Trả đũa thuế quan Mỹ - Trung: Đòn hù để hạ nhiệt

Sự trả đũa của Trung Quốc với thuế quan Mỹ là đòn hù nhằm hạ nhiệt thương chiến chứ không phải thổi bùng nó.

Sau khi Tổng thống Trump dọa bắt đầu một cuộc chiến thương mại mới với Trung Quốc, Canada và Mexico, 2 láng giềng của Mỹ đã tìm cách xoa dịu ông. Nhờ đồng ý gửi thêm đặc vụ lẫn quân đội đến biên giới với Mỹ để ngăn chặn hoạt động buôn lậu, nhất là fentanyl, cả hai đã đạt được thỏa thuận hoãn áp thuế trong 1 tháng.

Nên, nhiều người đã đùa rằng Trung Quốc cũng nên làm giống vậy. Tuy nhiên, nền kinh tế số hai thế giới thay vào đó đã chọn khoa trương sức mạnh của mình. Ngày 4/2/2025, sau khi mức thuế mới 10% của Mỹ được thêm vào các hàng rào thuế hiện có, Bắc Kinh đã ngay lập tức công bố một loạt biện pháp trả đũa.

Theo đó, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo áp thuế nhập khẩu với hàng Mỹ từ ngày 10/2/2025. Than đá và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) bị đánh thuế 15%, trong khi dầu thô, máy móc trang trại và một số loại ô tô chịu 10%. Bộ Thương mại và Hải quan Trung Quốc nói sẽ siết xuất khẩu các nguyên tố quan trọng như tungsten, tellurium, ruthenium, molybdenum "để bảo vệ an ninh quốc gia".

Đối phó với các doanh nghiệp Mỹ, Trung Quốc tuyên bố mở một cuộc điều tra chống độc quyền với Google, thêm công ty công nghệ sinh học Illumina cùng PVH - công ty mẹ của Calvin Klein và Tommy Hilfiger vào "danh sách thực thể không đáng tin cậy". Điều này có thể hạn chế các khoản đầu tư của họ vào Trung Quốc và các giao dịch của họ với các công ty nước này.

Ngoài ra, nước xuất khẩu lớn nhất thế giới cũng tự đặt ra nhiều rào cản thương mại mới, như thắt chặt kiểm soát xuất khẩu với nhiều kim loại hiếm, gồm molypden và vonfram (sử dụng trong nhiều sản phẩm, từ bóng đèn đến đạn).

Đòn hù để hạ nhiệt

Trên thực tế, các biện pháp trả đũa nói trên không gây ra sự dịch chuyển lớn nào về thương mại.

Từ năm 2010, Google gần như đã rút khỏi Trung Quốc. Nước này cũng không còn nhập khẩu nhiều dầu từ Mỹ và đã sản xuất nhiều hơn hàng triệu chiếc ô tô so với số lượng có thể bán trong nước. Dù việc kiểm soát kim loại hiếm có thể gây nhiều tác hại ngắn hạn hơn (ví dụ: Trung Quốc sản xuất khoảng 80% vonfram của thế giới), những nguyên tố này thường trở nên ít hiếm hơn khi có động lực buộc phải tìm các nguồn mới.

Hơn nữa, lượng hàng từ Mỹ mà Trung Quốc áp thuế có giá trị cao nhất 20 tỷ USD, khá nhỏ so với con số 450 tỷ USD tổng lượng hàng của Trung Quốc mà Mỹ áp thuế trước đó. Theo Zhang Zhiwei - Chủ tịch, Nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, hành động này không mang tính gây hấn, vì Bắc Kinh chỉ nhắm đến một số sản phẩm của Mỹ để trả đũa mức thuế của Washington với tất cả hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

Hiện, đòn thuế của ông Trump được xem là có ít ảnh hưởng tới Trung Quốc hơn trước đây. Truyền thông Trung Quốc ngày 2/2/2025 cho biết kim ngạch xuất khẩu nước này sang Mỹ chỉ chiếm 3% GDP và chưa tới 15% tổng kim ngạch. Nên, sự trả đũa của Trung Quốc nên được xem là động thái khoa trương nhằm ngăn mức thuế cao hơn nữa trong tương lai, hay nói cách khác là đòn hù để hạ nhiệt căng thẳng.

Hướng tới đàm phán và thỏa thuận

Nhìn chung, các đòn thuế giữa Mỹ và Trung Quốc thời điểm này chưa có nhiều tác động và là bước đệm để dẫn tới một mục tiêu quan trọng hơn. Phó giám đốc nghiên cứu Trung Quốc Chris Beddor thuộc tổ chức nghiên cứu Gavekal, cho rằng đòn thuế của hai bên không nhằm leo thang mà "đang hướng tới đàm phán và một thỏa thuận".

Điều này càng thể hiện rõ qua việc Bắc Kinh đã có khởi đầu tốt ngoài mong đợi với chính quyền mới của Tổng thống Trump. Trong một cuộc phỏng vấn hôm 24/1/2025 với Fox News, ông Trump ám chỉ rằng cả hai có thể đạt một thỏa thuận thương mại. Bắc Kinh trước đó cũng đã ra tín hiệu về ý định tránh một cuộc thương chiến như đã diễn ra trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.

