, bản Him Lam, bản Nà Tấu (thành phố Điện Biên Phủ), bản Ten (huyện Điện Biên), bản Nà Sự (huyện Nậm Pồ)...

Mỗi nhà sàn thường được cải tạo, trang trí... với sức chứa 12-30 khách, giá chỗ nghỉ từ 70-90 nghìn đồng/người.

Các điểm đến tiêu biểu (gợi ý theo lịch trình 4 ngày 3 đêm)

Ngày 1: Cụm di tích lịch sử trong lòng thành phố Điện Biên Phủ, thuận tiện tham quan trong 1 ngày do hầu hết nằm gần nhau.

Đồi A1 và Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1

Đồi A1 ở phường Mường Thanh, trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, từng là cứ điểm quan trọng hàng đầu trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hiện vẫn còn dấu tích của hố bộc phá tạo thành bởi 960kg thuốc nổ, hầm cố thủ, các đường hào, hàng rào thép gai...

Kề bên Đồi A1 là Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1 được thiết kế trang trọng, uy nghiêm, có khuôn viên rộng sạch và rất nhiều cây xanh, thường xuyên được nhân dân Điện Biên và du khách đến thăm viếng, thắp hương tưởng niệm và tri ân công ơn các anh hùng liệt sĩ.

Hướng dẫn viên thuyết minh về hố bộc phá trên Đồi A1.

Hướng dẫn viên thuyết minh về hố bộc phá trên Đồi A1.

Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cũng ở phường Mường Thanh, bảo tàng lưu giữ và trưng bày gần 1.000 tài liệu, hình ảnh, hiện vật về diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như tầm vóc của Chiến thắng Điện Biên Phủ với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Bảo tàng được thiết kế đẹp mắt với tạo hình chiếc mũ của bộ đội.

Điểm nhấn tại đây là bức tranh tường panorama “Trận chiến Điện Biên Phủ”, một trong những tác phẩm hội họa lớn nhất thế giới về đề tài chiến tranh, thực hiện vô cùng tỉ mẩn và ấn tượng bởi gần 100 họa sĩ, nhà điêu khắc Việt Nam trong vòng 2 năm.

Bức tranh tường độc đáo và giàu giá trị lịch sử, thẩm mỹ.

Bức tranh tường độc đáo và giàu giá trị lịch sử, thẩm mỹ.

Hầm Đờ Cát (De Castries)

Cách Đồi A1 khoảng 1km, hầm chỉ huy của tướng chỉ huy quân đội Pháp De Castries từng mệnh danh là “bất khả xâm phạm”, với hệ thống hầm hào kiên cố, dây thép gai dày đặc và 4 chiếc xe tăng.

Ngày 7/5/1954, De Castries cùng quân lính cúi đầu bước ra đầu hàng quân đội Việt Nam, đánh dấu thất bại hoàn toàn của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đặt dấu chấm hết cho chế độ thực dân trên toàn Đông Dương.

Du khách check-in tại Hầm Đờ Cát.

Du khách check-in tại Hầm Đờ Cát.

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nằm trên đỉnh đồi D1, cụm tượng đồng khánh thành đúng dịp Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/2004). Tại đây có tầm nhìn bao quát trên cao về khu vực trung tâm thành phố Điện Biên Phủ và một góc cánh đồng Mường Thanh.

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ là một điểm đến không thể bỏ qua khi đến với Điện Biên.

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ là một điểm đến không thể bỏ qua khi đến với Điện Biên.

Ngày 2: Tiếp tục hành trình theo dấu chiến thắng vĩ đại

Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ

Nằm dưới tán rừng già ở xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 30km về phía đông, gồm hệ thống lán trại, hầm... nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các cán bộ, chiến sĩ Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đóng quân, họp tác chiến, đưa ra những quyết định làm nên thắng lợi của chiến dịch.

Từ đài quan sát trên điểm cao nhất (khoảng 1.000m so với mực nước biển), du khách có thể thấy lòng chảo Mường Thanh với các cứ điểm năm xưa.

Nhiều đoàn khách khi tham quan di tích tại Điện Biên chọn đồng phục áo cờ đỏ sao vàng để thể hiện tinh thần yêu nước và lòng tự hào sâu sắc.

Nhiều đoàn khách khi tham quan di tích tại Điện Biên chọn đồng phục áo cờ đỏ sao vàng để thể hiện tinh thần yêu nước và lòng tự hào sâu sắc.

Đèo Pha Đin

Đèo dài 32km, nối hai tỉnh Điện Biên và Sơn La. Xưa kia con đèo cao gần 1.700m (so với mực nước biển) vô cùng hiểm trở và ghi dấu ấn oanh liệt của hành trình vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực bằng sức người cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hiện nay, đèo Pha Đin đã được nâng cấp, mở rộng và nổi tiếng là một trong “tứ đại đỉnh đèo” miền Tây Bắc. Rải rác trên cung đường đèo là một số di tích lịch sử và điểm nghỉ chân, check-in cho khách du lịch.

