Trả lời câu hỏi có thể làm gì, Vingroup, Thaco, Masan, Sun Group... có ngay đề xuất gửi Thủ tướng

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng muốn làm nhà ở xã hội cho người sẽ giàu; Hòa Phát nhận làm đường sắt cao tốc; Thaco trăn trở công nghiệp hỗ trợ; Sun Group đề nghị cơ chế giao nhiệm vụ...

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng muốn làm nhà ở xã hội cho người sẽ giàu

“Đề xuất Chính phủ có cơ chế chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội để rút ngắn thủ tục”, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đề xuất tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước hôm 21/9.

Cơ sở của đề xuất này, theo Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, việc tham gia các dự án xây dựng nhà ở xã hội là mang tính đóng góp chứ không phải để kinh doanh.

Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo tích toán của ông chủ Vingroup, hạn chế lớn nhất đối với nhà xã hội là quy định chủ đầu tư hưởng tối đa 10% lợi nhuận. Doanh nghiệp bất động sản bình thường sẽ không làm, vì chỉ cần hàng tồn 5-7%, cộng với bán hàng chậm chỉ 1-2 năm, thì 10% đó sẽ là lỗ.

“Nếu để lợi nhuận 50-70% thì may ra”, ông nhấn mạnh.

Cùng với đề xuất trên, ông Vượng đề xuất cho phép công tác chuẩn bị thực hiện đồng thời các loại quy hoạch, từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, các nhiệm vụ, đồ án..., việc phê duyệt thì theo đúng quy định. “Cách này sẽ rút ngắn được từ 6 đến 9 tháng”, ông Vượng báo cáo Thủ tướng. Vingroup đăng ký xây dựng 500.000 căn nhà ở xã hội, nhưng đến giờ vẫn chưa đạt được do thủ tục còn đang dang dở.

Đặc biệt, ông đề nghị tăng tiêu chuẩn của nhà ở xã hội, theo hướng không phải nhà ở cho người nghèo, mà là nhà cho người chưa giàu, nghĩa là phải có hầm đề xe, có khu vui chơi cho trẻ con và các tiện ích khác cho người già, chứ không phải là mấy cái nhà để xe tạm thời.

“Bây giờ họ có thể nghèo, nhưng tới họ sẽ giàu, có thể có tiền họ mua ô tô. Phải nâng tiêu chuẩn của nhà ở xã hội lên thì nó trở thành nhà bình thường. Nếu được nữa thì xin đổi tên nhà xã hội thành nhà ở chính phủ hỗ trợ, xóa bỏ tâm lý những người ở đó thuộc một cái tầng lớp khác. Khi đó, mọi người sẽ cảm thấy vui vẻ, thoải mái chọn nhà ở xã hội”, tỷ phú Vượng lý giải các đề xuất.

Trong nhóm nhà ở xã hội, ông Vượng đề xuất sẽ có dự án xây cho nhà cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, công an, quân đội…

Masan xin cơ chế chủ động liên kết với các tập đoàn khai khoáng lớn trên thế giới

Thay mặt Tập đoàn Masan, ông Nguyễn Thiều Nam, Phó tổng giám đốc gửi tới Chính phủ 4 nhóm đề xuất. Trong đó, nhóm đề xuất liên quan đến phát triển công nghiệp khoáng sản công nghệ cao, kết nối sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu gồm ba đề xuất cụ thể.

Ông Nguyễn Thiều Nam, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Masan

Ông Nguyễn Thiều Nam, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Masan

Một là, Masan đã xây dựng chiến lược phát triển mỏ vonfram theo định hướng của Chính phủ là mong muốn các tập đoàn khai thác khoáng sản phát triển chế biến sâu tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Trong quá trình thực hiện, chúng tôi nhận thấy hợp tác quốc tế là điều cần thiết để tiếp tục cải tiến kỹ thuật, tham gia sâu vào thị trường quốc tế. Kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai khoáng chủ động liên kết với các cái tập đoàn khai khoáng lớn trên thế giới có sở hữu công nghệ lõi, công nghệ cao trên nguyên tắc hai bên cũng có lợi”, ông Nam trình bày.

Hai là, đề nghị Chính phủ rà soát lại quy trình xin cấp phép khai thác khoảng sản và các chính sách thuế, gỡ nút thắt ảnh hưởng đến tiến độ khai thác và mô hình tài nguyên bền vững của doanh nghiệp khai khoáng. Cụ thể, về thuế, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu, phát triển ngành công nghiệp chế biến thành ngành công nghiệp nặng, mũi nhọn của Việt Nam, đề xuất Chính phủ xem xét không đánh thuế xuất khẩu cho các sản phẩm chế biến sâu từ khoáng sản.

Ba là, Masan mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh triển khai các thủ tục và thực thi những chỉ đạo của Chính phủ.

