Chính phủ cam kết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ cam kết luôn đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào. Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế; nghiên cứu, bãi bỏ các giấy phép con, xóa bỏ môi trường tạo sách nhiễu, phiền hà, làm tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Ngày 21/9, phát biểu kết luận hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần tiếp thu, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân. Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục phát triển, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của đất nước.

Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ cam kết luôn đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào. Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế; nghiên cứu, bãi bỏ các giấy phép con, xóa bỏ môi trường tạo sách nhiễu, phiền hà, làm tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

“Chính phủ luôn lắng nghe, chia sẻ với các khó khăn, vướng mắc và chung tay cùng tháo gỡ để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức. Đặc biệt là trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi theo pháp luật, yên tâm sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng khẳng định các cơ quan chức năng tiếp tục lắng nghe ý kiến doanh nghiệp để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hơn nữa theo đúng tinh thần Hội nghị Trung ương 10 và chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, góp phần đắc lực, hiệu quả trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, quản lý và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Thủ tướng nêu rõ quan điểm xác định người dân và doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; thể chế không chỉ quản lý hiệu quả mà còn kiến tạo phát triển.

Về các góp ý, kiến nghị của doanh nghiệp, Thủ tướng giao các bộ, ngành lắng nghe, tiếp thu và phải giải quyết với những giải pháp cả trước mắt và lâu dài trên tinh thần “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện”; "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; “hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước”.

Tại hội nghị, tất cả các doanh nghiệp tham gia đều chia sẻ về tình hình hoạt động, các khó khăn vướng mắc, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ; chia sẻ suy nghĩ, tầm nhìn, tìm ra giải pháp cho các bài toán lớn của đất nước nhằm đạt được mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 như đã đề ra tại Đại hội XIII của Đảng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ các doanh nhân tại hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ các doanh nhân tại hội nghị.

Chủ tịch HĐQT Vingroup Phạm Nhật Vượng bày tỏ, hội nghị không chỉ là cơ hội cho các doanh nghiệp được đóng góp ý kiến, tiếng nói với Thủ tướng, Chính phủ mà còn thể hiện sự quan tâm, động viên, động lực to lớn trong hành động truyền lửa để các doanh nghiệp có thêm năng lượng, thêm động lực tiếp tục phấn đấu giai đoạn tới.

Ông Vượng đã đưa ra đề xuất ở ba nhóm vấn đề gồm đào tạo nhân lực, nhà ở xã hội và công nghiệp phụ trợ. Đó là, trong giáo dục đào tạo, Chính phủ cho phép có thể bỏ hẳn hoặc mở rộng hạn ngạch về đầu tư đào tạo các sinh viên các khối công nghệ, khoa học máy tính, AI, dữ liệu lớn để tạo ra lực lượng lao động lớn cho ngành này. Cần đẩy mạnh đào tạo tiếng Anh, phổ cập tiếng Anh cho toàn dân, vùng sâu, vùng xa, tạo thêm những "cần câu cơm" tốt hơn cho các em ở khu vực này.

Về vấn đề an sinh xã hội, đặc biệt là nhà ở xã hội, Chính phủ có thể cho cơ chế chỉ định nhà đầu tư, giúp rút ngắn thủ tục. Đề nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi công nghiệp phụ trợ.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Hội đồng quản trị Sovico Group khẳng định, năng lực, sáng kiến của các tập đoàn Việt Nam là không giới hạn. Bà mong muốn Thủ tướng Chính phủ tin tưởng ở những doanh nghiệp tư nhân, tạo điều kiện xây dựng các quy định, pháp luật, cơ chế, môi trường cho các doanh nghiệp dân tộc để hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế. Làm đầu tàu và thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp nông thôn, các công ty khởi nghiệp.

Ông Đặng Minh Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group) đề xuất, thể chế hóa với cơ chế đặc thù cho việc thu hút các doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, có cơ chế về giao đất, thuế đất; cơ chế ưu tiên các dự án có hiệu quả tổng hợp; tiếp tục cải cách hành chính, thủ tục đầu tư theo hướng nhanh hơn, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn.

Bà Thái Hương - Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, cho rằng đầu tư vào sức khỏe là góp phần cải thiện nòi giống của một dân tộc. Bà kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế thu hút các doanh nghiệp lớn về đầu tư nông nghiệp, đưa nông dân trở thành công nhân nông nghiệp – là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị khép kín, sản xuất, chế biến và xây dựng thương hiệu.

Hà Anh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/chinh-phu-cam-ket-khong-hinh-su-hoa-cac-quan-he-kinh-te/20240922084351352
Zalo