Ngày 3: Khám phá các điểm đến thiên nhiên, văn hóa

Cánh đồng Mường Thanh

Nằm gọn trong thung lũng Mường Thanh và gần như trải rộng bao quanh thành phố Điện Biên Phủ, du khách có thể ngắm nhìn nhiều góc độ của cánh đồng Mường Thanh ngay khi đặt chân tới đây. Một năm hai vụ, cánh đồng Mường Thanh là vựa lúa quan trọng bậc nhất vùng Tây Bắc, nhiều giống gạo Mường Thanh nổi tiếng dẻo thơm.

Nếu yêu thích vẻ đẹp mùa vàng, du khách nên theo dõi thông tin về thời điểm mùa thu hoạch cụ thể hằng năm (thường vào tháng 5 và tháng 9) để đến đây nghỉ ở các bản du lịch cộng đồng, trải nghiệm đạp xe trên những con đường xuyên biển lúa mênh mông và thơm ngát.

Nếu yêu thích vẻ đẹp mùa vàng, du khách nên theo dõi thông tin về thời điểm mùa thu hoạch cụ thể hằng năm (thường vào tháng 5 và tháng 9) để đến đây nghỉ ở các bản du lịch cộng đồng, trải nghiệm đạp xe trên những con đường xuyên biển lúa mênh mông và thơm ngát.

Thành Bản Phủ

Khu di tích Thành Bản Phủ (còn gọi là Thành Chiềng Lề) ở xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 8km. Công trình gắn với cuộc khởi nghĩa nông dân từ thế kỷ 18 do người anh hùng Hoàng Công Chất lãnh đạo và giải phóng nhân dân các dân tộc xứ Mường Then (Mường Thanh) xưa khỏi giặc ngoại xâm.

Một màn trình diễn dân ca, dân vũ của đội văn nghệ dân tộc Thái.

Một màn trình diễn dân ca, dân vũ của đội văn nghệ dân tộc Thái.

Các bản văn hóa-du lịch cộng đồng của dân tộc Thái, Khơ Mú, Lào, Xinh Mun...

Tùy thời điểm đến Điện Biên, du khách có thể tham khảo trước trên các kênh báo chí, truyền thông của địa phương về lễ hội truyền thống của các dân tộc diễn ra dịp đó (nếu có) để sắp xếp tham dự, trải nghiệm.

Một số lễ hội nổi bật tại Điện Biên như: Lễ hội hoa anh đào, Lễ hội Thành Bản Phủ, Lễ hội Hạn Khuống, Lễ hội té nước...

Nghệ nhân người Lào ở xã Núa Ngam, huyện Điện Biên thực hiện nghi thức văn hóa buộc chỉ cổ tay cầu may cho du khách.

Nghệ nhân người Lào ở xã Núa Ngam, huyện Điện Biên thực hiện nghi thức văn hóa buộc chỉ cổ tay cầu may cho du khách.

Suối khoáng nóng U Va

Tổ hợp dịch vụ tắm khoáng nóng, giải trí và trải nghiệm văn hóa dân tộc nằm ở bản U Va, xã Noọng Luống, huyện Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ 15km. Nguồn khoáng nóng tự nhiên tại đây có nhiều công dụng với sức khỏe, khu du lịch cũng được đầu tư với đầy đủ dịch vụ lưu trú, ăn uống, thể thao, nghỉ dưỡng.

Khu sinh thái Đào Viên Sơn

Nằm ở xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 45km, khu du lịch do gia đình nhà văn Nguyễn Đức Lợi đầu tư, vận hành, gồm những đồi cỏ tự nhiên, vườn hoa, ao cá, suối, thác...

Với khoảng 1.000 gốc đào cổ thụ và nhiều loại thực vật độc đáo nở hoa quanh năm, Đào Viên Sơn là điểm hẹn dã ngoại yêu thích của nhiều người dân Điện Biên.

Du khách đến Khu du lịch sinh thái Đào Viên Sơn có dịp tìm hiểu, trải nghiệm nhiều nét đẹp văn hóa thông qua kiến trúc, tiểu cảnh, sinh hoạt văn hóa văn nghệ mang bản sắc đất và người Tây Bắc.

Du khách đến Khu du lịch sinh thái Đào Viên Sơn có dịp tìm hiểu, trải nghiệm nhiều nét đẹp văn hóa thông qua kiến trúc, tiểu cảnh, sinh hoạt văn hóa văn nghệ mang bản sắc đất và người Tây Bắc.