“Đơn cử như chỉ đạo Kết luận 226 ngày 16/6/2023 về giải quyết các vấn đề tồn đọng liên quan đến cấp quyền khai thác khoáng sản của Công ty và Phó thủ tướng đã ra quyết định là phải giải quyết trước ngày 31/7/2023. Tuy nhiên, đến ngày hôm nay, chúng tôi vẫn chưa được có một kết luận gì”, Phó tổng giám đốc Masan báo cáo trực tiếp với Thủ tướng.

Ông cũng gửi gắm mong muốn cần có cơ chế rõ ràng hơn về đơn vị đưa ra định hướng quyết định với đơn vị thi hành để tránh được chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Hòa Phát sẵn sàng tham gia dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam

“Hòa Phát xin sẵn sàng”, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long trả lời ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt câu hỏi, Chính phủ muốn phát triển cái công nghiệp đường sắt, trong đó có cái sản xuất thép, Hòa Phát có làm được không.

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ cho biết, nhiều doanh nghiệp đang rất mong muốn được tham gia các dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường sắt kết nối với Trung Quốc qua Lào Cai - Hải Phòng - Hà Nội; qua Lạng Sơn - Hà Nội; qua Móng Cai - Quảng Ninh - Hải Phòng. Nếu các doanh nghiệp sẵn sàng, Chính phủ sẽ giao đảm nhận phần thép.

Chủ tịch Hòa Phát báo cáo đã có chương trình nghiên cứu phát triển thép cho đường ray đường sắt cao tốc 2-3 năm nay và khẳng định, việc sản xuất thép đường ray hoàn toàn trong tầm khả năng của Hòa Phát.

“Dây chuyền của Hòa Phát tại Dung Quất hiện nay nằm trong tốp kỹ thuật G7 châu Âu và hiện đại nhất”, ông Long tự hào.

Thế nhưng, để sản xuất đường ray có những đặc thù rất khó khăn mà tôi nghĩ hiện nay Hòa Phát và Việt Nam có thể chưa vượt qua được, phải tính toán kỹ. Đó là vận chuyển thanh thép dài cả trăm mét.

“Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ 350 km/h trên trục Bắc - Nam. Như vậy, thanh ray sẽ phải dài 100 m. Việc vận chuyển rất khó khăn. Nhiều nước như Nhật Bản đặt nhà máy tại nơi thi công dự án. Nhưng chúng tôi sẽ tính toán”, ông Long làm rõ.

Hơn thế, ông Long cho biết, ngoài thép đường ray, nếu được tham gia dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, Hòa Phát có thể tham gia nhiều nội dung, chứ không chỉ có thép làm đường ray.

Tập đoàn TH: Làm kinh tế rừng chứ không phải làm nông nghiệp trên rừng

“Tôi đề xuất mô hình làm kinh tế rừng, trồng rừng thí điểm tại Nghệ An và Lâm Đồng”, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH báo cáo Chính phủ. TH đã có đề án để trồng các loại cây có tính chất lâm nghiệp tại các vùng rừng cần cải tạo, tăng độ che phủ, nhưng phải đạt được hiệu quả kinh tế. Mô hình này được hiểu là làm kinh tế rừng, chứ không phải là làm nông nghiệp ở trên rừng.

“Rừng không mất đi vì những cây đó vẫn là cây rừng”, bà Thái Hương giải thích.

Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

“Chính phủ muốn che phủ đồi trọc, trồng cây như cũ thì sẽ phải bỏ ngân sách; nếu có cơ chế để kéo doanh nghiệp vào làm cùng, thì ngân sách sẽ chỉ hỗ trợ người dân giống, phân, còn doanh nghiệp sẽ tha gia các phần còn lại”, bà Thái Hương báo cáo. Cụ thể, doanh nghiệp đề xuất trồng các loại dược liệu, xây dựng tiêu chuẩn, kỹ thuật, công nghệ, xây dựng hương hiệu... Khi đó, người nông dân sẽ là công nhân nông nghiệp, còn con cái họ trở thành những nhà lãnh đạo, nhà quản lý ở đó...

Đề án bắt nguồn từ hiện trạng thiếu hiệu quả các các điện tích đất rừng đang thuộc quản lý của các nông, lâm trường. Theo bà Hương, phần lớn các diện tích này được trồn keo, nhưng hiệu quả kinh tế thấp, cây keo lại không tốt cho đất.

Tuy nhiên, để thu hút được doanh nghiệp tham gia, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Đặc biệt, bà Hương đề xuất phải có cơ chế chính sách tập trung về đất đai để có thể làm đại công nghiệp trong nông nghiệp...

Thaco trăn trở vì chưa có chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ

Để đầu tư công nghiệp hỗ trợ thì đòi hỏi sản lượng và công nghệ. Tuy nhiên, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Thaco lo lắng vì Việt Nam chưa có chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ, với rất nhiều ngành, lĩnh vực.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Thaco. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Thaco. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

“Chúng ta nói nhiều về bán dẫn, nói nhiều về các công nghệ mới, đúng rồi nhưng cần có thời gian. Trong khi đó, cơ khí có tính về đời sống, đến lao động giản đơn, có tính lan tỏa và đi vào cái đời sống công nghiệp của Việt Nam. Chúng tôi mong Chính phủ xem xét vấn đề này và đó cũng là cơ hội trong phát triển công nghiệp nền tảng ở Việt Nam cũng như là xuất khẩu”, ông Dương kiến nghị.

