Làn sóng kêu gọi châu Âu trì hoãn lệnh cấm sản phẩm nông nghiệp liên quan phá rừng

Các tiếng nói phản đối quy định khắt khe của châu Âu về việc cấm nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực liên quan đến phá rừng ngày càng mạnh mẽ.

Tuần trước, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala, các thành viên nội các ở Brazil, và thậm chí cả Thủ tướng Đức Olaf Scholz, nhà lãnh đạo của nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) trì hoãn thực thi Quy định chống phá rừng (EUDR) dự kiến có hiệu lực vào cuối năm nay.

Cuối năm nay, 7 mặt hàng nông nghiệp dầu cọ, đầu nành, gỗ, ca cao, cà phê, gia súc (bò) và cao su sẽ bị cấm nhập khẩu vào EU nếu được sản từ đất rừng bị phá sau năm 2000. Ảnh: global-traceability.com

Cuối năm nay, 7 mặt hàng nông nghiệp dầu cọ, đầu nành, gỗ, ca cao, cà phê, gia súc (bò) và cao su sẽ bị cấm nhập khẩu vào EU nếu được sản từ đất rừng bị phá sau năm 2000. Ảnh: global-traceability.com

EUDR bị chỉ trích mang tính “phân biệt đối xử và trừng phạt”

EUDR yêu cầu nhà nhập khẩu của EU phải chứng minh bảy mặt hàng nông nghiệp chủ lực gồm dầu cọ, đầu nành, gỗ, ca cao, cà phê, gia súc (bò) và cao su không được sản xuất từ đất rừng bị phá sau năm 2020. Nếu không chứng minh được, những mặt hàng này sẽ bị cấm nhập khẩu. EUDR được thiết kế nhằm chống biến đổi khí hậu và ngăn chặn tình trạng xói mòn đa dạng sinh học. Tuy nhiên, sự thiếu rõ ràng về các chi tiết của EUDR cũng như lộ trình triển khai gấp gáp khiến quy định này vấp phản sự đối ngày càng lan rộng. EUDR sẽ ảnh hưởng đến hơn 100 tỉ đô la sản phẩm nông nghiệp mà EU nhập khẩu mỗi năm.

Trong những tháng gần đây, các quan chức chính phủ và tổ chức kinh doanh trên toàn cầu tăng cường vận động hành lang đây để thuyết phục các quan chức EU tạm dừng kế hoạch thực thi EUDR. Các nước ở Đông Nam Á, Mỹ Latin và châu Phi chỉ trích EUDR mang tính “phân biệt đối xử và trừng phạt”

Hồi tháng Sáu, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden kiến nghị trì hoãn thực thi EUDR. Các công ty giấy của Mỹ cảnh báo, quy định này thể dẫn đến tình trạng thiếu tã lót và băng vệ sinh ở châu Âu. Một tháng sau đó, Trung Quốc tuyên bố sẽ không tuân thủ EUDR vì mối lo ngại an ninh không cho phép nước này chia sẻ dữ liệu cần thiết để chứng minh các sản phẩm nông nghiệp không liên quan đến phá rừng.

Tuần trước, những tiếng nói bày tỏ lo ngại và kêu gọi trì hoãn EUDR lại nổi lên. Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala yêu cầu Brussels xem xét lại lệnh cấm nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp các khu vực bị phá rừng.

Bà cho biết, EU vẫn chưa ban hành các hướng dẫn rõ ràng để tuân thủ EUDR. Điều này dẫn đến sự không chắc chắn đối với các nhà xuất khẩu vì doanh nghiệp không biết liệu hàng hóa nông nghiệp có bị chặn lại ở biên giới EU hay không.

Trong thư gửi cho Ủy ban châu Âu (EC) hôm 12-9, Bộ trưởng Ngoại giao Mauro Vieira và Bộ trưởng Nông nghiệp Carlos Fávaro của Brazil yêu cầu EU trì hoãn thực hiện EUDR và khẩn cấn đánh giá lại cách tiếp cận. Theo đó, EUDR ảnh hưởng đến khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp của Brazil sang EU hàng năm. Con số này tương đương khoảng 15 tỉ đô la Mỹ.

“Chúng tôi coi EUDR là công cụ đơn phương và mang tính trừng phạt, phớt lờ luật pháp quốc gia về chống phá rừng”, bức thư có đoạn.

Cùng ngày, Thủ tướng Đức Olaf Scholz kêu gọi Chủ tịch EC. Ursula von der Leyen đình chỉ kế hoạch triển khai EUDR. Người đứng đầu nước Đức lên tiếng sau khi các nhóm vận động hàng lang hối thúc chính phủ tìm cách hạn chế rủi ro chế tài và gánh nặng hành chính mà EUDR gây ra đối với doanh nghiệp trong nước.

Làn sóng kêu gọi trì hoãn EUDR nhấn mạnh những khó khăn trong việc đạt được tiến bộ trong một vấn đề cấp bách là bảo vệ người dân thế giới trước tác động tàn phá của biến đổi khí hậu.