Ngày 4: Điện Biên đẹp hoang sơ và hùng vĩ (nếu du khách còn thời gian và hứng thú tham quan có thể chọn khám phá thêm 1 trong số các huyện của tỉnh Điện Biên)

Thị xã Mường Lay

Nằm giữa hai tỉnh Điện Biên-Lai Châu và được xem là thủ phủ của người Thái trắng, Mường Lay là miền đất sơn thủy hữu tình bên dòng sông Đà, nơi không chỉ có các bản làng người Thái xinh đẹp trù phú mà còn có nhiều yếu tố thuận lợi cho các hoạt động du lịch thể thao, hòa mình với thiên nhiên như chèo thuyền, lướt ván, dù lượn…

Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé và ngã ba biên giới A Pa Chải

Huyện Mường Nhé nổi tiếng trong giới phượt thủ với điểm cực tây của Việt Nam, tức cột mốc biên giới ba nước Việt Nam-Lào-Trung Quốc. Từ thành phố Điện Biên Phủ cần di chuyển khoảng 250km để tới xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, địa bàn vùng cao biên giới với hơn 90% dân cư là dân tộc Hà Nhì.

Du khách có thể trải nghiệm cuộc sống và văn hóa Hà Nhì tại đây, đặc biệt là vào dịp Tết cổ truyền Khù Sự Chà (thường trước Tết Nguyên đán của người Kinh khoảng 1 tháng).

Du khách có sức khỏe có thể trekking lên đỉnh núi Khoang La San để check-in mốc số 0 thiêng liêng hoặc khám phá một phần Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé với đa dạng sinh học vô cùng phong phú và quan trọng (những hoạt động này cần xin phép chính quyền địa phương, Đồn biên phòng 317 A Pa Chải để được cho phép và có người hướng dẫn).

Cột mốc biên giới nơi "một con gà gáy, ba nước cùng nghe".

Cột mốc biên giới nơi "một con gà gáy, ba nước cùng nghe".

Huyện Tủa Chùa

Được mệnh danh là "Tây Bắc thu nhỏ" với hầu hết các loại địa hình đặc trưng, từ cao nguyên đá tai mèo ngút ngàn ở Tả Phìn, Sín Chải rồi lòng hồ sông Đà - được ví như Hạ Long trên cạn ở xã Huổi Só, cho đến những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp ở Sính Phình…

Cầu treo Pa Phông bắc qua sông Đà xanh ngát, một điểm đến biểu tượng của huyện Tủa Chùa.

Cầu treo Pa Phông bắc qua sông Đà xanh ngát, một điểm đến biểu tượng của huyện Tủa Chùa.

Ẩm thực, quà lưu niệm

Món ăn Điện Biên phong phú tùy cộng đồng dân tộc và địa bàn cư trú, song phổ biến nhất và được ưa chuộng nhất là ẩm thực dân tộc Thái. Có thể kể đến các món như pa pỉnh tộp (cá nướng), thịt trâu/thịt lợn gác bếp, xôi tím, nộm hoa ban, măng đắng chấm chẳm chéo (hỗn hợp gia vị), rêu đá nướng, gà nướng… Mắc khén (hạt tiêu rừng) được nêm nếm trong nhiều món ăn, tạo nên hương vị đặc trưng.

Một mâm cơm với các món ăn truyền thống hấp dẫn của người Thái Điện Biên.

Một mâm cơm với các món ăn truyền thống hấp dẫn của người Thái Điện Biên.

Để mua quà cho người thân, nhiều du khách chọn gạo tẻ/gạo nếp Điện Biên, thịt gác bếp, chẳm chéo khô, trà shan tuyết Tủa Chùa, bánh khẩu xén (chế biến giống phồng tôm), măng khô…

Chợ Mường Thanh hoặc các nhà hàng lớn tại thành phố Điện Biên Phủ đều bày bán các mặt hàng đặc sản này. Bên cạnh đó, sản phẩm thủ công của bà con dân tộc như vải thổ cẩm, khăn choàng, túi xách thời trang, đồ trang trí bằng gỗ… cũng có chất lượng tốt và giá rẻ (tuy mẫu mã còn đơn giản, chưa phong phú).

Một số lưu ý khác

Do địa hình và ảnh hưởng của các luồng gió tây, thời tiết ở Điện Biên thay đổi khá nhanh, nhiệt độ trong ngày chênh lệch lớn (sáng và đêm có thể rất lạnh trong khi trưa chiều oi nóng). Nên chuẩn bị trang phục đủ 4 mùa.

Cao điểm mùa mưa (khoảng tháng 6 đến tháng 9) thường xảy ra sạt lở, lũ quét, cân nhắc lịch trình du lịch mùa này.

Du lịch Điện Biên thuận lợi kết nối với một số tỉnh lân cận, tạo thành vòng cung qua miền Tây Bắc: Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình...

MỸ HẠNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/trai-nghiem-dien-bien-lich-su-kham-pha-thien-nhien-va-van-hoa-tay-bac-post877672.html
Zalo