Hiện, Washington dự kiến hoàn tất việc xem xét các hoạt động thương mại của Trung Quốc vào ngày 1/4 tới. Sự kiện này có thể làm dấy lên những lời phàn nàn về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc và việc nước này không mua nhiều hàng hóa như đã hứa trong thỏa thuận đạt được với ông Trump trước Covid-19.

Mặt khác, sự trả đũa của Trung Quốc là nhằm kiềm chế thương chiến chứ không phải thổi bùng nó. Vấn đề duy nhất với cách tiếp cận này là ông Trump rất coi trọng sự khoa trương và sự thể hiện bất chấp của Trung Quốc có thể khiến vị tổng thống leo thang.

Sắc lệnh hành pháp áp thuế 10% nêu rõ chúng "có thể tăng hoặc mở rộng phạm vi" nếu Trung Quốc không có phản hồi phù hợp. Dù Trung Quốc có thể sánh ngang với sức mạnh kinh tế của Mỹ, ít ai có thể sánh ngang với sự liều lĩnh về kinh tế của ông Trump.

Vấn đề với sự trả đũa mang tính khoa trương là ông Trump rất coi trọng sự khoa trương và sự thể hiện bất chấp của Trung Quốc có thể khiến vị tổng thống leo thang.

Vấn đề với sự trả đũa mang tính khoa trương là ông Trump rất coi trọng sự khoa trương và sự thể hiện bất chấp của Trung Quốc có thể khiến vị tổng thống leo thang.

Vũ khí tốt nhất của Trung Quốc là ... dân Mỹ

Thực tế, hy vọng tốt nhất của Trung Quốc để ngăn Mỹ không nằm ở sự trả đũa mà nằm ở nỗi đau kinh tế mà chính đòn thuế của ông Trump có thể gây ra cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Warwick McKibbin và Marcus Noland thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson tính toán rằng mức thuế 10%, ngay cả khi không có sự trả đũa của Trung Quốc, sẽ gây tổn hại cho Mỹ, khiến nền kinh tế này thiệt hại tổng cộng hơn 100 tỷ USD từ năm 2025 đến 2040.

Trong nhiệm kỳ đầu, nhóm của ông Trump đã thận trọng trong việc áp thuế với hàng tiêu dùng, vì sợ làm phật lòng các hộ gia đình Mỹ nhạy cảm về giá.

Ngược lại, mức thuế mới 10% được áp trên diện rộng và thậm chí cả trên bưu kiện có giá dưới 800 USD mà trước đây đã thoát khỏi thuế với lý do chúng không đáng để bận tâm thu thập. Kẽ hở này, được gọi là miễn trừ De Minimis, cho phép người tiêu dùng Mỹ hưởng giá hời từ thương mại điện tử và thời trang nhanh của Trung Quốc với mức độ rắc rối tối thiểu.

Do đó, cơ chế thương mại mới chắc chắn sẽ không làm họ hài lòng và những lời phàn nàn của những người săn hàng giá rẻ có thể sẽ còn lớn hơn cả tiếng phản đối của Google hay Illumina. Thực tế, Dịch vụ Bưu chính Mỹ dù thông báo dừng tiếp nhận bưu kiện gửi từ Trung Quốc và Hồng Kông sau khi sắc lệnh thuế 10% có hiệu lực, đã dỡ bỏ nó chỉ 1 ngày sau đó.

Và, sự bất mãn của người tiêu dùng sẽ chỉ tăng lên nếu cuộc chiến thương mại của ông Trump lan sang cả châu Âu. Ông đã dọa sẽ áp thuế "rất đáng kể" lên Liên minh châu Âu - nơi có thặng dư thương mại với Mỹ được tổng thống miêu tả là "tội ác". Khối 27 thành viên, với nền kinh tế có quy mô tương tự như Trung Quốc, đã hứa sẽ trả đũa nếu cần thiết.

"Chúng tôi sẽ luôn bảo vệ lợi ích của chính mình, bất kể và bất cứ khi nào cần thiết", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết ngày 4/2.

Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ. Theo số liệu tháng trước từ Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại song phương đạt 4.898 tỷ CNY (668 tỷ USD) năm 2024. Nhưng, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc rất lớn, khiến Washington không hài lòng nhiều năm qua. Năm ngoái, mức thâm hụt lên tới 361 tỷ USD.

Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã phát động thương chiến dài 2 năm với Trung Quốc, áp thuế 25% trên 300 tỷ USD hàng hóa. Trung Quốc trả đũa bằng chính sách tương tự và ngừng mua nông sản Mỹ. Để chấm dứt thương chiến, cả hai ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 năm 2020 với điều khoản Trung Quốc mua thêm 200 tỷ USD hàng Mỹ mỗi năm. Dù vậy, kế hoạch này bị đình trệ do Covid-19.

Khởi Vũ

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/tra-dua-thue-quan-my-trung-don-hu-de-ha-nhiet-315927.html
Zalo