Các vụ phá rừng nhiệt đới trên diện rộng, thường là bất hợp pháp, góp phần tích tụ lượng khí thải carbon trong khí quyển. Tình trạng khiến nhiệt độ toàn cầu tăng cao, làm tăng xói mòn đất và lũ lụt, đồng thời phá hủy môi trường sống của hàng nghìn loài động vật, khiến chúng có nguy cơ tuyệt chủng.

EUDR đòi hỏi nông dân ở các nước xuất khẩu phải lập bản đồ chi tiết trang trại sản xuất hàng hóa nông nghiệp bao gồm cà phê để chứng minh không liên quan đến phá rừng. Ảnh: Plan For The Planet

EUDR đòi hỏi nông dân ở các nước xuất khẩu phải lập bản đồ chi tiết trang trại sản xuất hàng hóa nông nghiệp bao gồm cà phê để chứng minh không liên quan đến phá rừng. Ảnh: Plan For The Planet

Các đòi hỏi của EUDR quá khắt khe, khó tuân thủ

Sau nhiều năm tranh luận, các nhà lập pháp của Nghị viện châu Âu thông qua EUDR vào năm 2023. EU hy vọng, quy định này sẽ có tác động lan tỏa, thúc đẩy các nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản thông qua luật tương tự. Tuy nhiên, trong một thế giới sản xuất hàng loạt toàn cầu hóa thì việc chứng minh mỗi quy trình trong chuỗi cung ứng không có các thành phần liên quan đến nạn phá rừng là điều khó khăn.

Tina Schneider, giám đốc quản trị rừng của Viện Tài nguyên Thế giới cho biết, cả khu vực tư nhân và chính phủ đều đang nhanh chóng đổi mới các giải pháp giám sát nạn phá rừng để sản xuất hàng hóa nông nghiệp. Dù vậy, các bên vẫn đối mặt các thách thức phức tạp và khác nhau tùy thuộc vào mặt hàng nông nghiệp và khu vực địa lý sản xuất.

Một số nước đã xây dựng hệ thống giám sát hoạt động sản xuất nông nghiệp. Argentina và Uruguay thiếp lập hệ thống truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng sản xuất thịt bò trong 15 năm qua. Cho đến nay, Ghana, một trong những nước xuất khẩu ca cao lớn nhất thế giới đã lập bản đồ 1,2 triệu trang trại để có thể thể bắt đầu theo dõi hạt ca cao từ trang trại đến tàu xuất khẩu vào tháng tới.

Một số tập đoàn thực phẩm đa quốc gia bao gồm Nestlé, Mars Wrigley, Mondelez và Unilever tuyên ủng hộ các quy định chống phá rừng. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) lưu ý, một số quốc gia, trong đó có Peru và Việt Nam đang thiết lập các hệ thống chứng nhận nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp để tuân thủ EUDR.

Tuy nhiên, tiến độ tuân thủ này giữa các nước không đồng đều. Nhiều quan chức, tổ chức nông dân và hiệp hội thương mại trên toàn cầu phàn nàn rằng, EUDR đòi hỏi phải lập bản đồ từng mét vuông đất sản xuất nông nghiệp và truy tìm nguồn gốc của từng hạt đậu nành hoặc dăm gỗ. Đòi hỏi khắt khe này gần như không thể tuân thủ. Ngay cả ở EU, Bộ Nông nghiệp ở 20 nước thành viên, gồm Áo, Pháp, Ý và Thụy Điển cũng yêu cầu hoãn thực hiện EUDR.

Các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình cho rằng, EUDR là một ví dụ khác về việc những nước này phải gánh chịu chi phí thiệt hại từ tác động của biến đổi khí hậu, vốn do các nước công nghiệp giàu có gây ra.

Tại châu Âu và Mỹ, cử tri đang bất bình về chi phí và các quy định siết chặt quản lý môi trường. Các cuộc biểu tình phản đối của nông dân trên khắp châu Âu trong năm nay buộc các nhà lãnh đạo châu Âu nới lỏng các quy định này và giảm quy mô của các mục tiêu khí hậu.

Các tổ chức bảo vệ môi trường thừa nhận, có một số khó khăn về mặt tuân thủ EUDR nhưng không phải là không thể vượt qua. Họ cảnh báo, tổn thất của hành động chậm trễ sẽ còn nghiêm trọng hơn. Gần đây, trong thư gửi cho người đứng đầu EC Ursula von der Leyen, một minh gồm 170 tổ chức nhân quyền và môi trường phản đối bất kỳ sự trì hoãn nào đối với EUDR.

“Hậu quả của việc không hành động đã được cảm nhận rõ ràng ở châu Âu qua tình trạng hạn hán và cháy rừng ngày càng trầm trọng”, bức thư viết.

Theo New York Times

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/lan-song-keu-goi-chau-au-tri-hoan-lenh-cam-san-pham-nong-nghiep-lien-quan-pha-rung/
Zalo