Năm 2024, mảng công nghiệp hỗ trợ của Thaco xuất khẩu 140 triệu USD thông qua bán linh phụ kiện cho các doanh nghiệp FDI, khi các doanh nghiệp FDI xuất khẩu thì được thêm 20 triệu USD. Tuy nhiên, ngành đang đối mặt với thách thức với các quy định về phòng vệ thương mại, phải kiểm soát hàm lượng rất kỹ, đặc biệt là nguyên vật liệu và một số cái linh kiện phụ trợ từ Trung Quốc.

Sang năm, ông Dương cho biết, dự kiến tăng gấp đôi về công nghiệp cơ khí, công nghệ phụ trợ. “Chúng tôi cũng đang triển khai tiếp khu công nghiệp sản xuất về cơ khí, công nghiệp hỗ trợ tại miền Nam. Bởi vì các doanh nghiệp FDI đầu tư sang Việt Nam để lắp ráp và chuyển thành phẩm về nước. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất được từ 35 đến 40% các chi tiết linh kiện phụ tùng.

Năm 2024, Thaco bán linh kiện, phụ tùng cho các nhà sản xuất lắp ráp trong nước như là Hyundai Toyota..., với doanh thu là 13 triệu USD. “Sang năm sẽ nhiều hơn”, ông Dương tin tưởng.

REE đợi được giao đầu tư điện gió đã 3 năm

Bà Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cơ điện lạnh REE. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bà Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cơ điện lạnh REE. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chúng tôi đề xuất các doanh nghiệp tư nhân lớn đi vào xây dựng các dự án điện gió trên bờ, gần bờ và điện gió ngoài khơi, điện mặt trời trên hồ thủy điện cũng như là mở rộng thủy điện hiện nay. Bà Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cơ điện lạnh REE gửi tới thường trực Chính phủ. Bà cho rằng, các doanh nghiệp có thể gánh vác được vài gigawatt.

“Nhưng vấn đề hiện nay là chúng tôi đang đói giấy phép đầu tư, chứ không phải là thiếu tiền hay năng lực. Tôi chờ 3 năm rồi kể từ khi Quyết định 39 về giá FIT cho điện gió cũng hết hiệu lực vào tháng 10/2021. Kính thưa Chính phủ, chúng tôi đang chờ được giao nhiệm vụ đó”, bà Mai Thanh gửi đề xuất cụ thể.

Tại Hội nghị Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước hôm 21/9, bà Mai Thanh khẳng định, các doanh nghiệp đã có đủ năng lực để thực hiện các dự án điện gió trên bờ, gần bờ và thậm chí là ngoài khơi... Đề nghị Chính phủ mạnh dạn trao cho doanh nghiệp nhiệm vụ này.

Sun Group: Thể chế hóa việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược theo cơ chế giao nhiệm vụ.

Giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực thực hiện các dự án trọng điểm, động lực trong việc phát triển kinh tế - xã hội trong một số ngành nghề, lĩnh vực, địa phương là đề xuất của ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Tập đoàn Sun Group gửi tới Thường trực Chính phủ.

Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Tập đoàn Sun Group. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Tập đoàn Sun Group. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Quan điểm của Chủ tịch Sun Group là với những dự án lớn động lực, thường chỉ có một số doanh nghiệp có năng lực thực hiện. “Cuối cùng vẫn lựa chọn chúng tôi, nhưng mất rất nhiều thời gian, chi phí, cơ hội đầu tư. Mong muốn là thể chế hóa được cơ chế giao nhiệm vụ”, ông Trường đề xuất và nhắc tới cơ chế để đưa đường dây 500 KV mạch 3 về đích trong 6 tháng, trong khi nếu theo thủ tục bình thường phải mất 3-4 năm.

“Hiệu quả rất rõ ràng. Cần hướng cụ thể chế hóa cơ chế này, cần ban hành song song với các cơ chế đặc thù để các doanh nhân được giao nhiệm vụ phát huy được cái tối đa nguồn lực”, ông Trường kiến nghị cụ thể.

Đặc biệt, ông nhắc đến cơ chế luồng xanh cho các dự án công nghiệ cao, bán dẫn, chip... trong khu công nghiệp mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất, mong muốn bổ sung các dự án du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí tại các địa bàn du lịch tiềm năng vào các lĩnh vực được vận dụng.

Đặc biệt, ông Trường đề xuất tiếp tục triển khai các dự án đầu tư mới theo hình thức BT để phát triển hạ tầng giao thông, nâng cao khả năng kết nối giao thông tại các điểm, khu du lịch, đảm bảo an toàn giao thông cho khách. Có thể áp dụng công thức này để đầu tư cảng hàng không và cảng biển

Khánh An

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tra-loi-cau-hoi-co-the-lam-gi-vingroup-thaco-masan-sun-group-co-ngay-de-xuat-gui-thu-tuong-d225550.html
Zalo